Bình yên tiếng trẻ học bài giữa sóng nước Trường Sa

Google News

Đến với nơi “đầu sóng, ngọn gió” Trường Sa (Khánh Hòa), chúng tôi không khỏi xúc động trước rộn ràng tiếng cười đùa trẻ thơ.

Tiếng cười giòn tan trên đảo Sinh Tồn
Một ngày đầu tháng 4, giữa cái nắng như thiêu, như đốt, chúng tôi đặt chân lên đảo Sinh Tồn, thuộc xã đảo Sinh Tồn, huyện đảo Trường Sa. Trái ngược với thời tiết khắc nghiệt nơi biển cả bao la thì ở nơi đây, những người dân có một cuộc sống thật bình yên và luôn rộn rã tiếng cười.
Xung quanh Cột mốc quốc gia khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc uy nghi trên đảo Sinh Tồn là những hàng cây xanh tươi dịu bóng mát. Ở nơi đó, chúng tôi bắt gặp những đứa trẻ tuổi lên 4, lên 5 đang vui đùa ở khu vực ngay cạnh Trường tiểu học Sinh Tồn. Trên con đường bê tông chạy dài là những ngôi nhà khang trang, sạch đẹp của các hộ dân đang sinh sống. Nơi đây, tuy xa cách đất liền hàng trăm hải lý, nhưng cảm nhận về cuộc sống bình yên dường như không hề khác biệt.
Những đứa trẻ trên thị trấn Trường Sa. Ảnh: P.B 
Bước chân vào ngôi nhà của vợ chồng anh Võ Kim Toàn (SN 1977) và chị Trần Thị Tiệm (SN 1981), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên. Trong khuôn viên khoảng 200m2 của vợ chồng anh Toàn là một giàn bí đỏ trĩu quả. Trước nhà là mảnh vườn nho nhỏ được anh chị trồng rau cải, mùng tơi xanh mướt đã đến hồi thu hoạch.
Ôm đứa con trai trong lòng, chị Tiệm cho biết, quê gốc mình ở xã Mỹ Thắng, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lớn lên, chị ra Cam Ranh làm việc rồi quen và kết hôn với anh Võ Kim Toàn. Sau cuộc hôn nhân 10 năm, anh chị đã có hai đứa con trai kháu khỉnh, cháu đầu năm nay lên 10, cháu thứ hai vừa tròn 5 tuổi. Hai cháu bé cười nói giòn tan trong câu chuyện của mẹ với khách: “Sau nhiều năm sống ở đây, cuộc sống của hai vợ chồng tôi luôn đầy đủ, nhiều niềm vui và chẳng khác gì trên đất liền. Tôi nghĩ sống ở đâu cũng vậy thôi, điều quan trọng là mình nghĩ như thế nào và có thực sự cố gắng vượt qua khó khăn hay không”.
Cũng là một trong những hộ dân đã sống lâu năm trên xã đảo Sinh Tồn này, vợ chồng anh Võ Thanh Hò (SN 1978) và chị Đỗ Thị Tuyết Lan (SN 1978) cho biết, tuy cuộc sống xa cách với đất liền, nhưng trên này chẳng thiếu thốn thứ gì. “Những hộ dân nơi đây đều đến từ nhiều vùng quê khác nhau, nhưng sống trên này thì chúng tôi đều cảm nhận như một đại gia đình. Ngoài tình làng, nghĩa xóm, chúng tôi luôn thấy tự hào vì được cùng với các cán bộ, chiến sĩ hải quân bám biển, bám đảo để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc”, chị Lan chia sẻ.
Cả đảo như người một nhà
Trong những ngày công tác ở huyện đảo Trường Sa, dù ở đảo Sinh Tồn hay đảo Trường Sa Lớn thì điều đọng lại với chúng tôi là không khí ấm áp, đoàn kết của những người dân với nhau và giữa người dân với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ trên các đảo.
Theo anh Hò, tại đảo Sinh Tồn, những ngày gió yên, biển lặng, hầu hết các gia đình vẫn lấy nghề đi biển mưu sinh. Do nguồn hải sản phong phú nên mỗi chuyến ra khơi dù rất ngắn ngày, các gia đình cũng đủ thực phẩm sinh hoạt mà không phải quá vất vả như những ngày sống trong đất liền. “Cũng như các cán bộ, chiến sĩ trên đảo này, chúng tôi luôn xác định đảo là nhà, biển cả là quê hương. Ở đây, chúng tôi được sống trong những ngôi nhà liền kề khang trang, xung quanh rợp mát bóng cây, nhà nào cũng có sân trước, sân sau rộng rãi, tiện nghi đầy đủ như tivi, tủ lạnh… Đó là những điều mà khi ở đất liền, không phải ai trong chúng tôi cũng có được. Bao năm sống trong đất liền và nhiều năm sống ở đây, điều mà tôi cảm nhận được sâu sắc là tình người. Vượt lên tất cả về những khó khăn, chúng tôi luôn tự hào ở nơi đầu sóng, ngọn gió cùng bảo vệ quê hương, đất nước”.
Còn với gia đình anh Nguyễn Văn Lương (SN 1977) và chị Trần Thị Kim Loan (SN 1979) sau nhiều năm sống trên đảo Sinh Tồn, điều mà anh chị tự hào nhất là cậu con trai Nguyễn Trần Anh Luân (SN 2005) hiện đang học tiểu học Trường Tây Úc (quận 3, TP Hồ Chí Minh). Theo chia sẻ của anh Lương, cháu Luân từ nhỏ học ở Trường tiểu học Sinh Tồn, vì có thành tích học giỏi nên cháu được nhận quỹ học bổng Vừ A Dính. “Xa con thì nhớ nhưng tôi luôn động viên cháu cố gắng chăm ngoan, học giỏi để không phụ công ba mẹ và các cô, chú, bác ngoài đảo luôn hướng về con. Nói ra quãng đường mấy trăm hải lý thì xa, nhưng ở đây được phủ sóng điện thoại rồi, lúc cần là gọi điện nói chuyện với con cả tiếng đồng hồ. Sống trong đất liền cũng có cái khó và sống ngoài đảo cũng có sướng nên chúng tôi luôn động viên nhau vượt qua để bám biển, bám đảo”, anh Lương tâm sự.
Điều mà anh Toàn, anh Hò, anh Lương hay các gia đình trên này luôn cảm thấy quý nhất là tình cảm mà quân dân trên đảo dành cho nhau. Chị Nguyễn Thị Kiều Loan (SN 1991), một trong những bà mẹ trẻ sinh con trên đảo này chia sẻ: Có nhiều đồng bào ở trong đất liền ra thăm thì ngạc nhiên lắm. Họ không nghĩ là điều kiện vật chất, thông tin liên lạc và dịch vụ y tế ngoài đảo phát triển như thế này đâu. “Tôi có 2 cháu, một cháu sinh ở đất liền, sau đó ra đây một thời gian thì sinh cháu thứ hai. Tuy mới hơn 3 tháng tuổi, nhưng ngấm gió biển, ngấm nắng Trường Sa nên cháu cứng cỏi và không bệnh tật gì. Cả xóm ưu ái cho thành viên nhỏ tuổi nhất này nên được cưng nựng lắm. Ai cũng gọi cháu là con, xưng là mẹ, nhìn cảnh đó mình không cần nói ra thì cũng cảm nhận được tình người ở nơi đảo xa này nó lớn lao như thế nào”, chị Loan xúc động.
Chị Phạm Thị Như Trinh (SN 1983), Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thị trấn Trường Sa tâm sự: Quê chị ở tận xã Cam Hải Đông, TP Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi lập gia đình thì chị và chồng là anh Nguyễn Phong Danh xung phong ra ngoài này lập nghiệp sinh sống. “Ban đầu cứ nghĩ cuộc sống ở nơi đảo xa chắc thiếu thốn, vất vả lắm. Nhưng ra một thời gian thì mới thấy, có những điều mà mình chưa bao giờ biết. Ở đây chúng tôi được Đảng và Nhà nước, chỉ huy đảo tạo điều kiện hết mức để có cuộc sống tốt nhất. Ngày thường thì các ông chồng đi thuyền đánh bắt hải sản, các bà vợ thì ở nhà dạy dỗ con cái, trồng rau và chăn nuôi. Tuy còn những khó khăn, nhưng chúng tôi biết cách để có một cuộc sống sung túc. Ở đây, ngày lễ Tết các gia đình cũng làm cỗ như trong đất liền; các cháu thiếu nhi đều được tham gia đón Tết Thiếu nhi, phá cỗ Trung thu và học hành đầy đủ. Và điều mà chúng tôi luôn tự hào và nhắc nhở là được gắn bó, bảo vệ chủ quyền quốc gia nơi xa xôi của Tổ quốc”.
Mời quý độc giả xem video Sống ở Trường Sa:
Theo Gia Đình & Xã Hội

Bình luận(0)