Những ngày qua, nhiều địa phương trên cả nước đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề về người và của do mưa lũ gây ra. Chỉ tính riêng đợt mưa lũ từ ngày 27/7 đến 31/7 tại các tỉnh khu vực miền núi Bắc Bộ đã có hàng trăm điểm sạt lở.
Từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước đã ghi nhận một số hiện tượng thời tiết cực đoan. Riêng tháng 4, khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có nhiệt độ cao hơn từ 3,1 - 3,6 độ C so với trung bình nhiều năm. Đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị), nhiệt độ ngày 28/4 đo được là 44 độ C - đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại khu vực này. Ngoài ra, thời gian qua đã xuất hiện rất nhiều mưa dông kèm mưa đá gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.
Những tháng đầu năm 2024 cũng đã xuất hiện rất nhiều mưa dông kèm mưa đá. Tính đến ngày 7/5, trên cả nước đã xuất hiện 72 trận mưa đá, trong đó Nghệ An là tỉnh có số lần xảy ra mưa đá nhiều nhất với 11/72 trận mưa đá; mưa đá, lốc sét và gió giật mạnh đã gây ra nhiều thiệt hại về kinh tế, xã hội và môi trường.
Trước đó, các nhà khoa học cũng đã dự báo mưa lớn sẽ xuất hiện chính ở Bắc Bộ vào tháng 7 - 9, ở Trung Bộ tháng 9 - 11. Mưa lớn cục bộ với cường suất lớn từ 50-100mm trong 3-6 giờ có khả năng xuất hiện nhiều trong thời gian tới, đề phòng gây sạt lở và lũ quét ở vùng núi, ngập úng đô thị.
Đặc biệt, cảnh báo kịch bản La Nina tác động vào nửa cuối năm 2024 có thể xuất hiện các đợt mưa lớn tại khu vực Trung Bộ.
Huy động máy móc dọn đất sạt lở để thông Quốc lộ 3B nối thành phố Bắc Kạn với huyện Chợ Đồn. (Ảnh: Nhân dân)
Theo TS Nguyễn Ngọc Huy, chuyên gia biến đổi khí hậu và cảnh báo thiên tai, năm nay có sự chuyển pha liên tục của các hình thái thời tiết. El Nino kết thúc vào tháng 4 và chuyển sang giai đoạn trung tính trong khoảng các tháng 5, 6. Tiếp đó, có sự chuyển pha đột ngột sang La Nina từ khoảng tháng 7 và kéo dài đến hết năm. Chính vì vậy, thời tiết sẽ có nhiều biến động và nhiều hình thái thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa dông, lũ lụt và bão nhiều.
Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, biến đổi khí hậu đang chi phối các hình thái thời tiết thay vì các pha của ENSO. Chính vì vậy, những diễn biến bất thường của thời tiết có thể xảy ra không theo quy luật, bất kể đó là pha nào.
Do đó, một vấn đề lớn cũng đang được đặt ra nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản đó là công tác dự báo.
Trao đổi về vấn đề này, Chủ tịch Hội Khí tượng-Thủy văn Việt Nam, GS.TS Trần Thục cho biết, các đơn vị dự báo đã tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho cảnh báo lũ quét, sạt lở đất.
Tuy nhiên, đối với loại thiên tai này, thế giới không có nhiều kỳ vọng về tính dự báo, hiện trạng dự báo đạt mức từ kém đến thấp và kỳ vọng đến năm 2040, khoa học có thể nâng lên mức kém đến trung bình. Chính vì vậy, theo GS.TS Trần Thục, cùng với việc tăng cường quan trắc, giám sát, việc theo dõi liên tục thông tin qua các hệ thống dự báo trực tuyến cũng như sự phối hợp giữa chính quyền địa phương, người dân và cộng đồng trong việc rà soát các nguy cơ về lũ quét, sạt lở đất tại địa phương là rất quan trọng để có thể chủ động phòng ngừa, ứng phó trước khi thiên tai xảy ra.
Ngay từ đầu năm, thiên tai đã diễn ra phức tạp, dị thường như đợt rét đậm, rét hại diện rộng kéo dài từ tháng 2 đến sang cả tháng 3, với nền nhiệt thấp ở Đồng bằng Bắc Bộ dưới 15 độ C và vùng núi dưới 13 độ C, nắng nóng xuất hiện dài ngày ở khu vực Nam Bộ, xâm nhập mặn tăng cao hơn ở Đồng bằng sông Cửu Long, ảnh hưởng lớn đến dân sinh và sản xuất nông nghiệp.
Phó Tổng cục trưởng Hoàng Đức Cường, Tổng Cục Khí tượng-Thủy văn
>>>
Mời độc giả xem thêm video Những thước phim ám ảnh về trận mưa lũ lịch sử ở Trung Quốc: