Vụ việc bảo vệ Trung tâm thương mại Artemis ở Hà Nội hành hung phụ nữ khiến dư luận phẫn nộ, bức xúc, nhất là khi clip vụ việc trên được đăng tải trên mạng xã hội ghi lại cảnh nam bảo vệ cởi trần, lao vào đấm liên tiếp vào mặt, đầu một phụ nữ kèm theo những lời nói thô tục. Trong khi đó, tại thời điểm xảy ra vụ việc một người đàn ông khác mặc đồng phục bảo vệ đứng bên cạnh nhưng không can thiệp được.
Theo nội dung clip và diễn biến vụ việc cho thấy, chỉ vì xuất phát từ việc người phụ nữ để xe tại sảnh tầng 1 của tòa nhà, nam bảo vệ ra nhắc nhở nên đã xảy ra cãi vã. Lẽ ra trước việc để xe không đúng quy định của người phụ nữ, nhân viên bảo vệ phải chỉ bảo, hướng dẫn người phụ nữ để xảy đúng nơi quy định, nếu khách hàng không chấp nhận thì phải báo cáo với Ban quản lý hoặc thông báo cho cơ quan Công an Phường sở tại để xử lý theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nhân viên bảo vệ do thiếu kiềm chế đã dùng chân tay xông vào đấm liên liên tiếp vào mặt người phụ nữ một cách rất dã man.
|
Nam nhân viên bảo vệ và hiện trường vụ việc. |
Hành vi đánh phụ nữ của nam bảo vệ là hành vi côn đồ đáng lên án bởi không chỉ xâm hại đến sức khỏe, danh dự nhân phẩm của nạn nhân mà còn là hành vi thể hiện sự xuống cấp về đạo đức. Các chuẩn mực đạo đức nghề nghiệp trong bất cứ ngành nghề gì cũng phải đặt lên trên hết nhưng đối với nhân viên bảo vệ sự chuẩn mực ấy cần phải luôn được coi trọng.
Việc đánh phụ nữ của nhân viên bảo vệ còn là hành vi vi phạm pháp luật bởi pháp luật nghiêm cấm mọi hành vi sử dụng vũ lực để giải quyết mâu thuẫn (trừ trường hợp phòng vệ chính đáng) và sẽ xử lý nghiêm đối với những hành vi xâm phạm sức khỏe, danh dự và nhân phẩm của người khác.
Với hành vi trên, nam bảo vệ đã bị chủ đầu tư toà nhà Trung tâm thương mại Artemis đình chỉ việc làm, đồng thời, Công an quận Thanh Xuân đang điều tra làm rõ vụ việc để xử lý theo các quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, xét ở một khía cạnh khác, để xảy ra vụ việc trên cũng có một phần lỗi xuất phát từ chính sự đanh đá của nữ khách hàng.
Cụ thể, theo một nhân viên bảo vệ cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc người phụ nữ cũng có nói nặng lời, đáp trả gay gắt nên bảo vệ mới có hành vi như vậy.
Người phụ nữ bị nhân viên bảo vệ hành hung cho biết, thời điểm xảy ra vụ việc, người phụ nữ vào siêu thị tầng 1 của tòa nhà để mua sữa cho con. Do xung quanh có nhiều xe máy đang đỗ nên bà cũng để xe tại sảnh. Ngay sau đó, nhân viên bảo vệ ra đuổi dẫn đến hai bên lời qua tiếng lại. “Hắn chửi, nhục mạ tôi nên tôi có chửi lại”, người phụ nữ cho biết. Đỉnh điểm của sự việc, khi người phụ nữ cầm thoại chụp ảnh nam bảo vệ. Ngay lập tức, nhân viện bảo vệ túm lại và đấm vào đầu, mặt.
Qua vụ việc trên cho thấy, hành vi của nhân viên bảo vệ là không thể chấp nhận được và cần phải xử lý nghiêm nhưng cũng cho thấy, người phụ nữ cũng cư xử không được khôn khéo. Là phụ nữ khi ra ngoài đường, gặp những chuyện dễ dẫn đến mâu thuẫn thì không nên có thái độ đanh đá này kia. Bởi khi gặp đối tượng có máu côn đồ thì việc ăn đánh là hiển nhiên. Nếu đối tượng có hành vi côn đồ thì cần nhờ sự giúp đỡ của những người xung quanh hoặc đến cơ quan chức năng để nhờ can thiệp, xử lý. Khi lời qua tiếng lại, cãi vã với một người côn đồ thì phần thiệt thòi sẽ là người phụ nữ… Tốt nhất trong những tình huống như vậy "một điều nhịn chín điều lành" để tránh những hậu quả không đáng có xảy ra với bản thân.
Nêu ý kiến về vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (Trưởng VPLS Nguyễn Anh, Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, tại điều 20 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 qui định “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Pháp luật đã nghiêm cấm công dân sử dụng vũ lực để giải quyết bất kỳ mâu thuẫn nào phát sinh, trừ trường hợp phòng vệ chính đáng. Hậu quả xảy ra đến đâu thì sẽ phải chịu trách nhiệm tương ứng theo quy định của pháp luật.
Xét hành vi của đối tượng bảo vệ chỉ vì mâu thuẫn trong việc để xe nhưng thiếu kiềm chế bản thân đã sử dụng vũ lực hành hung dã man người phụ nữ đã có dấu hiệu phạm tội Cố ý gây thương tích. Tội phạm và hình phạt được quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015.
Để có căn cứ xử lý về Tội cố ý gây thương tích theo Điều 134 BLHS2015 thì người bị hại cần thiết phải có đơn yêu cầu xử lý các đối tượng theo quy định tại Điều 155 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Khởi tố vụ án hình sự theo yêu cầu của người bị hại “Chỉ được khởi tố vụ án hình sự về tội phạm quy định tại khoản 1 các điều 134, 135, 136, 138, 139, 141, 143, 155, 156 và 226 của Bộ luật hình sự khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết”.
Kết quả giám định tỷ lệ thương tích của Cơ quan chuyên môn trong tố tụng hình sự càng cao thì đối tượng càng phải chịu hình phạt càng lớn, tương ứng với định khung tăng nặng theo quy định tại Điều 134 Bộ luật hình sự 2015. Trong trường hợp tỷ lệ thương tích của chị N dưới 11% thì đối tượng vẫn có thể bị khởi tố theo điểm i khoản 1 Điều 134 BLHS là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật.
Hiện vụ việc bảo vệ tòa nhà Artemis hành hung phụ nữ đang được điều tra, làm rõ.
Mời độc giả xem thêm video Người phụ nữ bị bạo hành ở hành lang chung cư: