Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục trung học xây dựng kế hoạch giáo dục của nhà trường và tổ chức dạy học các môn học, hoạt động giáo dục phù hợp với đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học của nhà trường.
Trong đó, kế hoạch giáo dục của nhà trường thể hiện việc huy động đầy đủ nguồn lực, cơ sở vật chất, thiết bị dạy học hiện có của nhà trường trong kế hoạch giáo dục của các môn học, hoạt động giáo dục. Lưu ý việc xây dựng phân phối chương trình các môn học Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý, Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp phù hợp với tình hình thực tế để phát huy hiệu quả năng lực đội ngũ giáo viên của nhà trường.
|
Ảnh minh họa (nguồn: Internet) |
Đối với các môn học lựa chọn và các chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT: Tăng cường xếp các lớp học riêng theo từng môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn. Linh hoạt bố trí sĩ số học sinh theo từng lớp học để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh. Phân công giáo viên và xây dựng thời khóa biểu giữa các lớp học bảo đảm tính khoa học. Tổ chức tốt việc tư vấn và cho học sinh đăng ký, lựa chọn các môn học, chuyên đề học tập lựa chọn bảo đảm công khai, minh bạch.
Tiếp tục thực hiện chương trình các môn ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2006 đối với đối tượng học sinh chưa học được ngoại ngữ theo Chương trình GDPT 2018.
Đối với trường chuyên, tiếp tục thực hiện dạy học theo hướng dẫn tại Công văn số 4171/BGDĐT-GDTrH ngày 26/8/2022 của Bộ GD&ĐT về việc hướng dẫn nội dung dạy học các môn chuyên cấp trung học phổ thông.
Với việc xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường, Bộ GD&ĐT cũng lưu ý việc xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện văn hóa học đường với việc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.
Cùng với đó, tích hợp nội dung giáo dục quyền con người; tích hợp hiệu quả các nội dung giáo dục về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các nội dung giáo dục pháp luật về an toàn giao thông; phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đạo đức liêm chính;
Giáo dục bình đẳng giới; giáo dục chăm sóc mắt và phòng chống mù, lòa cho học sinh; giáo dục chủ quyền quốc gia về biên giới, biển đảo, quốc phòng và an ninh; giáo dục sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; giáo dục bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học và bảo tồn thiên nhiên; giáo dục thông qua di sản; giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai; giáo dục tăng cường năng lực số, kỹ năng chuyển đổi và các nội dung giáo dục lồng ghép khác.
Thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giáo dục hòa nhập cho học sinh khuyết tật; triển khai mô hình giáo dục từ xa cho học sinh khuyết tật không có điều kiện đến trường dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông phù hợp với điều kiện của địa phương, cơ sở giáo dục.
Chỉ đạo các trường vùng dân tộc thiếu số có đủ điều kiện về giáo viên, cơ sở vật chất tổ chức dạy học 2 buổi/ngày theo hướng kết hợp dạy học văn hóa với tổ chức các hoạt động trải nghiệm; tăng cường phụ đạo cho học sinh còn hạn chế về kết quả học tập; tăng cường tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số và tổ chức dạy học các môn học tiếng dân tộc thiểu số khi có đủ điều kiện theo quy định.
>>>Mời quý độc giả xem video: Phụ huynh kéo lên Sở Giáo dục kiến nghị “trả” lại điểm cho thí sinh do hiểu nhầm đề thi Toán":