Chiều 20/4, ông Nguyễn Văn Duẩn, Chi Cục trưởng Chi Cục thuế TP. Thái Bình - Vũ Thư (Thái Bình) cho biết, Công ty TNHH Đường Dương do bà Nguyễn Thị Dương (vợ Đường Nhuệ) đã nhiều năm liền thường xuyên khai báo doanh số bằng “không” và không phát sinh thuế phải nộp.
Điều này khiến dư luận đặt câu hỏi, vợ chồng Đường Dương thu lợi lớn từ kinh doanh bất động sản và thường khoe trên mạng xã hội về việc thu được số tiền lớn từ kinh doanh. Do vậy, nếu khai báo thuế “láo” với chiêu bài kinh doanh không có lợi nhuận để không nộp thuế sẽ bị xử như thế nào?
|
Trụ sở Công ty Bất động sản Đường Dương. |
Thật khó tin
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, thông tin về Công ty TNHH Đường Dương nhiều năm liền thường xuyên kê khai không có thu nhập, không nộp thuế cho nhà nước khiến nhiều người hết sức bất ngờ. Có lẽ đây là thông tin sốc nhất mà dư luận được biết.
Bởi trước khi vụ án “cố ý gây thương tích” xảy ra, thông tin trên báo chí và mạng xã hội rầm rộ thông tin Công ty Đường Dương là doanh nghiệp bất động sản lớn từ hoạt động đấu giá, kinh doanh bất động sản. Bản thân Nguyễn Xuân Đường được gắn với biệt danh “đại gia” bất động sản.
Trang cá nhân của Nguyễn Xuân Đường và Nguyễn Thị Dương tràn ngập hình ảnh những tập tiền xếp cao ngất trên bàn, đi xe sang, siêu xe vài chục tỷ đồng, nhà ở, trụ sở công ty ngay mặt phố nguy nga, nhiều hoạt động từ thiện, có “trái tim bồ tát”, yêu thương người nghèo...
Những hình ảnh ấy khiến ai cũng nghĩ đây là một doanh nghiệp bất động sản đầu đàn của tỉnh Thái Bình, là công ty đóng góp lớn vào nguồn ngân sách của địa phương lên được phần nào ưu ái. Hoạt động từ thiện giúp đỡ người nghèo khiến nhiều người tưởng rằng đây là doanh nghiệp làm ăn chân chính, đóng góp nhiều cho đất nước và xã hội được nhiều người tin yêu.
Do đó, không ai có thể nghĩ rằng, Công ty Đường Dương lại có thu nhập 0 đồng.
|
Vợ chồng Đường Dương thường xuyên khoe cả "núi tiền" trên mạng xã hội. |
Từ đó, Luật sư Cường cho rằng, có lẽ việc không nộp thuế cho nhà nước cùng với việc ăn chặn cả tiền hỏa táng, đòi nợ thuê, đánh người không ghê tay, thao túng hoạt động đấu giá đất kiếm nhiều tỷ đồng trái phép để sống sa hoa, phè phỡn thì thông tin trên một lần nữa cho thấy sự tham lam, giả dối đáng bị lên án và đáng phải chịu sự trừng phạt bằng pháp luật của các đối tượng lãnh đạo công ty này.
“Những thông tin liên quan đến vụ việc này cho thấy, hoạt động của các đối tượng là phi pháp, các nguồn thu nhập bất hợp pháp từ các hành vi đe dọa, uy hiếp, thao túng thị trường bất động sản, ăn chặn của cả tiền của người chết, không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế với nhà nước cho thấy Đường Dương không thể gọi là doanh nhân được. Những danh xưng như “doanh nhân”, “trái tim bồ tát”, thương hiệu Dương Đường”, “Người phụ nữ tài ba, giỏi việc nước, đảm việc nhà”...chỉ là vỏ bọc bên ngoài để lừa dối thiên hạ”, Luật sư Cường cho biết.
Đồng thời cho rằng, các đối tượng này hoạt động kinh doanh nhưng không giúp ích gì cho nhà nước, cho xã hội mà gây thất thoát tiền sử dụng đất của nhà nước, không nộp thuế cho nhà nước nếu là sự thật thì đáng phải chịu những chế tài nghiêm khắc nhất của pháp luật.
|
Luật sư Diệp Năng Bình. |
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, qua thông tin trên báo chí, Công ty Đường Dương được thành lập ngày 6/2/2015 chuyên hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, buôn bán tổng hợp, vận tải, nhà hàng, dịch vụ ăn uống, cho thuê xe có động cơ…
“Nhưng lĩnh vực này khiến công ty này nổi tiếng và kiếm lời hàng tỷ đồng là bất động sản, kinh doanh đất. Dù việc đấu giá, kinh doanh đất được Công ty Đường Dương thực hiện theo tư cách cá nhân của bà Dương, ông Đường hoặc những người dưới quyền của họ cũng đều phải kê khai và nộp thuế theo quy định”, Luật sư Diệp Năng Bình nói và cho biết, thật khó tin khi nhiều năm liền, công ty Đường Dương thường xuyên khai báo doanh số bằng “không” và không phát sinh thuế phải nộp.
