Bia Côn Sơn Tư Phúc tự được phong bảo vật quốc gia có gì đặc biệt?

Google News

(Kiến Thức) - Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia. Tấm bia này có gì đặc biệt?

Trong khuôn khổ Lễ khai Hội mùa Xuân Côn Sơn - Kiếp Bạc năm 2018, đã diễn ra lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” là bảo vật quốc gia.
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi - tấm bia quý, chứa đựng những giá trị văn hóa, lịch sử, mỹ thuật đặc sắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Bảo vật Quốc gia vào năm 2017. Tấm bia bằng đá xanh hình lục lăng, 6 mái, chóp mái nhọn, chân bia tạc hình cánh sen. Các hoạ tiết trang trí trên bia được chạm khắc tinh xảo. Chữ trên bia thể hiện theo lối chân thư, 6 chữ tiêu đề bia được chạm to dưới trán. 6 mặt bia Côn Sơn tư phúc tự bi là hình ảnh những con rồng được tạc theo phong cách thời Mạc với thân dài, mảnh, uốn lưng ngựa, mặt quỷ, sừng trâu...
Lễ công bố quyết định của Thủ tướng Chính phủ công nhận bia “Côn Sơn Tư Phúc Tự Bi” là bảo vật quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Lương Văn Cầu cho biết, Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi được tạo tác năm Hoằng Định thứ 8 (1607), trong đợt đại trùng tu chùa Côn Sơn ở thế kỷ XVII, do nhà sư trụ trì chùa Côn Sơn Tư Phúc là Mai Trí Bản chủ trì, Chiêm Đường Nguyễn Đức Minh soạn, Tạ Tuấn viết chữ, Lê Liễu người xã Kính Chủ, huyện Kinh Môn khắc bia.
“Nội dung văn bia khẳng định chùa Côn Sơn được xây dựng từ thế kỷ XIII, là nơi trụ trì của Đệ tam Thánh tổ Huyền Quang Tôn giả, chốn tổ của thiền phái Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Nội dung văn bia ghi lại quá trình tôn tạo, tu bổ chùa Côn Sơn đầu thế kỷ XVII. Qua đó thấy rõ quy mô chùa Côn Sơn giai đoạn này là quần thể kiến trúc hoàn chỉnh gồm 83 gian với các công trình: Phật Điện, Tổ Đường, Hậu Đường, Đông Hành lang, Tây Hành lang, Cửu Phẩm Liên Hoa với 385 pho tượng; các công trình mái lợp ngói thanh lưu ly, hoàng lưu ly... trông xa long lanh như ngọc biếc”, ông Lương Văn Cầu nói.
Bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương cho hay, ngày 15/02/1965 (tức ngày 14 tháng Giêng năm Ất Tỵ), giữa lúc cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ cứu nước diễn ác liệt nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm Côn Sơn. Sau khi thắp hương ở Chùa và Tổ đường, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bia Côn Sơn Tư Phúc tự bi. Bác vừa dịch vừa giảng giải cho anh em trong đoàn và nhân dân hiểu về nội dung của tấm bia.
 
“Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở Côn Sơn đã được nhà thơ Tế Hanh liên tưởng, khi chỉ nhìn vào “mắt” Bác Hồ chăm chú đọc bia, mà như thấy in hình lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc suốt năm thế kỷ, với những con người làm rạng danh non sông đất nước:
“Nhìn mắt Bác chăm chú
Đọc tấm bia Côn Sơn,
Thấy in hình lịch sử
Những đỉnh cao tâm hồn””.
“Sự kiện Chủ tịch Hồ Chí Minh về “thăm” Nguyễn Trãi ở Côn Sơn chắc chắn không phải là ngẫu nhiên mà là một cuộc hẹn lịch sử đã định sẵn. Bởi vì, Nguyễn Trãi, Hồ Chí Minh, hai anh hùng giải phóng dân tộc, hai nhà văn hóa, tư tưởng, hai nhân cách lớn cách nhau hơn 5 thế kỷ nhưng đều gặp nhau ở lòng tin tuyệt đối vào sức mạnh to lớn của nhân dân. Nguyễn Trãi tha thiết lo cho hạnh phúc của dân “Mong sao trong thôn cùng xóm vắng không còn một tiếng hờn giận oán sầu”.
 Bia Côn Sơn Tư Phúc có nhiều họa tiết được chạm khắc tinh xảo.
Thế kỷ XX, tiếp thu và phát triển tư tưởng vĩ đại của tiền nhân, Chủ tịch Hồ Chí Minh mong muốn “Đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Hình ảnh Bác Hồ đọc bia ở chùa Côn Sơn đã trở thành ký ức thiêng liêng đối với mỗi người dân Việt Nam, nhắc nhở, căn dặn chúng ta nhớ về cội nguồn, luôn biết tri ân các bậc tiền nhân là một trong những biểu tượng văn hóa của thời đại, tô thắm thêm truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc”, ông Lương Văn Cầu cho hay.
Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)