Ba ngày truy lùng Tuấn "Khỉ" và sự nhiễu loạn thông tin

Google News

Quá 72 giờ triển khai lực lượng truy bắt Lê Quốc Tuấn, tung tích nghi can giết 5 mạng người ở Củ Chi vẫn bặt vô âm tín. Trong khi đó thông tin "nhiễu" xuất hiện càng nhiều.

Bốn ngày từ khi nghi can Lê Quốc Tuấn (tự Tuấn "Khỉ", 33 tuổi) xả súng vào sòng bạc tại ấp 5, xã Tân Thạnh Đông, huyện Củ Chi (TP.HCM), làm 4 người chết và tiếp tục bắn chết 1 nạn nhân vào rạng sáng hôm sau, Công an TP.HCM cùng các lực lượng cảnh sát của Bộ đã được huy động tối đa, ráo riết truy lùng nghi can.
Bộ Công an quyết tâm bắt được Tuấn vào tối 30/1, cho phép tiêu diệt nghi can này khi cần thiết. Song, 3 ngày vây bắt đã trôi qua, tung tích Tuấn "Khỉ" vẫn là một dấu hỏi.
Nguy hiểm rình rập
Với thời gian truy bắt Tuấn "Khỉ" kéo dài chưa có kết quả, nghi can này được cho là có kinh nghiệm, nghiệp vụ để đối phó với lực lượng công an. Hơn nữa hắn còn mang theo súng nên hoàn toàn có thể gây nguy hại cho người dân và lực lượng chức năng.
Ba ngay truy lung Tuan
Lực lượng CSCĐ được điều vây bắt ở xã Trung An, huyện Củ Chi. Ảnh: Lê Quân.
Thiếu tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng, Người phát ngôn Bộ Công an, cho biết khẩu AK mà nghi can dùng gây án có băng đạn 30 viên. Nghi can đã bắn khoảng 22-24 viên, vẫn còn khoảng 6-8 viên nữa nên vẫn rất nguy hiểm, tất cả phải đề cao cảnh giác.
Thêm nữa, việc Tuấn có thủ thêm băng đạn nào nữa hay không vẫn chưa được xác định.
Để vây bắt nghi can này, trong 3 ngày 30, 31/1 và 1/2, hàng trăm cảnh sát được huy động đến xã Trung An. Hàng chục chiếc xe chở cảnh sát cơ động vào ra liên tục ở khu vực vây bắt.
Cảnh sát cũng bay flycam suốt những ngày qua quanh khu vực đường 472 (giáp ranh giữa xã Trung An - xã Phú Hòa Đông) để xác định vị trí của nghi can. Theo ghi nhận của Zing.vn, địa hình xã Tân Thạnh Đông có nhiều vườn cây, đồng ruộng, bụi cỏ um tùm, gây khó khăn cho việc truy lùng.
Nhiều xe nghiệp vụ cùng cảnh khuyển, khiên chống đạn được điều đến tăng cường. CSCĐ thay ca trắng đêm canh gác, đứng dọc đường Trung An và tuyến đường lân cận, một số cảnh sát còn ẩn nấp ở bụi cây, bờ ruộng để sẵn sàng tiếp cận mục tiêu.
Ba ngay truy lung Tuan
Quân đội cũng được tăng cường đến hỗ trợ cuộc bố ráp. Ảnh: Lê Quân.
Trong chiều 31/1, những chiếc ôtô xuất hiện quanh khu vực vây bắt bán kính 2 km đều bị cảnh sát yêu cầu dừng lại, mở cốp và cửa xe để kiểm tra.
Việc chốt chặn, canh gác nghiêm ngặt không chỉ nhằm mục đích bắt được nghi can mà còn để đảm bảo an toàn cho người dân. Chừng nào Tuấn còn chưa bị bắt thì vẫn tiềm ẩn khả năng gây nguy hiểm.
Mở rộng địa bàn truy lùng
Trong ngày 31/1, Công an tỉnh Tây Ninh đã tăng cường lực lượng tuần tra, hỗ trợ truy bắt nghi can. Đồng thời, cảnh sát cũng cảnh báo cho người dân, đề nghị cảnh giác khi phát hiện Tuấn.
Công an tỉnh Bình Dương đã phát tờ rơi hình ảnh Lê Quốc Tuấn và điều lực lượng tuần tra, truy tìm nghi can ở khu vực giáp ranh TP.HCM. Đại diện quân đội cũng đến hiện trường vây bắt nghi can ở Củ Chi để hỗ trợ lực lượng công an.
Đến sáng 1/2, ở xã Trung An còn khoảng 100 chiến sĩ túc trực, quân số còn lại đang được tỏa ra các địa phương khác, lần dấu vết nghi can. Tuy nhiên đến trưa và chiều, cảnh sát bất ngờ được huy động trở lại, tiếp tục lùng sục Tuấn "Khỉ".
Nhà chức trách nhận định Tuấn có khả năng đã rời xã Trung An, huyện Củ Chi và đến tỉnh khác để lẩn trốn.
Trao đổi với Zing.vn, thiếu tướng Nguyễn Hoài Phương, Phó tư lệnh Bộ đội biên phòng, cho biết bộ đội biên phòng đã triển khai lực lượng từ ngày đầu Tuấn “Khỉ” gây án.
