Tại buổi làm việc của Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng với lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam và Ban Giám hiệu (BGH) Trường ĐH Tôn Đức Thắng sáng nay (14/3), ông Đặng Ngọc Tùng - Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đã nêu kiến nghị:
“Trường ĐH Tôn Đức Thắng xây dựng xong, theo Luật Giáo dục quy định Chủ tịch Hội đồng nhà trường phải có học vị Tiến sĩ, nhưng các đời Chủ tịch LĐLĐ TP.HCM chưa ai có học vị này nên tôi phải làm Chủ tịch Hội đồng nhà trường. Vì vậy tôi kiến nghị BGH trường không cần Tổng LĐLĐ Việt Nam bổ nhiệm mà do chính Hội đồng nhà trường bổ nhiệm, sau đó chỉ cần đưa ra Tổng LĐLĐ Việt Nam phê chuẩn. Về vấn đề mở rộng trường để phát triển, cạnh tranh với các trường ĐH có tiếng trên thế giới, tôi đã xin thành phố nhiều lần, đến nay cũng có văn bản của Thủ tướng Chính phủ đồng ý, mong đồng chí Đinh La Thăng tiếp tục giúp đỡ bằng cách chỉ đạo thành phố cấp cho trường mảnh đất sát bên để mở rộng”.
|
Bí thư Đinh La Thăng cùng lãnh đạo Tổng LĐLĐ Việt Nam đang nghe giới thiệu về các khoa đào tạo của Trường ĐH Tôn Đức Thắng. |
Vừa nghe xong kiến nghị xin cấp thêm đất sát trường, Bí thư Đinh La Thăng đã khẳng định rất dí dỏm: “Khi nào Tổng LĐLĐ Việt Nam giải quyết xong việc tự chủ trong bầu nhân sự của nhà trường thì tôi giải quyết ngay vấn đề đất. Nếu lấy đất bên cạnh trường không được thì lấy đất gần gần đấy, chứ lấy vợ hàng xóm là khó lắm”. Nghe câu trả lời khá hài hước của Bí thư Thăng, cả hội trường vỗ tay rần rần.
Trước kiến nghị của ông Lê Vinh Danh - Hiệu trưởng Trường ĐH Tôn Đức Thắng xin thành phố cấp 11 ha đất trống nằm cạnh trường để mở rộng và xin cơ chế tự chủ về nhân sự, Bí thư Đinh La Thăng trả lời: “Về cơ chế tự chủ nhân sự, Tổng LĐLĐ Việt Nam cần thay đổi ngay. Nếu thay đổi được thì thành phố sẽ cấp đất, còn cho rằng vướng Luật Giáo dục trong việc bầu Hiệu trưởng thì Tổng LĐLĐ Việt Nam cần kiến nghị Chính phủ cho nhà trường làm thí điểm, khi đó chắc chắn sẽ sửa luật. Tuy nhiên để chờ Luật được sửa sẽ mất khá lâu vì chẳng ai muốn rời cái quyền ban phát”.
Cũng tại buổi làm việc, Bí thư Thăng nêu nhiều vấn đề, như: Đảng bộ nhà trường triển khai NQĐH Đảng bộ lần 10 của TP.HCM ra sao? Đến nay trường đã tự chủ hoàn toàn, vậy có ý định quản lý theo mô hình doanh nghiệp không, trường có điểm khác biệt nào với trường khác? Lương của giảng viên, giáo viên, mức học phí của sinh viên ra sao? Sự kết nối của nhà trường với các Viện - Trung tâm công nghệ - Khu công nghệ cao – Doanh nghiệp như thế nào? Trên cả nước hiện có từ 300.000 – 350.000 doanh nghiệp đang hoạt động, vậy nhà trường có nội dung giảng dạy khởi nghiệp cho sinh viên hay không? Đất nước đã hội nhập thì đào tạo nguồn nhân lực như thế nào để hội nhập?
Sau khi nghe các trình bày và kiến nghị, Bí thư Đinh La Thăng chỉ đạo: “Tổng LĐLĐ cần tạo điều kiện cho trường chuyển sang mô hình quản lý như một doanh nghiệp để chủ động hơn trong các quyết định, như: tăng học phí, tăng học bổng, bổ nhiệm nhân sự trong trường, không nhất thiết đưa vào Hội đồng trường những thành phần không liên quan đến công tác giáo dục, vì những cán bộ đó chỉ họp suốt ngày thì còn đâu thời gian đọc tài liệu, ký văn bản”.
Mời quý độc giả xem video: