654 trường hợp đưa tin sai sự thật dịch Covid 19, có cả KOL
Trước tình hình dịch bệnh Covid 19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã chính thức bước vào giai đoạn 2 của cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 (bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra). Đảng, nhà nước và nhân dân luôn đồng lòng với một quyết tâm là đẩy lùi dịch bệnh COVID-19.
Tuy nhiên, lợi dụng tình hình của dịch bệnh COVID-19, các thế lực thù địch, phản động, các đối tượng bất mãn chính trị trong và ngoài nước đã lợi dụng phát tán trên không gian mạng nhiều thông tin sai sự thật, xuyên tạc tình hình dịch bệnh và công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Bộ Y tế và các bộ, ngành, địa phương trong nỗ lực phòng, chống dịch bệnh; kích động người dân đình công, ngừng buôn bán, tích trữ lương thực, thực phẩm...
Mục đích của các đối tượng này là nhằm gây hoang mang, lo sợ trong quần chúng nhân dân, tạo ra tình trạng bất ổn, chia rẽ trong nội bộ, tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm mất ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Điển hình là việc các đối tượng phản động, chống đối đã xuyên tạc “bệnh nhân thứ 17 – Nguyễn Hồng Nhung chỉ là “con dê tế thần” để giúp Chính phủ Việt Nam nhận tiền tài trợ từ nước ngoài, hợp thức hóa cho việc bùng phát bệnh dịch không phải do người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam gây ra”. Tung tin bịa đặt số người bị nhiễm bệnh lên tới gần 500 người, ở 12 tỉnh, thành phố và hàng chục người đã tử vong vì nhiễm COVID-19 tại Việt Nam…
|
Hình ảnh Facebook của đối tượng Nguyễn Thị Vân đưa thông tin xuyên tạc, bịa đặt trên mạng xã hội.
|
Bên cạnh đó, nhiều đối tượng cũng đã lợi dụng tình hình dịch bệnh để tung tin thất thiệt hoặc đưa những thông tin thiếu tính xác thực, chưa được kiểm chứng, phỏng đoán theo quan điểm, nhận thức cá nhân nhằm câu view, câu like, gây hoang mang trong dư luận xã hội.
Ví dụ như việc, các đối tượng đã tung tin sai lệch việc bệnh nhân thứ 17 nhiễm dịch bệnh COVID-19 Nguyễn Hồng Nhung tham dự khai trương hãng thời trang Uniqlo tại phố Phạm Ngọc Thạch, TP Hà Nội (nhưng thực chất bệnh nhân đã được cách ly từ ngày hôm trước); xuyên tạc chính quyền đã chuẩn bị lò hỏa thiêu cho các địa phương; các tuyến phố ở Thành phố Hồ Chí Minh bị cách ly, cô lập hoàn toàn; hình ảnh chụp lại màn hình từ của một tài khoản Facebook được cho là của cô gái nhiễm bệnh với dòng trạng thái: “Bệnh tình rất yếu, suy kiệt sức khỏe và xin lỗi người dân cả nước”…
Mới đây, mạng xã hội cũng lan truyền nhiều thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21 (tên N.Q.T, trú tại Ba Đình, TP Hà Nội), bịa đặt, xuyên tạc bệnh nhân này có “bồ nhí, con riêng”, khai báo y tế không trung thực…, thu hút hàng trăm nghìn lượt chia sẻ, bình luận.
Ngày 13/3, Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Bộ Công an đã phối hợp Công an TP Hà Nội và các đơn vị chức năng nhanh chóng vào cuộc, xác minh, đấu tranh xử lý một số đối tượng đã đăng tải, chia sẻ những thông tin thất thiệt về bệnh nhân số 21. Điển hình như Võ Thị Thanh Thủy (SN 1986, trú tại quận Bắc Từ Liêm, TP Hà Nội), Doãn Thị Kim Phượng (SN 1958, trú tại quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội) và Nguyễn Thị Vân (SN 1994, trú tại Đông Anh, TP Hà Nội)…
Tại cơ quan Công an, các đối tượng khai nhận do thiếu hiểu biết nên đã sử dụng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, chia sẻ những thông tin suy diễn, thất thiệt nêu trên, làm ảnh hưởng đến danh dự, uy tín của ông N.Q.T. Các đối tượng trên đã thừa nhận hành vi vi phạm pháp luật của mình, xin gỡ bỏ bài viết trên Facebook cá nhân và cam kết không tái phạm.
Theo thống kê của lực lượng Công an, từ khi xuất hiện dịch bệnh COVID-19 đến nay, trên không gian mạng đã có gần 300.000 tin, bài đăng trên các trang thông tin điện tử, blog, diễn đàn; gần 600.000 tin, bài, video clip liên quan đến dịch bệnh đã đăng trên mạng xã hội. Trong đó có rất nhiều tin, bài có nội dung chưa được kiểm chứng, xuyên tạc, sai sự thật, thu hút hàng triệu lượt bình luận, chia sẻ.
Đến nay, công an các đơn vị, địa phương trong cả nước đến nay đã xác minh, làm việc với 654 trường hợp đưa tin sai sự thật; xử phạt vi phạm hành chính hơn 146 đối tượng. Các trường hợp sai phạm, sau khi được cơ quan Công an làm việc, phân tích đã nhận thức được hành vi vi phạm của bản thân, tự gỡ bỏ các thông tin sai sự thật và cam kết không tái phạm; trong đó có cả những KOL (người có ảnh hưởng lớn trong xã hội).
Cần tỉnh táo giữa “ma trận” tin giả liên quan dịch bệnh
Trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Nguyễn Thế Truyền - Công ty luật Thiên Thanh cho rằng, công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội.Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định theo điều 25 Luật hiến pháp 2013. Đây là quyền hiến định, pháp luật đã trao cho mỗi công dân quyền được tự do phát ngôn, thể hiện quan điểm của mình một cách công khai.