Các đồn, trạm biên phòng đã tăng cường quân số, tăng tuần tra để truy bắt nghi can. Riêng Tây Ninh có 15 đồn, 16 trạm đều tăng cường quân ra biên giới, phối hợp với cả Campuchia để truy bắt Tuấn “Khỉ”.
Bộ Tư lệnh Biên phòng chỉ đạo hướng chính diện có khả năng Tuấn “Khỉ” lẩn trốn là Tây Ninh, Bình Phước, Long An.
Nhiễu thông tin
Lực lượng chức năng bên cạnh việc nóng lòng truy bắt nghi can Lê Quốc Tuấn thì 2 ngày qua còn phải đối diện với những thông tin đến từ nhiều phía.
Trong chiều tối 31/1, xuất hiện thông tin cho rằng một người mặc áo sọc màu trắng đen, quần kaki màu đen giống Tuấn “Khỉ” chạy xe máy Exciter mang biển kiểm soát 70G1 qua địa bàn huyện Đức Huệ, Long An, hướng về biên giới.
Cơ quan chức năng cho biết thông tin này chưa chắc chắn, nhưng công an sẽ tham khảo và đang mở rộng địa bàn để truy bắt Tuấn. Ban chuyên án nhận định khu vực Củ Chi vẫn là trọng điểm của cuộc tìm kiếm nghi can.
Trong ngày 1/2 tiếp tục xuất hiện thông tin Tuấn "Khỉ" ngỏ ý muốn ra đầu thú từ hiệp sĩ Nguyễn Thanh Hải. Qua đoạn livestream, anh Hải cho biết nhận được cuộc điện thoại từ một người tự xưng là Lê Quốc Tuấn vào 14h chiều.
Người này nói vẫn đang ở xã Trung An, huyện Củ Chi, muốn ra đầu thú với điều kiện là cho gặp vợ con trước. Cuộc gọi được anh Hải ghi âm.
Hiệp sĩ Hải sau đó báo cáo lại vụ việc cho Công an tỉnh Bình Dương và Bộ Công an. Nhà chức trách đang giám định giọng nói để xác minh người này có phải là Tuấn “Khỉ” hay không và hiện đưa ra bất kỳ thông tin gì liên quan.
Nhịp sống bất thường, tâm lý bất an
3ngày vây bắt nghi can Tuấn, cuộc sống của người dân quanh khu vực xã Trung An trở nên bất thường xen lẫn bất an.
Bà Võ Thị Gái (57 tuổi) cho biết 2 ngày nay cả nhà bà không dám ra vườn thu hoạch rau vì sợ gặp phải Tuấn "Khỉ". Buổi tối ngủ, bà và người nhà cũng phải giấu sẵn một cái liềm ở hiên nhà để phòng trường hợp xấu. Tâm lý nhiều người bất an khi Lê Quốc Tuấn vẫn còn ôm súng lẩn trốn đâu đó.
Một số nhà dân bên trong đường Huỳnh Thị Bẳng - nơi lực lượng CSCĐ phong tỏa hạn chế người ra vào - trở thành nơi bố trí, chia quân của CSCĐ. "Sống ở đây lâu rồi, chưa khi nào tôi thấy đông cảnh sát dữ vậy", ông Vẹn (49 tuổi), người dân sống tại khu vực cho biết.
Ở một thái cực khác, rất nhiều người hiếu kỳ, đặc biệt ở khu vực lân cận, tập trung quanh hiện trường vây bắt để theo dõi diễn biến mặc kệ nguy hiểm.
Từ sáng tới khuya, hàng dài người vẫn ngồi ven đường, tụ tập thành từng nhóm nghe ngóng thông tin về cuộc truy lùng. Nhiều người không ngại chạy xe 20-30 km, thậm chí chở cả con nhỏ tới đây để "hóng".
Theo chuyên gia Đào Trung Hiếu (trung tá, nguyên điều tra viên Đội điều tra trọng án, Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội), việc người dân tập trung đông ở khu vực này tiềm ẩn nhiều nguy cơ về thương vong, an ninh, an toàn.
"Trong trường hợp đối tượng chống trả bằng súng, người dân có nguy cơ bị trúng đạn lạc. Bên cạnh đó, họ cũng làm cản trở hoạt động truy đuổi của cảnh sát. Có trường hợp đối tượng bắt ngay người dân làm con tin để không chế, yêu sách lên lực lượng chức năng", trung tá Đào Trung Hiếu phân tích.
Người dân còn trở thành gánh nặng cho lực lượng cảnh sát nếu tình huống bất ngờ xảy ra. Như nếu đối tượng bắn rồi lẻn vào đám đông thì lực lượng chức năng cũng không thể nổ súng trấn áp được. Trong vụ việc này, trách nhiệm của lực lượng cảnh sát vốn đã rất nặng nề, nguy hiểm lại còn thêm cả việc giải tán đám đông, ổn định trật tự.
Theo Hoài Thanh / Zing

>> xem thêm

Bình luận(0)