Rơ Châm Hmút không chỉ là nghệ nhân cồng chiêng duy nhất còn sót lại ở JaKa, mà với người bản địa Tây Nguyên, ông còn là một "kho báu sống" quý giá. Với ông, nghệ thuật cồng chiêng đã lên tới đỉnh cao vinh quang và trở thành "đệ nhất nhạc sư".
"Khóc vạ" cồng chiêng
Xã JaKa thuộc huyện Chư Păh của tỉnh Gia Lai cũng là cái nôi của văn hoá cồng chiêng Tây Nguyên từ ngàn đời nay. Từ đất cồng chiêng huyền thoại này, nhiều nghệ nhân đã kế thừa được những tinh hoa tuyệt diệu của những thanh âm vang dậy rừng núi. Họ đi khắp đất cùng trời Tây Nguyên, đến các buôn làng dự hội cồng chiêng quanh đống lửa nhà rông. Người Tây Nguyên vẫn bảo nhau, ai muốn nghe cồng chiêng đích thực thì hãy một lần đến với JaKa.
Những câu chuyện còn lưu truyền về tình yêu cồng chiềng đến độ mất ăn mất ngủ vẫn còn được người Tây Nguyên kể lại. Chuyện cũ lâu rồi thì thôi không nhắc nữa, nhưng chuyện mới mới mẻ kiểm chứng được thì ở JaKa ai cũng biết về ông Rơ Châm Hmút. Đó là người mê cồng chiêng đến kỳ lạ, mê ngay từ khi chưa biết cưỡi con voi, chưa biết trèo cây Pơ lang bên mộ nhà mồ.
|
Bộ cồng chiêng được cất giữ cẩn thận trong sọt. |
Trong ngôi nhà sàn nhỏ được làm kiểu cách tân, ông Hmút bảo rằng: "Hồi còn bé tí đã biết "khóc vạ" cồng chiêng rồi. Bố tôi cũng là nghệ nhân của JaKa nên nhà có nhiều chiêng lắm, có cái to như đầu voi, có cái bé bằng bàn tay. Tối nào mà cha đi đánh cồng chiêng mà không cho đi cùng là tôi khóc".
Trong khi những đứa trẻ cùng lứa vô tư ăn ngủ thì cậu bé Hmút lại vật lộn với cồng chiêng. Nhiều đêm, Hmút thức trắng cùng buôn làng đánh chiêng dự hội. Lúc đầu, các già làng cho Hmút đánh loại chiêng nhỏ chỉ bằng cái đĩa. Mỗi năm Hmút lớn lên bằng cây sào, cây Pơ lang thì các loại chiêng cứ thế mà tăng dần.
Ông Hmút cũng không rõ mình trở thành nghệ nhân từ bao giờ nữa. Chỉ biết, từ khi biết "khóc vạ" thì cồng chiêng đã ngấm vào máu. Hai mươi loại cồng chiêng ông đã đều trải qua, hàng trăm bài nhạc lớn nhỏ ông cũng đã thuộc. Cuộc sống người Tây Nguyên vô lo vô nghĩ, ngày lên rẫy chăm sóc cà phê, tối tụ bên đống lửa đàn hát. Trong những đêm hội vang dậy đất trời Tây Nguyên ấy, người nhạc trưởng Hmút lại dẫn dắt đội cồng chiêng qua những giai điệu nhịp nhàng nhộn nhịp.
|
Ông Hmút cũng là người chỉnh chiêng tài ba của JaKa. |
Người thừa kế huyền thoại
Trong ngôi nhà nhỏ của ông Rơ Châm Hmút hầu như không có gì đáng giá ngoài bộ cồng chiêng gồm 20 chiếc được xếp gọn gàng trong những cái sọt tự đan để dưới gầm giường. Ông Hmút bảo, đó là những thứ quý giá nhất mà tổ tiên lại, cũng là gia sản của cả buôn làng.
"Buôn Mrông Yố bây giờ không tìm đâu ra nhà ai có cồng chiêng nữa đâu. Người thì bán theo giá đồng nát, người thì bán theo giá đồ cổ. Cồng chiêng Tây Nguyên bây giờ hiếm lắm, chỉ còn nhà tôi là đủ trọn bộ nhưng cũng đang sợ bị mất", ông Hmút chia sẻ.
Theo ông Hmút, chỉ cách đây chục năm thì các buôn làng còn nhiều cồng chiêng lắm. Nhưng dần dần, họ bán đi với đủ lý do, người thì cần tiền mua gạo, người khác chỉ vì thèm rượu mà bán cồng chiêng. Người khác nữa lại bán bảo vật chỉ với lý do lãng xẹt: Không thích nữa thì bán.
|
Nghệ nhân Hmút hiện đang giữ trọn bộ 20 bộ cồng chiêng. |
Đến lúc nhìn lại, cả buôn cả xã JaKa chỉ còn ông Hmút là còn giữ được chọn bộ 20 chiếc cồng chiêng lớn nhỏ. Ngày hội bây giờ đã ít đi, các lễ nghi cũng thưa dần nhưng các đêm hội thì chỉ còn bộ cồng chiêng của ông Hmút có thể toả sáng.
Ở Tây Nguyên, cồng chiêng không phải là những vật dụng mà ai cũng có thể làm được. Hiện tại, tất cả những bộ cồng chiêng của Tây Nguyên còn sót lại đều là đồ cổ. Hàng trăm năm trước đều được mua từ Lào và Campuchia, một số ít do các nghệ nhân giỏi nghề đúc đồng vùng Quảng Nam, Ninh Thuận chế tác.
Ông Rơ Châm Hmút là người thừa kế bộ cồng chiêng nguyên vẹn nhất Tây Nguyên. Ông cũng là người biết sử dụng thành thạo 20 bộ cồng chiêng ấy nên với người Tây Nguyên, Rơ Châm Hmút như một huyền thoại núi rừng còn sót lại của dải đất cánh chim Kơtia.
|
Ngôi nhà sàn của ông Hmút. |
"Đừng quy văn hoá ra... tiền"
Với chất giọng vang sang sảng, ông Hmút bảo rằng: "Biết tôi còn giữ được bảo vật quý nên không ít kẻ săn đồ cổ đến gạ gẫm bán lại. Tôi kiên quyết không bán nhưng cũng không yên. Chúng đeo bám đến cùng, thậm chí còn đóng giả nhân viên tiếp thị vào tận nhà với ý đồ trộm cắp".
Theo ông Hmút, không chỉ có bọn săn đồ cổ nhòm ngó bộ cồng chiêng 20 chiếc mà ngay cả một số đơn vị văn hoá cũng đến trả giá rất cao. "Không biết họ mua để bảo tồn văn hoá hay mua đi bán lại kiếm lời nhưng tôi nghĩ, đừng quy văn hoá ra... tiền. Nếu tôi bán bộ cồng chiêng ấy đi thì JaKa sẽ vĩnh viễn mất đi bảo vật, cồng chiêng sẽ không còn vang trên đất Tây Nguyên nữa".
Ông Hmút bật mí, 20 chiếc cồng chiêng cổ mà ông đang giữ được truyền từ đời nọ sang đời kia. Ông không nhớ chính xác tuổi của bộ cồng chiêng ấy là bao nhiêu năm, nhưng các chuyên gia thẩm định và kết luận rằng, bộ cồng chiêng mà ông Hmút đang giữ không dưới 500 năm tuổi.
Còn một điều ít ai biết tới, ở Tây Nguyên còn truyền nghề chỉnh chiêng cho những người tài giỏi. Ông Hmút không nhận mình là giỏi nhưng ở JaKa cũng như cả Tây Nguyên thì không ai chỉnh chiêng giỏi hơn Hmút.
Rơ Châm Hmút bảo: "Các bộ chiêng sau thời gian dài bị méo mó hoặc vỡ lẻ thì phải chỉnh lại. Tôi tự chế ra các vật dụng để chỉnh chiêng. Người biết thẩm âm từng loại chiêng lớn nhỏ thì mới có thể sửa được chiêng vỡ. Chứ nếu đem chiêng ra các xưởng sửa chữa thì hầu hết cồng chiêng đều bị lệch âm".
Ngay cả nghề chỉnh chiêng cũng được Hmút theo đuổi từ hồi nhỏ. Sau mỗi đêm hội nhà rông, Hmút đều đem chiêng ra kiểm tra, vá víu lại những phần nứt nẻ sao cho tiếng chiêng kia cứ rộn ràng, bay lên cao vút như cánh chim Kơtia.
"Một bộ cồng chiêng có tổng thảy 20 chiếc lớn nhỏ. Cũng có hơn 20 bài nhạc cồng chiêng khác nhau. Nếu đánh hết thì phải mất một ngày đêm, còn trong các lễ hội có khi biểu diễn 3 ngày mới hết. Rất nhiều người đến JaKa học đánh cồng chiêng, nhưng hầu hết đều không đủ kiên trì. Đó cũng là lý do ngày càng ít người biết đánh cồng chiêng".
Nghệ nhân Rơ Châm Hmút