Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu (TP. Bến Tre, Bến Tre) đã tiếp nhận 2 bệnh nhân nghi ngộ độc rượu được chuyển từ Trung tâm Y tế Huyện Ba tri.
Bệnh nhân là ông L.V.D. (58 tuổi) và ông P.V.Đ (52 tuổi), đều ở xã An Ngãi Trung, Huyện Ba Tri. Cả 2 là người nghiện rượu, đã nhậu say nhiều lần trong 5 ngày liên tục.
Khi được đưa vào cấp cứu, 2 bệnh nhân vẫn nồng nặc mùi rượu, biểu hiện mệt mỏi, khó chịu, mờ mắt... Sau khi kiểm tra, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân còn bị suy đa tạng cần lọc thận.
|
Bệnh nhân cấp cưu nghi do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol |
Theo BS Võ Phạm Trọng Nhân, Trưởng khoa Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Nguyễn Đình Chiểu, methanol là loại cồn được sử dụng trong công nghiệp, không thể uống vì ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, gây ngộ độc. Theo các nghiên cứu, với liều 30ml methanol trở lên xâm nhập vào cơ thể có thể gây tử vong.
Theo BS Nhân, 2 bệnh nhân nghi ngộ độc rượu hiện đã qua cơn nguy kịch, ngưng thở máy. Tuy nhiên, một bệnh nhân mắt phục hồi hơn 50%; người còn lại nhìn vật thể xung quanh còn mờ. Biến chứng của tổn thương thần kinh thị giác do ngộ độc methanol trong rượu tồn tại lâu, tùy theo cơ địa của mỗi người.
Theo ngành y tế tỉnh Bến Tre, từ ngày 29/7 đến 1/8, tại ấp An Điền Lớn, xã An Hiệp, huyện Ba Tri đã xảy ra 2 vụ ngộ độc rượu. 9 người liên quan, trong đó có 3 người tử vong do ngộ độc methanol, 1 người bị mù vĩnh viễn, nhiều nạn nhân ngộ độc rượu khác đến nay vẫn chưa bình phục hoàn toàn.
Kết quả kiểm nghiệm mẫu của Viện Y tế Công cộng TP HCM, mẫu rượu được xét nghiệm có hàm lượng methanol cao gấp 5.357 lần tiêu chuẩn cho phép.
Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên uống rượu không rõ nguồn gốc, không nhãn hiệu, không sử dụng các loại rượu ngâm các loại lá, rễ cây, động vật khi không biết độc tính. Không uống rượu quá nhiều, quá nhanh; không uống rượu trong lúc đang đói, đang mệt, đang uống thuốc điều trị bệnh…
Rượu là đồ uống chứa ethanol hay còn gọi là rượu ethylic có thể gây nghiện, giảm hoạt động của não, gây mất ý thức và nhịp tim nhanh, hạ huyết áp, thở nông...
Uống rượu quá nhiều, quá nhanh có thể gây ngộ độc cấp tính, nếu uống rượu kéo dài sẽ gây ngộ độc mạn tính.
Ngoài ra, rượu pha hàm lượng cồn công nghiệp methanol vượt tiêu chuẩn thường sẽ gây ngộ độc rượu cấp tính, tổn thương tế bào, đặc biệt là mắt, não, gây mù và có thể dẫn đến tử vong.
>>> Mời độc giả xem thêm video Yên Bái: Say rượu tự đốt nhà mình khiến bạn nhậu tử vong: