Từ sau Tết Dương lịch đến nay, chính quyền thị xã Gia Nghĩa đã nỗ lực cho phương tiện cơ giới phá bỏ gần 1.700 cây sò đo cam trồng dọc theo dải phân cách trên quốc lộ 14, đoạn mở rộng qua thị xã Gia Nghĩa. Theo kế hoạch, toàn bộ sò đo cam sẽ được thay thế bằng hai loại cây là sim rừng và lim xẹt, trồng xen kẽ với nhau trên đoạn đường dài gần 15km này.
|
Toàn bộ sò đo đều bị tiêu diệt. |
Theo Phòng Quản lý đô thị - UBND thị xã Gia Nghĩa, cây sò đo cam được trồng tại đây vào năm 2010, sau khi đoạn đường này hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng và đưa vào sử dụng.
Sò đo cam (còn gọi là chuông đỏ, hồng kỳ, tulip châu Phi...) có xuất xứ từ châu Phi. Cây cao từ 12 - 15m, phân cành nhánh ở đỉnh, tán lá rậm xanh. Cây ra hoa từ tháng 11 đến tháng 1 dương lịch, hoa màu vàng cam, phát tán hạt qua gió, mọc nhanh, có khả năng loại bỏ các cây khác trong cùng phạm vi phân bố, xâm chiếm các vùng đất hoang hóa, vùng rừng đã bị tác động, làm giảm đa dạng sinh học... Do vậy, Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế đã đưa cây này vào danh sách 100 loài sinh vật ngoại lai xâm hại gây hậu quả nghiêm trọng trên thế giới.
Đáng chú ý, tháng 7/2011, Bộ Tài nguyên và Môi trường có thông tư xác định sò đo cam (tên khoa học Spathodea campanulata) là 1 trong 100 loại cây ngoại lai gây hại tại Việt Nam. Năm 2013, Liên bộ Tài nguyên và Môi trường - Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tiếp tục xác định đây là loại cây nằm trong danh mục cây ngoại lai gây hại tại Việt Nam.
Đến tháng 1/2015, UBND tỉnh Đắk Nông có công văn yêu cầu ngưng việc trồng cây sò đo cam, ngưng việc nhân giống, kinh doanh, đồng thời quản lý chặt số lượng gần 1.800 cây đã trồng (tại quốc lộ 14 cũng như một số nơi khác trong tỉnh), tránh để phát tán ra môi trường. Thế nhưng, sau khi tỉnh chỉ đạo thì cây sò đo cam vẫn tồn tại đến hết năm 2015.
Theo ông Lê Văn Bi - Phó phòng Quản lý đô thị UBND thị xã Gia Nghĩa, việc xử lý, thay thế cây sò đo cam bị chậm là do đơn vị này phải tiến hành nhiều thủ tục với nhiều đơn vị liên quan, từ UBND thị xã, các sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cũng như ý kiến của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Thêm nữa, việc chậm thay thế một phần cũng do thiếu kinh phí cho việc chặt bỏ cây sò đo cam và trồng mới hai loại cây sim rừng và lim xẹt.
Được biết, bên cạnh gần 1.700 cây trồng trên quốc lộ 14 đoạn qua thị xã Gia Nghĩa như đã nêu ở trên, cây sò đo cam còn được trồng rải rác một số nơi khác ở thị xã Gia Nghĩa và trung tâm một số huyện như Đắk Song, Tuy Đức… Trong đó, kinh phí cho việc trồng gần 1.700 cây sò đo cam trên quốc lộ 14 là gần 2 tỷ đồng. Kinh phí chăm sóc số cây độc này trong mấy năm qua cũng tốn rất nhiều tiền, nhưng các cơ quan chức năng không thể tách riêng ra để biết con số cụ thể là bao nhiêu.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước khi có chiến dịch “tiêu diệt” sò đo cam, ngành chức năng ỏ Gia Nghĩa đã bỏ mặc cho cây khô héo. Tại thời điểm đốn bỏ, hàng loạt cây đã chết khô.
Chính quyền thị xã Gia Nghĩa sau khi đốn bỏ sò đo cam sẽ chi tiếp hơn 1 tỷ đồng để... trồng cây mới. Theo đó, Công ty cây xanh Công Minh sẽ tặng toàn bộ cây giống, và một công ty khác trúng thầu sẽ đứng ra trồng rồi lấy tiền công.
|
Chính quyền phải thuê phương tiện cơ giới xúc tận gốc sò đo cam. |