Vụ một trẻ sơ sinh bị mẹ đẻ bỏ rơi dưới hố gas trong nắng nóng 40 độ suốt 3 ngày tại xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây (Hà Nội) dẫn đến việc bé bị nhiễm trùng nặng, rối loạn đông máu, nguy hiểm đến tính mạng khiến dư luận bức xúc.
Mẹ bé là P.T.T. (SN 1989, ở Hà Nam) khi làm việc với cơ quan công an khai rằng, sau khi trở dạ tự sinh con tại ruộng rau cạnh đền Mẫu, do hoàn cảnh kinh tế khó khăn không thể nuôi được con và không muốn ai biết sự việc nên đã vứt bỏ con, xóa dấu vết rồi về trung tâm Hà Nội.
Dư luận quan tâm, hành vi vứt bỏ con sau sinh của người mẹ trên sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật?
|
Bé sơ sinh bị bỏ rơi và người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con sau sinh. |
Trao đổi với PV Kiến Thức, luật sư Nguyễn Anh Thơm, Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, Luật Trẻ em 2016 nghiêm cấm bố mẹ bỏ rơi, bỏ mặc con của mình, kể cả khi vừa sinh ra. Mọi hành vi xâm phạm quyền trẻ em đều bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật tùy theo tính chất, mức độ và hậu quả gây ra.
Hành vi của người phụ nữ vứt bỏ rơi con vừa sinh ra tại hố gas bỏ hoang trên địa bàn Thị xã Sơn Tây không những là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng mà còn gây bất bình trong dư luận xã hội nên cần thiết phải xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
“Xét hành vi của người phụ nữ trong vụ việc này là nguy hiểm cho xã hội khi đã vứt bỏ con mới sinh. Tuy không có hành vi tác động nào để giết chết con nhưng đã có ý thức bỏ mặc cho hậu quả nguy hại đến tính mạng con. Lỗi của người phụ nữ trong trường hợp này là lỗi cố ý gián tiếp. Do đó, hậu quả xảy ra đến đâu sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng đến đó. Nếu cháu bé bị tử vong thì người phụ nữ sẽ phải chịu trách nhiệm về tội vứt con mới đẻ theo quy định tại Khoản 2 Điều 124 BLHS” – luật sư Thơm cho hay.
|
Luật sư Nguyễn Anh Thơm. |
Tuy nhiên, theo luật sư Thơm, cháu bé đã được một số người dân phát hiện và đưa đi cấp cứu nên cháu bé đã may mắn được cứu sống, sức khỏe đã tiến triển tốt.
Tội vứt con mới đẻ là tội phạm có cấu thành vật chất, nghĩa là hậu quả chết người là bắt buộc và điều luật cũng đã loại trừ trường hợp phạm tội chưa đạt. Quy định này cũng phù hợp với lý luận lỗi cố ý gián tiếp không có giai đoạn phạm tội chưa đạt.
Như vậy, hành vi của người phụ nữ tuy là nguy hiểm cho xã hội nhưng chưa thỏa mãn dấu hiệu tội phạm được quy định trong Bộ luật hình sự về tội vứt con đẻ nên không cấu thành tội phạm. Hành vi vi phạm pháp luật này của người phụ nữ sẽ được xử lý bằng biện pháp hành chính theo theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP, phạt tiền từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi “Bỏ hoặc không chăm sóc, nuôi dưỡng con sau khi sinh”.
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, ông cảm thấy đau xót trước những sự việc như trên.
“Tạo hóa đã ban tặng cho người phụ nữ một thiên chức, đó là làm mẹ. Tuy vậy, không phải ai cũng có hạnh phúc được làm tròn thiên chức ấy. Có rất nhiều người khao khát được làm mẹ, họ sẵn sàng đánh đổi gia tài thậm chí tính mạng của mình để có được một đứa trẻ. Vậy mà, có những người phụ nữ lại nhẫn tâm vứt bỏ những sinh linh bé nhỏ mà mình dứt ruột đẻ ra” – luật sư Bình nêu ý kiến.
Theo luật sư Diệp Năng Bình, người mẹ nhẫn tâm vứt bỏ con sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 144/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em với mức phạt từ 10 đến 15 triệu đồng.
Đồng thời, buộc thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm tại Khoản 1 Điều này. Do cháu bé được phát hiện và cứu chữa nên trong trường hợp này có thể chỉ bị xử lý hành chính.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Nêu ý kiến về xử lý hình sự, luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội này cần xác định mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của người mẹ và hậu quả đứa trẻ chết.
Trường hợp trên, người mẹ vứt bỏ đứa trẻ nhưng được người khác phát hiện kịp thời, đứa trẻ không chết, người mẹ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, với các trường hợp bỏ con sau khi sinh tương tự như trường hợp cháu bé nêu trên, nếu cháu bé không may tử vong, người mẹ có thể sẽ bị xử lý hình sự.
Luật sư Bình nhận định, dù với bất kì lý do gì thì bản án về pháp luật có lẽ vẫn chưa thỏa đáng để bù đắp được tính mạng và nỗi uất ức cho những sinh linh tội nghiệp, nhưng bản án lương tâm sẽ mãi khiến những người từng có được ông trời ưu ái ban tặng cho thiên chức làm mẹ sẽ phải ăn năn suốt đời.
Luật sư Phạm Thu Hà – Phó trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho hay, hành vi vứt bỏ con mới sinh trong hố ga không chỉ vi phạm pháp luật mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức xã hội.
Trong vụ việc trên, cháu bé vẫn còn sống và hiện đang được chăm sóc tại bệnh viện. Nếu em bé không kịp thời cứu chữa, người mẹ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội vứt bỏ con mới đẻ.
“Người mẹ trong sự việc nêu trên đã nhẫn tâm vứt bỏ con của mình với lý do hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Vậy khó khăn đến đâu, khó khăn đến nỗi nào lại nhẫn tâm đối xử với đứa bé chính mình đẻ ra như vậy? Và cho dù có khó khăn, chúng ta đều có những cách giải quyết khác chứ không phải là vứt bỏ con mới đẻ như vậy. Việc cháu bé bị bỏ rơi như trên không phải là hiếm, không phải cháu bé nào cũng may mắn khi người dân phát hiện để đưa đi chữa trị, chăm sóc, có những cháu bé đã chết” – luật sư Hà đặt câu hỏi.
|
Luật sư Phạm Thu Hà. |
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, hành vi bỏ rơi con do chính mình mang nặng đẻ đau là một hành vi vô cảm, tàn nhẫn, vừa trái đạo đức vừa vi phạm pháp luật, không thể chấp nhận được. Cơ quan công an phải sớm vào cuộc điều tra, xác minh, làm rõ để có căn cứ xử lý đúng quy định pháp luật.
|
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư TP Hà Nội.
|
Trường hợp trên vì em bé được cứu sống, người mẹ dù không bị xử lý về Tội giết hoặc vứt bỏ con mới đẻ nhưng nếu tỷ lệ tổn thương cơ thể của cháu bé và hành vi của người mẹ đủ yếu tố cấu thành Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác thì người mẹ vẫn có thể bị xử lý về tội danh này. Cơ quan điều tra sẽ vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc này và sẽ đánh giá toàn diện về ý thức chủ quan, hành vi khách quan, điều kiện hoàn cảnh của người mẹ và hậu quả để lại cho cháu nhỏ để xem xét có khởi tố vụ án hình sự hay không.
>>> Mời độc giả xem video Bé sơ sinh bị bỏ rơi 3 ngày giữa trời nắng