Khởi tố vụ án tội chống người thi hành công vụ và sẽ xử lý án điểm
Thông tin mới nhất liên quan vụ việc Chủ tịch UBND phường Nhị Châu (TP Hải Dương, tỉnh Hải Dương) bị một đối tượng cầm dao lao đến dí vào cổ khi đi tuyên truyền phòng, chống dịch COVID-19, chiều ngày 5/4, trao đổi với PV Kiến Thức, Thượng tá Nguyễn Tuấn Hưng, Trưởng Công an TP Hải Dương cho biết, đơn vị đã khởi tố vụ án chống người thi hành công vụ, khởi tố bị can và tạm giữ đối tượng Trần Xuân Sơn (SN 1981, trú tại khu 3, phường Nhị Châu) 60 ngày để điều tra về hành vi trên.
“Công an TP Hải Dương đã mời Viện kiểm sát nhân dân TP và tòa án để thống nhất quan điểm xử lý. Đơn vị cũng xác định đây là vụ án điểm cần tập trung xử lý và đưa ra xét xử sớm”, Thượng tá Nguyễn Tuấn Hưng cho biết.
Trước đó, vào khoảng 8h30 phút ngày 5/4, tổ công tác của UBND phường Nhị Châu, TP Hải Dương (tỉnh Hải Dương) tổ chức tuyên truyền các biện pháp phòng dịch COVID-19 đến các hộ dân và những người bán hàng rong trên địa bàn.
|
Đối tượng Trần Xuân Sơn tại cơ quan công an. |
Qúa trình làm nhiệm vụ, tổ công tác đã yêu cầu bà Trần Thị Cánh (SN 1957, có HKTT trú tại khu 3, phường Nhị Châu) bán hàng đảm bảo vệ sinh, bày bán đúng nơi quy định và bà Cánh đã nghiêm túc chấp hành.
Khi tổ công tác đang tiếp tục thực hiện nhiệm vụ, đối tượng Trần Xuân Sơn (SN 1981), là con trai bà Cánh đi đến chửi bới rồi bất ngờ cầm dao bầu dài 30cm dí vào cổ và khống chế ông Đoàn Văn Thuận, Chủ tịch UBND phường Nhị Châu, là thành viên đoàn công tác.
Ngay lập tức, Trung tá Nguyễn Công Thành – Trưởng Công an phường đã lao vào khống chế đối tượng. Được sự giúp đỡ của người dân, đối tượng đã bị bắt giữ. Theo hồ sơ của Cơ quan Công an, Sơn là đối tượng nghiện, có 2 tiền án về tội mua bán và tàng trữ trái phép chất ma túy.
Chủ tịch phường Nhị Châu nói gì về thời điểm bị đối tượng dí dao vào cổ
Kể lại sự việc với PV Kiến Thức, Chủ tịch UBND phường Nhị Châu Đoàn Văn Thuận cho biết, vào sáng 5/4, khi đang tuyên truyền các biện pháp phòng dịch COVID-19 đến các hộ dân và những người bán hàng rong tại ngã ba chợ, khu 2, phường Nhị Châu. Tại đây, phát hiện bà Trần Thị Cánh bán thịt dù là mặt hàng nhu yếu phẩm nên không cấm nhưng do bà Cánh bày ra lòng đường vỉa hè nên tổ công tác tiến hành nhắc nhở và người bán hàng này đã chấp hành.
“Khi tôi đang tuyên truyền người dân chấp hành quy định, đối tượng Sơn (con trai bà Cánh) cầm dao lao về phía tôi. Một tay đối tượng túm cổ áo, một tay dí dao vào cổ rất manh động. Rất may khi đó anh Thành, trưởng công an phường đứng bên cạnh nên đã kịp đẩy đối tượng ra. Đối tượng này còn định lao vào đâm anh Thành nhưng khi đó lực lượng ập vào khống chế đối tượng. Hành vi của đối tượng là rất nguy hiểm”, ông Đoàn Văn Thuận cho biết.
Chủ tịch UBND phường Nhị Châu Đoàn Văn Thuận cho biết, phường sẽ tiếp tục kiểm tra và yêu cầu người dân chấp hành nghiêm các quy định phòng chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, của tỉnh và của thành phố, đồng thời sẽ tiếp tục xử lý nghiêm những hành vi vi phạm.
Ngoài chống người thi hành công vụ còn có dấu hiệu tội gì?
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của đối tượng Sơn khi dí dao vào cổ Chủ tịch UBND phường Nhị Châu khi cán bộ này đi tuyên truyền phòng chống dịch COVID- 19 là hành vi có tính chất côn đồ ở, manh động và đe dọa nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ.
