Asanzo có dấu hiệu trốn thuế: CEO Phạm Văn Tam xoay sở thế nào thoát hiểm?

Google News

(Kiến Thức) - Cục Thuế TP HCM cho rằng Asanzo có dấu hiệu trốn thuế và chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này sang Công an TP HCM và Bộ Công an. Dư luận đặt câu hỏi, CEO Phạm Văn Tam xoay sở thế nào thoát hiểm?

>>> Mời quý độc giả xem video "Tranh cãi quanh chiếc tivi Asanzo made in Việt Nam". Nguồn VTC:
Vi phạm của Asanzo có dấu hiệu hình sự 
Vụ việc liên quan đến Asanzo lại nóng lên khi ngày 23/10, Cục Thuế TP HCM đã ký quyết định chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính có dấu hiệu tội phạm để truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi trốn thuế đối với Công ty CP tập đoàn Asanzo cho Công an TP HCM và Bộ Công an.
Cơ quan thuế cho biết, các hồ sơ liên quan thể hiện Asanzo thành lập hàng chục công ty liên kết do gia đình và nhân viên của Asanzo đứng tên (nay đã bỏ địa chỉ kinh doanh) để các đơn vị này nhập hàng về bán lại cho Asanzo.
Asanzo mua linh kiện điện lạnh từ các công ty liên kết rồi thuê gia công lại một phần, lắp ráp thành phẩm, dán tem Asanzo và bán cho doanh nghiệp cũng thuộc tập đoàn Asanzo. Mặt khác, Asanzo mua linh kiện nhưng lại ghi nội dung hóa đơn là mặt hàng thành phẩm để không khai thuế tiêu thụ đặc biệt; sau đó bán hàng thành phẩm không xuất hóa đơn…
Do vậy, Cục Thuế TP HCM đã ký quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế 26,3 tỷ đồng (gồm phạt về hành vi khai sai 4,9 tỷ đồng, phạt 1,5 lần về hành vi không xuất hóa đơn là 6,3 tỷ đồng, phạt 1,5 lần thuế tiêu thụ đặc biệt là 14,6 tỷ đồng); truy thu thuế 40,5 tỷ đồng và tiền chậm nộp thuế 1,6 tỷ đồng đối với Asanzo. Tổng số tiền phạt, truy thu, chậm nộp của Asanzo là 68 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Cục Thuế TPHCM cho biết do vi phạm của Asanzo có dấu hiệu hình sự nên sau khi chuyển hồ sơ cho công an khởi tố vụ án, cơ quan thuế sẽ rút lại phần quyết định xử phạt vi phạm hành chính số tiền 26,3 tỷ đồng, để bảo đảm một hành vi vi phạm không bị xử phạt 2 lần (vừa hành chính, vừa hình sự).
Liên quan thông tin trên, trao đổi với báo chí, Chủ tịch Asanzo Phạm Văn Tam cho biết đây chưa phải kết luận cuối cùng và doanh nghiệp này đang khiếu nại một số khoản trong báo cáo của cơ quan thuế.
Trước thông tin Asanzo có dấu hiệu trốn thuế trên, dư luận đặt câu hỏi CEO Phạm Văn Tam xoay sở thế nào thoát hiểm?
Asanzo co dau hieu tron thue: CEO Pham Van Tam xoay so the nao thoat hiem?
Cục Thuế TP HCM cho rằng Asanzo có dấu hiệu trốn thuế và chuyển hồ sơ vụ vi phạm hành chính về thuế của doanh nghiệp này sang Công an TP HCM và Bộ Công an.  
Nếu khởi tố pháp nhân thương mại sẽ không có án phạt tù
Luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho rằng, trốn thuế là hành vi vi phạm pháp luật của cá nhân, pháp nhân khi cố ý không thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước theo quy định của pháp luật.
Liên quan thông tin trên, bước đầu, về hóa đơn, Cục Thuế TP HCM khẳng định Asanzo đã có vi phạm khi bán hàng, cung cấp dịch vụ mà không xuất hóa đơn, có sử dụng bất hợp pháp hóa đơn (hóa đơn đầu vào có nội dung được ghi không có thực, hóa đơn ghi mặt hàng điều hòa nhiệt độ nhưng nội dung thực là linh kiện máy điều hòa).
Doanh nghiệp này được xác định đã không ghi chép trong sổ sách kế toán mặt hàng linh kiện điều hòa nhiệt độ mua từ một số doanh nghiệp khác về gia công, sản xuất một phần và lắp ráp thành phẩm là mặt hàng điều hòa nhiệt độ (công suất từ 90.000 BTU trở xuống, có dán tem Asanzo, bao bì ghi nhãn hiệu Asanzo).
Các sản phẩm sau đó được bán cho các doanh nghiệp thuộc hệ thống Asanzo, đồng thời sử dụng hóa đơn đầu vào có nội dung ghi là điều hòa nhiệt độ không đúng với thực tế là linh kiện điều hòa nhiệt độ để hạch toán đầu vào, từ đó không khai thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp.
Tuy nhiên, luật sư Bình cho rằng, đây chỉ là nhận định ban đầu của Cục thuế TP. HCM. Mọi vấn đề cần phải được điều tra, truy tố và xét xử theo quy định của pháp luật.
Asanzo co dau hieu tron thue: CEO Pham Van Tam xoay so the nao thoat hiem?-Hinh-2
 Luật sư Diệp Năng Bình.
Luật sư Diệp Năng Bình dẫn giải cơ sở pháp lý quy định trách nhiệm hình sự đối với tội trốn thuế là Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 và cho rằng, nếu khởi tố với pháp nhân thương mại thì sẽ không có án phạt tù.
Cụ thể, Pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều này, thì bị phạt như sau:
Thực hiện một trong các hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trốn thuế với số tiền từ 200.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng hoặc từ 100.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 188, 189, 190, 191, 192, 193, 194, 195 và 196 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 300.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại các điểm a, b, d và đ khoản 2 Điều này, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều này, thì bị phạt tiền từ 3.000.000.000 đồng đến 10.000.000.000 đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 06 tháng đến 03 năm;
Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn; Đình chỉ hoạt động vĩnh viễn là chấm dứt hoạt động của pháp nhân thương mại trong một hoặc một số lĩnh vực mà pháp nhân thương mại phạm tội gây thiệt hại hoặc có khả năng thực tế gây thiệt hại đến tính mạng của nhiều người, gây sự cố môi trường hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội và không có khả năng khắc phục hậu quả gây ra. Pháp nhân thương mại được thành lập chỉ để thực hiện tội phạm thì bị đình chỉ vĩnh viễn toàn bộ hoạt động.
Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 01 năm đến 03 năm.
Có thể sẽ bị xử lý hình sự nếu trốn thuế
Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, theo quy định của pháp luật thì cơ quan thuế có trách nhiệm quản lý, thu thuế và xử lý các trường hợp vi phạm quy định về kê khai, nộp thuế. Trong trường hợp phát hiện có doanh nghiệp đã vi phạm về việc kê khai thuế, nộp thuế ở mức độ vi phạm hành chính thì cơ quan thuế có quyền áp dụng các chế tài hành chính để xử phạt, truy thu.
Trong trường hợp quá trình kiểm tra, thanh tra phát hiện có tổ chức, cá nhân đã có hành vi trốn thuế đến mức có thể truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan thuế có trách nhiệm phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để xem xét xử lý theo quy định pháp luật.
“Trong vụ việc đối với doanh nghiệp Asanzo, thời gian vừa qua các cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều sai phạm trong kinh doanh và kê khai nộp thuế của doanh nghiệp này. Qua các thông tin, tài liệu mà cục thuế thành phố Hồ Chí Minh thu thập được thì cơ quan này cho rằng hành vi vi phạm quy định về thuế của ASanzo có dấu hiệu hình sự nên đã kiến nghị cơ quan điều tra vào cuộc xác minh làm rõ và xử lý theo quy định pháp luật”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Asanzo co dau hieu tron thue: CEO Pham Van Tam xoay so the nao thoat hiem?-Hinh-3
 Luật sư Đặng Văn Cường.
Luật sư Đặng Văn Cường cho rằng, theo quy định của pháp luật thì tội trốn thuế có thể áp dụng chế tài hình sự đối với cả cá nhân và doanh nghiệp. Bởi vậy, nếu lãnh đạo công ty này và doanh nghiệp vi phạm quy định thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1, điều 200 bộ luật hình sự thì doanh nghiệp và cá nhân sẽ bị xử lý hình sự về tội trốn thuế.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì hành vi trốn thuế đến mức phải xử lý hình sự là hành vi của cá nhân, doanh nghiệp thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Không nộp hồ sơ đăng ký thuế; không nộp hồ sơ khai thuế; nộp hồ sơ khai thuế sau 90 ngày kể từ ngày hết hạn nộp hồ sơ khai thuế hoặc hết thời hạn gia hạn nộp hồ sơ khai thuế theo quy định của pháp luật; Không ghi chép trong sổ kế toán các khoản thu liên quan đến việc xác định số tiền thuế phải nộp;
Không xuất hóa đơn khi bán hàng hóa, dịch vụ hoặc ghi giá trị trên hóa đơn bán hàng thấp hơn giá trị thanh toán thực tế của hàng hóa, dịch vụ đã bán;
Sử dụng hóa đơn, chứng từ không hợp pháp để hạch toán hàng hóa, nguyên liệu đầu vào trong hoạt động phát sinh nghĩa vụ thuế làm giảm số tiền thuế phải nộp hoặc làm tăng số tiền thuế được miễn, số tiền thuế được giảm hoặc tăng số tiền thuế được khấu trừ, số tiền thuế được hoàn; Sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp, số tiền thuế được hoàn;
Khai sai với thực tế hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu mà không khai bổ sung hồ sơ khai thuế sau khi hàng hóa đã được thông quan, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này; Cố ý không kê khai hoặc khai sai về thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này;
Câu kết với người gửi hàng để nhập khẩu hàng hóa, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 188 và Điều 189 của Bộ luật này; Sử dụng hàng hóa thuộc đối tượng không chịu thuế, miễn thuế, xét miễn thuế không đúng mục đích quy định mà không khai báo việc chuyển đổi mục đích sử dụng với cơ quan quản lý thuế.
Như vậy, để khởi tố vụ án, khởi tố bị can về tội trốn thuế theo quy định tại điều 200 bộ luật hình sự thì cơ quan điều tra cần chứng minh cá nhân hoặc doanh nghiệp này đã thực hiện một trong các hành vi vi phạm nêu trên. Nếu có căn cứ theo quy định nêu trên thì sẽ khởi tố vụ án, khởi tố bị can và xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật, thực hiện hành vi trốn thuế.

Video Kết luận thanh tra về vụ Asanzo trốn thuế tiền tỷ nhiều năm - Nguồn: Kênh Tin nóng hàng ngày


Hải Ninh

>> xem thêm

Bình luận(0)