Cơ quan thuế “bó tay” là chưa làm hết trách nhiệm
Luật sư Diệp Năng Bình cho rằng, không khó để cơ quan thuế kiểm tra hoạt động này của Công ty Đường Dương.
“Việc cơ quan thuế nơi này cho rằng cũng đành “bó tay” là chưa thể hiện hết trách nhiệm, nghĩa vụ của mình trong hoạt động quản lý thuế tại địa phương, gây thất thoát cho nguồn thu ngân sách nhà nước”, Luật sư Bình nói.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình, giả sử trường hợp bà Dương, ông Đường kinh doanh bất động sản với tư cách cá nhân theo các quy định của pháp luật tại Thông tư 92/2015/TT-BTC và Thông tư 111/2013/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định rõ, mức thuế suất thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là 2%.
Tiền thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản hai bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng chuyển nhượng bên có nghĩa vụ kê khai và nộp thuế để thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Chứng từ nộp thuế thu nhập cá nhân từ hoạt động chuyển nhượng bất động sản là một điều kiện để cơ quan có thẩm quyền xem xét và tiến hành làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho bên mua. “Cho dù dưới tư cách gì thì không khó để cơ quan thuế cũng như cơ quan điều tra xác minh hoạt động này. Qua quá trình điều tra tùy theo số tiền trốn thuế mà có thể bị xử lý về hành chính hay hình sự. Nếu bà Dương, ông Đường hoặc những người dưới quyền của họ cùng nhau cấu kết để trốn thuế thì hành vi này còn có dấu hiệu có tổ chức”, Luật sư Diệp Năng Bình cho biết.
Có dấu hiệu tội trốn thuế?
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, với diễn biến thông tin vụ việc mà dư luận công khai những ngày gần đây cho thấy, ngoài các tội danh mà các đối tượng này có thể bị xem xét xử lý như: Cưỡng đoạt tài sản, cố ý gây thương tích, cho vay lãi nặng, các hành vi liên quan đến sai phạm trong hoạt động đấu giá bất động sản thì hành vi kê khai thuế doanh nghiệp 0 đồng để không phải nộp thuế, trong khi thu nhập thường xuyên rất lớn của doanh nghiệp này có dấu hiệu của tội trốn thuế.
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan Cảnh sát điều tra sẽ phối hợp với cơ quan thuế ở địa phương này để xác định hồ sơ kê khai đăng ký thuế và việc nộp thuế của công ty này trong thời gian qua như thế nào.
Nếu căn cứ cho thấy công ty này đã thực hiện một trong các hành vi như: không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ kê khai thuế; nộp hồ sơ kê khai thuế không đúng thời hạn; không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền phải nộp thuế; không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ; sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa; khai sai so với thực tế hàng hóa... Trốn thuế với số tiền từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc dưới 100.000.000 đồng mà đã bị xử phạt hành chính sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với cả cá nhân người đứng đầu, người quản lý thuế của doanh nghiệp này và đối với cả pháp nhân là doanh nghiệp này theo quy định tại điều 200 bộ luật hình sự nêu trên.
Theo quy định tại Điều 200, Bộ luật hình sự năm 2015, tội trốn thuế có thể áp dụng đối với cả cá nhân và pháp nhân thương mại khi có thực hiện một trong các hành vi quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự. Mức hình phạt về hành vi trốn thuế có thể áp dụng đối với cá nhân lên đến 7 năm tù và áp dụng chế tài phạt tiền đối với pháp nhân và các biện pháp hành chính.
Luật sư Diệp Năng Bình cho biết, về xử lý hành chính đối với hành vi trốn thuế theo quy định tại Điều 13 Thông tư 166/2013/TT-BTC thường với hành vi trốn thuế việc xử phạt sẽ căn cứ trên số thuế trốn dưới 100 triệu và bị xử phạt theo cấp số nhân với mức thuế đã trốn. Ngoài ra, tội trốn thuế được quy định tại Điều 200 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
>>> Mời độc giả xem video Bắt giam 4 cán bộ ở Thái Bình 'giúp sức' cho vợ chồng Đường Nhuệ: