Bão số 9 mạnh nhất 20 năm: Hàng nghìn người trực chiến xuyên đêm

Google News

(Kiến Thức) - Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng trực chiến xuyên đêm, đến 18-19h tối ngày 27/10 phải xong nhiệm vụ sơ tán dân, cưỡng chế những người chịu đi.

Ảnh hưởng bão số 9, nhiều tỉnh bắt đầu mưa lớn, gió to
Bão số 9 (cùng với cơn bão Xangsane năm 2006) dự báo là một trong hai cơn bão có cường độ mạnh nhất trong 20 năm gần đây có khả năng gây ảnh hưởng trực tiếp đến Trung bộ và Tây nguyên nước ta. Bão hiện đang di chuyển nhanh với sức gió cường độ cấp 13-14, giật cấp 17, sóng có nơi lên cao tới 6-8m, phạm vi ảnh hưởng rộng, đổ bộ vào thời điểm triều cường, vô cùng nguy hiểm. Sau bão là mưa to, rất to, Nam Nghệ An, Hà Tĩnh có thể lên tới 500-700mm.
Đêm nay (ngày 27/10) và ngày mai bão sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến các địa phương ven biển miền Trung, nhất là tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên.
Bao so 9 manh nhat 20 nam: Hang nghin nguoi truc chien xuyen dem
 Hướng di chuyển của bão số 9.
Bản tin lúc 17h00 của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia cho biết, vào hồi 16h00 ngày 27/10, vị trí tâm bão ở khoảng 13,6 độ Vĩ Bắc; 112,8 độ Kinh Đông, cách Đà Nẵng khoảng 550km, cách Quảng Nam 490km, cách Quảng Ngãi 440km, cách Phú Yên 360km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 14 (150-165km/giờ), giật cấp 17. Bán kính gió mạnh từ cấp 6, giật từ cấp 8 trở lên khoảng 320km tính từ tâm bão; bán kính gió mạnh từ cấp 10, giật từ cấp 12 trở lên khoảng 160km tính từ tâm bão.
Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 16h ngày 28/10, vị trí tâm bão ở 15,1 độ Vĩ Bắc; 107,7 độ Kinh Đông, trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định, Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (60-75km/giờ), giật cấp 10.
Ghi nhận lúc 17h ngày 27/10, tại đảo Lý Sơn mức gió cấp 7, giật cấp 8. Từ chiều tối và đêm 27/10, mưa gió do bão sẽ còn tăng lên trong đất liền - đặc biệt cần chú ý là khu vực Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định là những nơi gió mạnh nhất.
Phải đảm bảo an toàn cho người dân
Chiều ngày 27/10, tại Quảng Ngãi bắt đầu mưa khá to, gió thổi mạnh. Chỉ đạo công tác ứng phó bão số 9 tại Khu Kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi), Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhiều lần nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo an toàn cho người dân.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh Quảng Ngãi là địa phương được dự báo là tâm bão số 9 sẽ đổ bộ, tình hình rất khẩn trương. Nhiệm vụ số 1 là phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, Nhà nước, phải tiếp tục rà soát những tàu thuyền chưa vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn tại các âu thuyền, khu vực tránh trú dành cho tàu thuyền. Không được để bất cứ người nào ở trên tàu tại thời điểm bão đổ bộ.
Bao so 9 manh nhat 20 nam: Hang nghin nguoi truc chien xuyen dem-Hinh-2
Phó Thủ tướng yêu cầu nhiệm vụ số 1 là phải bảo vệ tính mạng, tài sản người dân. 
Hiện tỉnh Quảng Ngãi mới sơ tán được 60.000 người dân, Phó Thủ tướng yêu cầu phải hoàn thành việc sơ tán 55.000 người dân còn lại theo kế hoạch, đồng thời rà soát lại toàn bộ các khu vực nguy hiểm để đảm bảo không còn người dân ở lại. Đến 19 giờ tối 27/10 phải hoàn thành.
Phó Thủ tướng yêu cầu các lực lượng trực chiến xuyên đêm, đến 18-19h tối nay phải xong nhiệm vụ sơ tán dân, cưỡng chế những người chịu đi.
"Đây là tâm bão, chúng ta không còn nhiều thời gian. Phải tranh thủ thời gian sơ tán dân, khi bão vào rồi sẽ không thể làm gì. Đêm nay không ngủ, tập trung rà soát các công việc, các cơ quan phải gọi điện báo cáo thường xuyên, nơi nào lơ là phải kỷ luật” - Phó Thủ tướng chỉ đạo lãnh đạo các địa phương và các đơn vị làm nhiệm vụ ứng phó bão.
Phó Thủ tướng cảnh báo nếu chúng ta không làm tốt sẽ thiệt hại rất nặng nề. Phó Thủ tướng đề nghị tập trung với phương châm “4 tại chỗ” để ứng phó với bão số 9, đồng thời giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, đơn vị có mặt tại hiện trường. Theo Phó Thủ tướng, quân đội là nòng cốt trong công tác ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn.
Sơ tán nửa triệu dân
Tại cuộc họp do Phó Thủ tướng chủ trì tại Ban chỉ đạo tiền phương, lãnh đạo TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam đều khẳng định đã chuẩn bị các phương án ứng phó khẩn trương, nỗ lực tối đa bảo đảm an toàn cho người và tài sản.
Theo báo cáo, các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên dự kiến sơ tán 448.067 người trong khu vực nguy hiểm; thời gian hoàn thành vào 17-19h chiều 27/10.
Bao so 9 manh nhat 20 nam: Hang nghin nguoi truc chien xuyen dem-Hinh-3
 Một người dân xã Tam Thanh (Tam Kỳ) thông tin trên loa cầm tay về tin bão số 9. Ảnh Báo Quảng Nam.
Cụ thể, Quảng Nam 129.194 người dự kiến xong trước 17h/27/10; đã hoàn thành sơ tán 42.950 người. Quảng Ngãi: 94.269 người, dự kiến xong trước 17h/27/10. Bình Định: 96.513 người, dự kiến xong trước 19h/27/10. Phú Yên: 27.653 người dự kiến xong trước 17h/27/10. Thừa Thiên Huế: 67.812 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Đà Nẵng: 32.626 người, dự kiến xong trước 15h/27/10. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định quyết định cho học sinh nghỉ học từ ngày 27/10.
Đến 11h ngày 27/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 45.009 tàu cá/229.290 lao động. Hiện còn trong vùng nguy hiểm: 142 tàu/1.118 lao động (Bình Định). Các tàu đều đã nhận được thông tin và đang di chuyển trú tránh. Đối với tàu vận tải, tàu vãng lai, các tỉnh đã chỉ đạo hướng dẫn neo đậu, rời khỏi khu vực nguy hiểm, cụ thể  Đà Nẵng: 144 tàu; Quảng Nam: 1 tàu neo tại Cù Lao Chàm; Bình Định: 78 tàu. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định đã cấm biển.
Các tỉnh đang tổ chức gia cố, sơ tán người dân trên các lồng bè nuôi trồng thủy sản, cụ thể là 190.959 lồng, bè (Huế: 7.586, Đà Nẵng: 1.606, Quảng Nam: 960, Quảng Ngãi: 67, Bình Định: 1.118, Phú Yên: 85.703, Khánh Hòa: 91.225, Ninh Thuận: 2.600, Bình Thuận: 94).
Nhằm giảm thiệt hại do bão số 9 gây ra, chiều 27/10, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Huỳnh Đức Thơ yêu cầu giám đốc sở, ban, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện hiệp đồng với quân đội, công an để ứng phó với bão số 9. Ngay sau chỉ đạo này, Đà Nẵng đã huy động hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội xuống cơ sở giúp dân phòng, chống bão. Từ 20h tối nay, người dân Đà Nẵng không ra khỏi nhà theo yêu cầu của lãnh đạo chính quyền thành phố.
Tại tỉnh Bình Định, đã ra lệnh cấm biển từ 17h ngày 26/10 và cho học sinh nghỉ học từ chiều 27/10 cho tới khi có thông báo mới. Trước 17h chiều nay, công tác di dân tại những khu vực nguy hiểm đến nơi an toàn cũng sẽ được hoàn thành. Tỉnh đang triển khai các phương án sơ tán dân ở vùng ven biển, triều cường, vùng ngập lụt, vùng có nguy cơ sạt lở đất; hướng dẫn nhân dân chằng chống nhà cửa, chuẩn bị lương thực, nhu yếu phẩm cần thiết, chủ động ứng phó với bão lụt.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng yêu cầu người dân không được ra khỏi nhà, bắt đầu từ 22h ngày 27/10 cho đến khi có tin cơn bão số 9 suy yếu không còn nguy hiểm; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước không ra đường khi xảy ra bão, mưa lớn (trừ các lực lượng làm nhiệm vụ và trường hợp đặc biệt khẩn cấp). Thông báo người dân chủ động dự trữ lương thực, thực phẩm, nước uống bảo đảm đủ dùng trong thời gian ở nhà.
Bao so 9 manh nhat 20 nam: Hang nghin nguoi truc chien xuyen dem-Hinh-4
Ngư dân chủ động giằng neo cho tàu cá đậu tại cảng cá Quy Nhơn. Ảnh: Báo Bình Định 
Tại tỉnh Quảng Nam, chiều 27/10, UBND tỉnh vừa có công văn yêu cầu Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chủ động ứng phó và khắc phục hậu quả do bão Molave (bão số 9) gây ra.
