Bị cáo Nguyễn Đức Chung bất ngờ nhận trách nhiệm trong vụ Redoxy-3C

Google News

Ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ nhận trách nhiệm của người đứng đầu sau thời gian dài kêu oan, đồng thời khắc phục toàn bộ 25 tỉ đồng.

Ngày 21/6, TAND Cấp cao tại Hà Nội tiếp tục xét xử phúc thẩm vụ án liên quan đến việc mua chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm nguồn nước trên địa bàn thủ đô. Kết thúc phần tranh luận, HĐXX cho các bị cáo nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án và sẽ tuyên án vào chiều nay (22/6).
Nhận trách nhiệm, nộp thêm tiền
Suốt giai đoạn sơ thẩm và hơn một ngày xét xử phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung (cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội) đều kêu oan, cho rằng việc mua chế phẩm Redoxy-3C là đúng quy định, không gây thiệt hại cho ngân sách. Bị cáo cũng phủ nhận Công ty Arktic (đơn vị nhập chế phẩm từ Đức rồi bán lại cho Công ty Thoát nước Hà Nội) là công ty gia đình của mình.
Bi cao Nguyen Duc Chung bat ngo nhan trach nhiem trong vu Redoxy-3C
Ông Nguyễn Đức Chung bất ngờ nhận trách nhiệm, khắc phục toàn bộ 25 tỉ đồng. 
Tuy nhiên, diễn biến bất ngờ xảy ra ở cuối phần tranh luận, ông Chung thừa nhận trách nhiệm người đứng đầu UBND TP Hà Nội. Bị cáo nói đến nay đã nhận thức rõ trách nhiệm của mình, cả về phương diện cá nhân cũng như tập thể trong việc mua chế phẩm Redoxy-3C. “Tôi cũng hoàn toàn chịu trách nhiệm về việc dự án (xử lý ô nhiễm nước trên địa bàn Hà Nội) bị dừng dang dở” - bị cáo cho hay.
Đặc biệt, HĐXX cho biết luật sư bào chữa cho ông Chung xuất trình một biên lai, thể hiện vợ ông vừa nộp thêm 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả vụ án.
HĐXX hỏi ông Chung về số tiền trên. Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội giải thích trên cơ sở trao đổi trực tiếp với chị gái và vợ, gia đình ông thống nhất vay mượn bạn bè, người thân để gom được 15 tỉ đồng. Ông đồng ý nộp số tiền này để khắc phục.
HĐXX cũng hỏi về số tiền 10 tỉ đồng mà gia đình ông Chung đã nộp ở giai đoạn sơ thẩm, bởi trước đó bị cáo nói muốn được trả lại. Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay sau khi trao đổi với chị gái, ông đồng ý nộp số tiền này để khắc phục hậu quả.
Như vậy, tính đến nay, gia đình ông Chung đã nộp tổng cộng 25 tỉ đồng, đúng bằng với con số mà tòa sơ thẩm tuyên bị cáo phải bồi thường trong vụ án.
Cũng giống gia đình ông Chung, gia đình bị cáo Nguyễn Trường Giang (cựu giám đốc Công ty Arktic) và Võ Tiến Hùng (cựu tổng giám đốc Công ty Thoát nước Hà Nội) đã nộp tiền để khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án, với con số tương ứng là 7,1 tỉ đồng và 4 tỉ đồng.
VKS đề nghị giảm nhẹ cho cả ba bị cáo
Mở đầu phần tranh luận, đại diện VKSND Cấp cao tại Hà Nội đề nghị HĐXX bác toàn bộ kháng cáo của hai bị cáo Nguyễn Đức Chung (kêu oan) và Nguyễn Trường Giang (xin giảm nhẹ hình phạt). Nhưng sau hàng loạt diễn biến bất ngờ như đã nêu, cơ quan công tố có sự thay đổi trong quan điểm giải quyết vụ án.
Cụ thể, với ông Nguyễn Đức Chung, ban đầu bị cáo kêu oan, các luật sư cũng bào chữa theo hướng đề nghị hủy bản án sơ thẩm để điều tra lại. Đại diện VKS khẳng định có đủ căn cứ xác định việc ông Chung chỉ đạo mua chế phẩm Redoxy-3C gây thiệt hại cho ngân sách TP; cấp sơ thẩm xác định Công ty Arktic là công ty của gia đình ông Chung là có căn cứ.
Đến nay, bị cáo đã nhận thức được trách nhiệm của người đứng đầu trong việc mua chế phẩm; gia đình tự nguyện nộp thêm 15 tỉ đồng để khắc phục hậu quả… Do vậy, đại diện VKS đề nghị giảm một phần hình phạt cho cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội.
Với bị cáo Nguyễn Trường Giang, gia đình bị cáo đã nộp thêm tiền để khắc phục toàn bộ hơn 7 tỉ đồng mà tòa sơ thẩm buộc phải bồi thường; đồng thời bị cáo cũng nộp thêm tài liệu là một số tình tiết giảm nhẹ. Vì lẽ đó, đại diện VKS đề nghị giảm một phần hình phạt cho bị cáo Giang.
Với bị cáo Võ Tiến Hùng, mặc dù bị cáo đã rút kháng cáo và chỉ có đơn đề nghị xem xét giảm nhẹ hình phạt nhưng VKS vẫn ghi nhận việc gia đình bị cáo đã nộp toàn bộ số tiền cần khắc phục hậu quả và có thêm một số tài liệu là tình tiết giảm nhẹ. Từ đó, VKS đề nghị HĐXX giảm một phần hình phạt cho bị cáo.
Nói lời sau cùng trước khi tòa nghị án, ông Nguyễn Đức Chung nhắc lại việc bản thân từng bị bệnh ung thư. Giai đoạn 2016-2020, được sự cho phép của trung ương, ông nhiều lần ra nước ngoài để chữa bệnh. Đối chiếu khoảng thời gian này, TP Hà Nội có nhiều chỉ đạo, ký nhiều hợp đồng mà ông không trực tiếp chịu trách nhiệm.
Cựu chủ tịch UBND TP Hà Nội mong muốn HĐXX ghi nhận những đóng góp khi còn công tác, cũng như việc gia đình đã khắc phục toàn bộ hậu quả… để xem xét giảm án cho mình và cả hai bị cáo còn lại.
Ông Nguyễn Đức Chung bị tòa sơ thẩm phạt tám năm tù
Tháng 12-2021, TAND TP Hà Nội tuyên phạt ông Chung tám năm tù về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cùng tội danh, hai bị cáo Võ Tiến Hùng và Nguyễn Trường Giang lần lượt bị tuyên bốn năm và bốn năm sáu tháng tù.
Tòa sơ thẩm cũng buộc ba bị cáo liên đới bồi thường cho Công ty Thoát nước Hà Nội hơn 36 tỉ đồng. Trong đó, bị cáo Chung phải bồi thường 25 tỉ đồng, bị cáo Giang bồi thường 7,1 tỉ đồng, bị cáo Hùng bồi thường 4 tỉ đồng.
*(Tiêu đề đã được BTV đặt lại)
Theo Tuyến Phan/Pháp luật HCM

>> xem thêm

Bình luận(0)