Cụ là Nguyễn Thị Hiên (SN 1922, tên thường gọi là cụ Chính Ký) ở phường Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Khi chúng tôi đến thì được những người hàng xóm cho biết cụ đang mệt, khó có thể tiếp khách. Tuy nhiên khi biết chúng tôi muốn trò chuyện về công tác từ thiện, cụ ngồi nhỏm dậy. Câu chuyện về những chuyến đi, những mảnh đời khiến cụ day dứt bắt đầu được kể lại…
Cụ Hiên cho biết, nhiều năm trước, gia đình cụ có cửa hàng văn phòng phẩm lớn ở khu phố. Cụ bận bán hàng cùng gia đình chồng nên không có thời gian đi lại, tìm hiểu hay giúp đỡ ai.
Tuy nhiên, mỗi khi có những phận đời nghèo khó, cơ nhỡ tìm đến xin ăn, trái tim của cụ lại thấy rung động. Rồi như một thói quen, cụ đổi cả giỏ tiền xu và treo ở cửa. Mỗi người hành khất đi qua, cụ lại lấy một đồng xu từ giỏ tiền đó để cho.
Sau này, công việc làm ăn được giao lại cho các con, cụ bắt đầu làm những việc mà trái tim mình mong muốn.
|
Cụ Nguyễn Thị Hiên 95 tuổi ở phố Hàng Bồ, Hoàn Kiếm, Hà Nội. |
Cụ Hiên nói, cụ bắt đầu tìm đến những hoàn cảnh khó khăn, những đứa trẻ mồ côi để giúp đỡ. Sau đó, cụ đọc trên báo rồi nghe người ta kể, thấy nhiều người xa lánh những bệnh nhân phong bỗng nhiên cụ thấy cảm thương nên đã bắt chuyến xe đến trại phong để thăm hỏi và tặng quà.
Cụ Hiên cho biết, lần đầu tiên đến trại phong, nhìn những bệnh nhân chân tay lở loét, ngón chân và ngón tay bị ăn cụt, nước mắt cụ trào ra. Vì thế trong khi nhiều người sợ lây bệnh, cụ lại tiến đến gần bắt tay, chào hỏi từng người. Có bệnh nhân thấy vậy thì òa khóc bởi lâu lắm rồi mới có người lạ mà gần gũi với họ như vậy.
Cụ tâm sự, những giọt nước mắt khiến cụ bối rối nhưng cụ cũng chỉ biết nắm chặt tay họ rồi động viên: “Thôi thì mỗi người một nghiệp, cố gắng…”.
Cụ Hiên nói: “Sau chuyến đi đầu tiên ấy, tôi tiếp tục tìm đến những trại phong khác để thăm hỏi, động viên và tặng quà. Sau đó tôi lại trở về nhà, tiết kiệm tiền, đi xin tài trợ hoặc rủ thêm bạn bè chung sức, chung lòng để lo liệu những suất quà. Khi đủ tiền, đủ quà, tôi lại lên đường”.
“Nhiều năm liền, những người ở khu phố cổ, khu chợ Đồng Xuân gọi tôi là 'hành khất' vì ai cho gì, gửi gì tôi cũng giữ lại để cho những người kém may mắn hơn. Có thời gian, tôi còn nhặt nhạnh cả những bộ quần áo hoặc đồ dùng bị hỏng mà người bán hàng ở chợ Đồng Xuân bỏ đi. Sau đó, tôi sửa rồi mang cho những người khó khăn hơn”, cụ Hiên nói tiếp.
Cụ Hiên cũng cho biết, sau khi thấy cụ thường xuyên đi thăm, tặng quà và giúp đỡ những hoàn cảnh đặc biệt, nhiều người bạn của cụ cũng xin tham gia cùng. Họ cùng nhau tiết kiệm, xin quà và tổ chức các chuyến thăm tặng. Có người phụ nữ ở Mỹ, không biết nghe thông tin từ đâu cũng tìm đến tận nhà đưa tiền nhờ cụ gửi đến những hoàn cảnh đặc biệt.
“Có lần, bà ấy gửi cả 700 USD (thời điểm cách đây gần 30 năm - nv) khi biết tôi đang quyên góp cho các cháu mồ côi, hoàn cảnh khó khăn mổ thủy tinh thể dù chúng tôi không hề quen biết nhau”, cụ Hiên nói.
Từ thời trẻ, cụ đã luôn thấy rung động với những phận đời kém may mắn, nay 95 tuổi, cụ vẫn dự trữ những chiếc phong bì để sẵn sàng gửi khi biết những hoàn cảnh khó khăn.
Cụ Hiên cũng tâm sự thêm, bên cạnh việc giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong khu vực, mỗi năm cụ đều có 1, 2 chuyến đi đến các trại phong hoặc trại mồ côi ở ngoại tỉnh.
Có chuyến cụ tự đi một mình, có chuyến cụ tổ chức thuê xe chở quà và đi cùng bạn. Nhưng chuyến đi nào cũng vậy, cụ chỉ dám mang theo cơm nắm muối vừng và nước lọc để ăn uống dọc đường.
Cụ bảo: “Chuyến đi từ thiện nào cũng để lại trong tôi nhiều thương cảm, thấy họ khổ tôi lại dặn lòng mình phải tiết kiệm, không được chi tiêu hoang phí. Tôi nghĩ, mình đang quá may mắn so với nhiều hoàn cảnh khác. Trong khi mình thích ăn gì đều có thì nhiều người lại đói khổ, chỉ mong một bữa ăn no… ”.
Bây giờ, ở tổi 95, sức khỏe yếu hơn, cụ Hiên không thể tổ chức các chuyến đi từ thiện như trước. Tuy nhiên mỗi ngày, cụ vẫn đọc báo và nghe ngóng, ở đâu có hoàn cảnh khó khăn là cụ tìm cách giúp đỡ.
Cụ Hiên cho biết: “Tết vừa rồi, tuy không đi được nhưng tôi cũng gửi tiền mừng tuổi cho 30 cháu bé mồ côi trên địa bàn. Ngoài ra, những trường hợp cần quyên góp, giúp đỡ do cán bộ vận động, tôi cũng rất sẵn lòng”.
Để có tiền giúp đỡ những hoàn cảnh kém may mắn, cụ Hiên nói, mỗi tháng cụ nhận được 350 nghìn tiền trợ cấp người già, cụ cố định trích ra 50 nghìn bỏ vào phong bì để khi có người cần giúp, cụ sẽ lấy chiếc phong bì đó ra.
Ngoài ra, tiền các con cháu cho, biếu nhưng cụ không tiêu đến, cụ cũng cất đi để làm việc thiện. Cụ Hiên nhẩm tính, quãng thời gian cụ tham gia công tác từ thiện có lẽ cũng đã gần 30 năm.
Tuy nhiên cụ luôn khẳng định: “Tôi làm từ thiện vì thấy trái tim mình thấu hiểu, đồng cảm trước những hoàn cảnh khó khăn, muốn được làm điều gì đó cho họ chứ không phải vì mục đích gì khác hay ai đó bắt buộc tôi làm”.