“Hành vi này có dấu hiệu tội phạm của tội đe dọa giết người hoặc tội chống người thi hành công vụ. Cần phải làm rõ hành vi để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật”, Luật sư Cường nhận định.
Luật sư Cường cho rằng, Cơ quan điều tra sẽ xác minh làm rõ loại dao mà đối tượng này sử dụng là dao gì, khả năng sát thương ra sao, vị trí dao dí vào đâu, tư thế như thế nào, kèm theo việc dí dao vào cổ nạn nhân thì đối tượng còn có những lời nói, thái độ như thế nào? Hành vi, thái độ của đối tượng này có thể hiện rõ hành vi đe dọa giết người hay không? Nếu có hành vi đe dọa giết người thì thái độ, tâm lý của người bị hại ra sao? Hành vi của đối tượng có khiến người bị hại có sợ hãi đến mức lo sợ tính mạng của mình bị tước đoạt hay không?
|
Luật sư Đặng Văn Cường. |
Nếu đối tượng này có hành vi đe dọa giết người và người bị hại sợ hãi về việc mình có thể bị sát hại, có thể xử lý hình sự đối tượng này về Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật hình sự.
Theo quy định của pháp luật, hành vi của đối tượng không có mục đích giết người nhưng đe dọa có thể giết người, hành vi đe dọa đó, thể hiện bằng vũ lực, hung khí với thái độ hung hãn, ngông cuồng, côn đồ khiến người bị hại sợ hãi, lo sợ là tính mạng của mình có thể bị đe dọa gây tổn hại đến tâm lý và sức khỏe.
Đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng đe dọa đến tính mạng, sức khỏe của công dân. Mặc dù đối tượng chưa thực hiện hành vi giết người, chưa xâm hại đến tính mạng của nạn nhân nhưng hành vi có tính chất đe dọa và nỗi sợ hãi bị tước đoạt tính mạng đối với nạn nhân là đã xảy ra, hành vi này là nguy hiểm cho xã hội và sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 133 bộ luật hình sự nêu trên.
Luật sư Cường cho rằng, để có căn cứ xử lý về tội danh này, cơ quan điều tra sẽ làm rõ về hành vi và thái độ, nhận thức của hai bên. Trong trường hợp đủ căn cứ để xử lý về tội đe dọa giết người thì sẽ truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này về tội đe dọa giết người. Nếu hành vi của đối tượng này thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm của tội đe dọa giết người, đối tượng này sẽ phải đối mặt với mức hình phạt là cải tạo không gian giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Trong trường hợp hành vi khách quan và ý thức chủ quan chưa đủ căn cứ chứng minh hành vi đe dọa giết người, nạn nhân không sợ hãi đến mức nghĩ rằng tính mạng của mình bị xâm hại... vẫn đủ căn cứ để truy cứu trách nhiệm hình sự đối tượng này về Tội chống người thi hành công vụ, tội danh và hình phạt được quy định tại điều 330 tội chống người thi hành công vụ.
Cụ thể điều 330 quy định rõ: Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc dùng thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ thực hiện công vụ của họ hoặc ép buộc họ thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Xúi giục, lôi kéo, kích động người khác phạm tội; Gây thiệt hại về tài sản 50.000.000 đồng trở lên; Tái phạm nguy hiểm.
Qua vụ việc trên, Luật sư Đặng Văn Cường nêu thêm ý kiến, hiện cả nước đang ra sức thực hiện các biện pháp để phòng và chống loại dịch bệnh dịch nguy hiểm do COVID-19, nhiều cá nhân tổ chức đã phải hy sinh quyền lợi của mình, mấy chục triệu người dân Việt Nam chấp nhận ở trong nhà 2 tuần để giãn cách xã hội, phòng chống dịch bệnh. Cả hệ thống chính trị vào cuộc tích cực tuyên truyền để cho người dân chấp hành, thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh đã đưa ra.
Phần lớn người dân nhận thức được vai trò trách nhiệm của mình trong việc phòng chống dịch bệnh, tuân thủ các yêu cầu của cơ quan chức năng.
Tuy nhiên có một số đối tượng như đối tượng này lại có tư tưởng, hành vi chống đối gây khó khăn cho người thi hành công vụ, cản trở hoạt động phòng chống dịch bệnh ở thời điểm nhạy cảm, phức tạp như giai đoạn hiện nay.
Bởi vậy, cơ quan chức năng cần phải quyết liệt, xử lý nghiêm minh đối với những hành vi vi phạm chống đối như thế này để răn đe phòng ngừa chung cho xã hội, đảm bảo thực hiện tốt nhất hoạt động phòng chống dịch bệnh trong giai đoạn hiện nay.
>>> Mời độc giả xem video Chủ tịch Hà Nội: Sẽ xử phạt người ra đường không đúng nhiệm vụ