Hà Nội vừa hoàn thành việc tháo dỡ tầng 18 và 19 nhà 8B Lê Trực (quận Ba Đình) sau 5 năm xác định sai phạm tại công trình này. Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đánh giá việc xử lý sai phạm đã đáp ứng được 3 yêu cầu: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Kéo dài 5 năm, giải quyết trong 5 tháng
Chia sẻ tại cuộc họp của Thành ủy Hà Nội về xây dựng Đảng gắn với giải quyết các vấn đề phức tạp, nổi cộm trên địa bàn thành phố vào năm 2020, ông Vương Đình Huệ cho biết chủ đầu tư công trình 8B Lê Trực thường xuyên liên lạc xin gặp Bí thư Thành ủy để trình bày về dự án.
“Tôi đồng ý hẹn gặp và đã ngồi trao đổi hết lẽ 4 tiếng đồng hồ với chủ đầu tư. Tôi cũng nói với chủ đầu tư đây cũng là cuộc gặp duy nhất để sau này Thành phố sẽ thống nhất xử lý sai phạm”, Bí thư Huệ nói tại buổi làm việc.
Theo người đứng đầu Đảng bộ TP, việc xử lý sai phạm ở công trình này cần kiên quyết, nhưng cũng phải kiên trì. TP xử lý dứt điểm được những việc nổi cộm để tạo môi trường thuận lợi cho Đại hội đảng bộ các cấp theo phương châm dễ làm trước, khó làm sau.
|
Bí thư Hà Nội bắt tay ngay vào xử lý các vụ việc tồn đọng, kéo dài ở thủ đô khi mới nhận nhiệm vụ. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Trong đó, cơ sở quan trọng để TP quyết tâm xử lý dứt điểm vụ việc là sự đòi hỏi của dư luận xã hội, báo chí. Đặc biệt là yêu cầu của Thủ tướng vào cuối năm 2019 phải giải quyết vụ việc bảo đảm 3 yêu cầu: Kỷ cương pháp luật; an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan.
Sau gần 5 tháng, ngày 5/10/2020, quá trình tháo dỡ phần vi phạm tại dự án đã hoàn thành, bảo đảm yêu cầu, cải thiện bộ mặt đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Theo Chủ tịch UBND phường Điện Biên Nguyễn Chí Trung, trong quá trình cưỡng chế, an toàn về công trình, tài sản của chủ đầu tư cũng như cán bộ tham gia cưỡng chế được bảo đảm tuyệt đối.
Sau khi hoàn tất xử lý phần công trình vi phạm, hiện công trình còn 17 tầng và tum thang chiều cao đến mặt mái tầng 17 là 58,5 m. Tháng 12/2020, UBND quận Ba Đình cùng Công ty Cổ phần may Lê Trực kiểm tra hiện trạng, tổ chức bàn giao mặt bằng công trình.
Chủ đầu tư thực hiện chỉnh trang, bảo đảm mỹ quan, kiến trúc đô thị, hoàn thiện phần mái thành giàn hoa, bồn cây và chỉ được phép sử dụng vào các mục đích chung của tòa nhà.
Bài học đắt giá cho chủ đầu tư và chính quyền
Trao đổi với Zing trước đó, PGS.TS Trần Chủng, nguyên Cục trưởng Cục giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng), cho hay xử lý sai phạm ở công trình nhà 8B Lê Trực là việc rất khó, đòi hỏi tính toán kỹ lưỡng, chi tiết.
Tầng 18 có kết cấu rất quan trọng là hệ thống dầm treo của tòa nhà. Tháo dỡ hệ thống dầm treo là can thiệp trực tiếp vào sơ đồ kết cấu. Xử lý không cẩn thận có thể ảnh hưởng lâu dài, thậm chí không đảm bảo an toàn.
Rõ ràng, với mức độ rủi ro cao như vậy, việc cắt dỡ tầng 18 và 19 mà không can thiệp đến hệ thống chịu lực là giải pháp khả thi duy nhất.
|
Bí thư Vương Đình Huệ nhận công tác ở Hà Nội khi sai phạm tại công trình số 8B Lê Trực đã kéo dài 5 năm. Ảnh: Quỳnh Trang. |
"Giải pháp kỹ thuật là cực kỳ phức tạp và phải trả giá rất đắt về kinh tế. Nhưng đây cũng là bài học cho chủ đầu tư, việc xây dựng sai phép không chỉ cần xử lý bằng phạt tiền mà cần yêu cầu họ thanh toán toàn bộ chi phí xử lý sai phạm họ gây ra", ông Chủng nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, KTS Phạm Thanh Tùng, Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cho rằng nhà 8B Lê Trực để lại nhiều "bài học đau xót đối với Hà Nội". Công trình làm suy giảm uy tín của chính quyền thủ đô trong mắt người dân, là "vết sẹo lớn" trong bức tranh quy hoạch.
"Không thể để sai phạm xây dựng ở địa phương mà cứ đẩy lên Thủ tướng được", ông Tùng nói và nhấn mạnh đây là biểu hiện của sự thiếu trách nhiệm.
Qua vụ việc này, KTS Phạm Thanh Tùng mong Hà Nội siết lại kỷ cương, đặc biệt trong lĩnh vực trật tự xây dựng. Đây cũng là dịp cơ quan chức năng rà soát lại các quy định của pháp luật, xác định rõ trách nhiệm của từng đơn vị trong quản lý quy hoạch, đô thị.
Vi phạm tại công trình 8B Lê Trực diễn ra từ năm 2012, bị đình chỉ xây dựng từ năm 2015. Cuối 2020, chính quyền mới cơ bản hoàn thành việc xử lý các vi phạm. Nguyên nhân được xác định là cơ quan chức năng, chính quyền địa phương buông lỏng quản lý, có sai phạm.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư là Công ty cổ phần May Lê Trực vi phạm pháp luật, không phối hợp khắc phục hậu quả. So với giấy phép xây dựng, công trình vượt một tầng; về chiều cao tăng 15,89 m; sai về khoảng lùi, khoảng giật cấp, dẫn đến tăng diện tích sàn xây dựng gần 7.000 m2.