Bí thư Hòa Bình 'chạnh lòng, xấu hổ' về vụ gian lận điểm thi

Google News

"Cán bộ làm sai thì 'con dại cái mang', mình chạnh lòng và cũng thấy xấu hổ vì có trách nhiệm của mình trong đó", Bí thư Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh chia sẻ.
 

Chia sẻ với về những bê bối gian lận thi cử ở địa phương, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Bùi Văn Tỉnh cho biết đến nay, cơ quan điều tra Bộ Công an chưa có ý kiến hay văn bản nào gửi cho Tỉnh ủy.
“Chúng tôi chỉ được biết thông tin là cơ quan điều tra đã chuyển Bộ Giáo dục danh sách thí sinh gian lận để Bộ chuyển về cho Sở GD&ĐT để thông báo cho các trường”, ông Tỉnh thông tin.
Về việc xử lý những cán bộ công chức được cho liên quan đến gian lận thi cử trong thời gian qua được báo chí đề cập, Bí thư Hòa Bình khẳng định về nguyên tắc, không thể dựa vào thông tin trên báo chí để xử lý. Vì Tỉnh ủy chưa nhận được văn bản gì nên lãnh đạo tỉnh chưa có ý kiến về việc đó. Nhưng sau khi cơ quan điều tra làm rõ thì tỉnh sẽ xử lý cán bộ một cách nghiêm túc.
Bi thu Hoa Binh 'chanh long, xau ho' ve vu gian lan diem thi
 Ông Bùi Văn Tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình. Ảnh: Diễn đàn Doanh nghiệp.
Liên quan đến danh sách cán bộ có con được nâng điểm, người đứng đầu Tỉnh ủy Hòa Bình khẳng định chưa có bất cứ người nào báo cáo hay có văn bản gì trình bày với tỉnh. Duy nhất trường hợp một cán bộ phó ngành có văn bản gửi tỉnh ủy phản ánh về việc báo chí đưa tin không đúng khi cho rằng con ông được nâng điểm trong kỳ thi vừa qua, trong khi thực chất ông không có người con nào tham gia kỳ thi.
Cán bộ này cũng đề nghị báo chí đưa tin sai phải xin lỗi vì đã làm ảnh hưởng đến uy tín và danh dự của ông.
“Đúng như các cụ nói, 'chưa được vạ má đã sưng', thông tin như thế rất khổ cho người ta”, ông Tỉnh nói. Theo ông, Sở Thông tin tỉnh đã có văn bản gửi Cục Báo chí của Bộ TT&TT phản ánh về việc báo chí tải thông tin trong khi cơ quan điều tra chưa có kết luận là không nên. Chưa kể, việc công khai danh tính những người có liên quan khi chưa xác định vi phạm, chưa xác định họ có lợi dụng chức vụ quyền hạn hay đưa tiền để nâng điểm, là xâm phạm quyền cá nhân.
“Cán bộ làm sai thì 'con dại cái mang', mình chạnh lòng và cũng thấy xấu hổ vì có trách nhiệm của mình trong đó, bởi chính quyền quản lý công tác cán bộ”, Bí thư Hòa Bình chia sẻ.
Ông nói, xảy ra sự việc ở địa phương là rất đáng tiếc. Dưới góc độ cá nhân, ông đặt vấn đề nếu chỉ phản ánh vấn đề đầu vào thì chưa đủ, mà phải quan tâm tại sao các trường đại học của ta như thế, tại sao ta cứ lo đầu vào mà không lo chất lượng đại học.
Học sinh gian lận điểm thi mà tiếp tục được học, vẫn tốt nghiệp được thì thế nào? Ở các nước phát triển không có chuyện như thế. Đây là lỗ hổng của toàn hệ thống và tất cả phải có trách nhiệm. Đây là bài học để chấn hưng nền giáo dục của chúng ta”, ông Tỉnh nói.
Vụ án nâng điểm thi THPT quốc gia 2018 được nhận định là bê bối lớn nhất từ trước đến nay trong giáo dục. 222 thí sinh ở 3 địa phương Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình bị phát hiện đã được nâng điểm thi.
Trong đó, các thí sinh ở Hà Giang được trả lại điểm thật trước khi xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Với 108 thí sinh liên quan gian lận ở Sơn La, Hòa Bình, Bộ GD&ĐT công bố kết quả chấm thẩm định khi các em đã trúng tuyển vào nhiều trường đại học công an, quân đội, sư phạm, y, kinh tế... Thậm chí, một số em còn đỗ thủ khoa các trường đại học lớn ở Hà Nội.
Sau khi rà soát, nhiều trường đã cho thôi học sinh viên liên quan gian lận thi cử. Bộ Công an đã trả 53 sinh viên về Sơn La, Hòa Bình. Một số trường hợp khác vẫn được học, dù được nâng điểm, vì không có căn cứ xử lý.
Các cơ quan chức năng qua quá trình điều tra đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với 16 bị can về các tội danh khác nhau. Trong đó, Sơn La 8 người, Hòa Bình 3 và Hà Giang 5.
Theo Hoài Thu/Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)