Trong đó, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam yêu cầu, kiểm tra, rà soát, triển khai phương án bảo vệ trụ sở làm việc của các cơ quan, đơn vị. Xây dựng kế hoạch chi tiết, phân công nhiệm vụ cụ thể (kể cả trực chỉ huy, xử lý tình huống) việc triển khai thực hiện Công điện số 09; tổ chức hiệp đồng với các lực lượng quân đội, công an… để thực hiện công tác phòng, chống thiên tai.
Các thành viên Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh tổ chức kiểm tra tình hình triển khai công tác ứng phó với thiên tai đã được phân công nhằm đảm bảo công tác ứng phó bão số 9 an toàn cao nhất cho người dân và lực lượng ứng cứu, khi bão đến tất cả phải tránh trú an toàn; đảm bảo an toàn cho nơi sơ tán dân đến, chỉ ra ngoài làm nhiệm vụ và ứng cứu khi có lệnh của người có thẩm quyền.
Đồng thời, yêu cầu người dân không ra khỏi nhà bắt đầu từ 20h tối nay 27/10 cho đến khi có thông báo của Ban chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh. Cán bộ, công chức, viên chức và người lao động được nghỉ làm việc ngày 28.10 (trừ các bộ phận liên quan đến phòng, chống thiên tai). Các tổ chức, đơn vị khác chủ động quyết định cho cán bộ, người lao động nghỉ làm việc theo thẩm quyền.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa ký Công điện 1490/CĐ-TTg yêu cầu khẩn trương ứng phó bão số 9
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, Các bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện quyết liệt công tác ứng phó với bão theo Công điện số 1470/CĐ-TTg ngày 26 tháng 10 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ; các ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và của Ban Chỉ đạo tiền phương, trong đó tập trung các nhiệm vụ sau:
Tiếp tục rà soát, kêu gọi, hướng dẫn tàu thuyền còn hoạt động trên biển thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm và về nơi tránh trú an toàn; yêu cầu chính quyền các địa phương phối hợp với lực lượng biên phòng, ngành thủy sản, ngành giao thông vận tải tiếp tục rà soát kỹ, không để sót tàu thuyền trong vùng nguy hiểm. Tổ chức neo đậu tàu thuyền an toàn; chủ động đưa tàu thuyền nhỏ lên bờ để hạn chế thiệt hại tại nơi tránh trú.
Rà soát, chủ động sơ tán triệt để người dân ra khỏi những nơi nguy hiểm, không bảo đảm an toàn trước khi bão ảnh hưởng trực tiếp, nhất là trên lồng bè, chòi canh nuôi trồng thủy hải sản trên biển, ven biển; trên tàu thuyền; trong các nhà không an toàn, các khu dân cư vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, bãi ngang có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu hoặc tác động trực tiếp của sóng,.... Tuyệt đối không để người ở lại trên lồng bè nuôi trồng thủy sản, trên tàu thuyền khi bão đổ bộ vào. Trường hợp cần thiết phải cưỡng chế di dời để bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Chằng chống, gia cố nhà cửa, kho tàng, trụ sở, trường học, cơ sở y tế, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, triển khai phương án bảo vệ các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu du lịch để hạn chế thiệt hại do bão.
Chủ động khuyến cáo, hướng dẫn người dân hạn chế hoặc không ra đường trong đêm nay và ngày mai. Trường hợp cần thiết có thể cho nghỉ làm, nghỉ học. Kiểm soát giao thông, chủ động điều tiết giao thông, hạn chế các phương tiện từ các địa phương khác đi vào vùng tâm bão trong thời gian bão đổ bộ vào đất liền.
Triển khai các biện pháp phòng, chống mưa lũ trước, trong và sau bão, đặc biệt lưu ý bảo đảm an toàn hồ đập, ứng phó nguy cơ sạt lở đất, lũ quét, ngập sâu.
Các Bí thư, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố từ Nghệ An đến Bình Thuận; các tỉnh khu vực Tây Nguyên trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về địa phương của mình. Yêu cầu giảm thiểu ở mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do bão gây ra. 
>>> Mời độc giả xem thêm video Bão số 9 Molave giật cấp 15, Thủ tướng chỉ đạo triển khai ứng phó khẩn cấp

Nguồn: VTV TSTC


 
 
Tâm Đức

>> xem thêm

Bình luận(0)