Tuy nhiên, không được xâm phạm quyền con người, quyền công dân của người khác, lợi ích của quốc gia của xã hộivà điều này cũng được quy định tại khoản 4 Điều 15 Luật Hiến pháp 2013: “Việc thực hiện quyền con người, quyền công dân không được xâm phạm lợi ích quốc gia, dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác”.
Không những thế, quyền này còn được cụ thể hóa trong nhiều đạo luật như Luật Báo chí (2016), Luật Tiếp cận thông tin (2016),Luật An ninh mạng (2018). Nghị định 72/2013/NĐ-CP, ngày 15/7/2013 của Chính phủ về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng.
Khoản 1, điều 11 quy định về những hành vi bị cấm tại Luật Tiếp cận thông tin như sau: “Cố ý cung cấp thông tin sai lệch, không đầy đủ, trì hoãn việc cung cấp thông tin; hủy hoại thông tin; làm giả thông tin.”
Điểm d, khoản 1, điều 08, Luật An ninh mạng quy định về các hành vi bị nghiêm cấm về an ninh mạng cũng quy định : “Thông tin sai sự thật gây hoang mang trong Nhân dân, gây thiệt hại cho hoạt động kinh tế - xã hội, gây khó khăn cho hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc người thi hành công vụ, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác”.
“Có thể thấy, trong thời đại công nghệ internet, chỉ cần một cú “click” hay “enter” “chạm, vuốt”, mọi quan điểm, ý kiến, thông tin về một sự kiện nào đó đều được lan truyền với tốc độ chóng mặt, trên diện rộng, khó kiểm soát. Việc đưa ra thông tin sai lệch, gây hoang mang trong dư luận đây là việc không hề mới, đã có rất nhiều trường hợp khi bị đưa tin đồn lên mạng xã hội gây ra hậu quả rất đáng tiếc như nạn nhân tự tử; tâm thần do quá phẫn uất với các tin đồn”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho hay.
|
Luật sư Nguyễn Thế Truyền. |
Theo luật sư Truyền, cụm từ “thông tin sai sự thật” có thể hiểu là việc nội dung thông tin chưa được kiểm chứng hay là nội dung thông tin đã được kiểm chứng nhưng bị biến tướng. Cố ý cung cấp thông tin sai lệch có được hiểu là hành vi đưa ra thông tin không đúng sự thật.
“Quyền tự do ngôn luận của mỗi người không phủ nhận việc người đó phải chịu trách nhiệm cho những gì mà họ phát ngôn”, Luật sư Truyền nói.
Nói về trách nhiệm công dân, luật sư Truyền cho rằng, nhu cầu trao đổi thông tin là nhu cầu thiết yếu của mỗi con người, và trong bất cứ hệ thông pháp luật nào thì nhu cầu này luôn được bảo đảm, đề cao nhất.
Tuy nhiên, như ngày xưa khi còn chưa có mạng internet trong môi trường truyền thống thuần túy chắc mọi người đều biết thành ngữ “uốn lưỡi bảy lần trước khi nói” để nhắc nhở mọi người luôn cẩn trọng trong lời ăn, tiếng nói, tránh làm tổn thương người khác, với thời gian uốn lưỡi tới 7 lần đủ để tư duy về nội dung cần nói, cách dùng từ và thời điểm phù hợp cho những quan điểm, thông tin đạt hiệu quả cao nhất.
“Quyền luôn đi đôi với nghĩa vụ, khi quyền của của người dân càng lớn thì nghĩa vụ tuân thủ càng cao. Đây là nguyên tắc cơ bản buộc phải tuân thủ để hưởng lợi từ những quyền năng pháp lý đã được hiến định.
Do vậy, trách nhiệm tự mình phải kiểm chứng các thông tin mà mình được tiếp cận trước khi chia sẻ lên mạng xã hội hay công khai cho những người khác biết. Cuối cùng phải nắm bắt được quy định pháp luật điều chỉnh về các thông tin mình dự định đưa lên mạng để có thể tự bảo vệ mình”, Luật sư Nguyễn Thế Truyền nêu ý kiến.
Nói về việc đưa thông tin không chính xác, sai sự thật, thất thiệt lên mạng xã hội phải đối mặt với những hình phạt nào, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho biết, hiện Nghị định số 174/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghê thông tin, tần số vô tuyến đang có hiệu lực.
Thời gian qua, dịch Covid 19 đang bùng phát trên toàn diện rộng, trên mạng xã hội có nhiều facebooker chia sẻ các thông tin không đúng sự thật, bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính cụ thể tại điểm a,b khoản 03 Điều 64 Nghị định 174 như sau : “Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Cung cấp nội dung thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp nội dung thông tin không phù hợp với lợi ích đất nước;”
Mức phạt tiền tại quy định trên là của tổ chức, đối với cá nhân là bằng ½ mức phạt của tổ chức và hình phạt bổ sung là tịch thu tang vật và phương tiện vi phạm.
Sắp tới sẽ có nghị định số 15/2020/NĐ- CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử ( hiệu lực ngày 15/4/2020) được ban hành để thay thế nghị định trên. Cụ thể tại khoản 1, Điều 101 quy định như sau “1. Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi lợi dụng mạng xã hội để thực hiện một trong các hành vi sau:
a) Cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân;
b) Cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
c) Cung cấp, chia sẻ thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
d) Cung cấp, chia sẻ thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc;”
Có thể thấy, mặc dù mức phạt tiền tại nghị định 15/2020 có thể ít hơn mức phạt tiền của nghị định số 174/2013 nhưng quy định về hành vi vi phạm được chi tiết hóa, cụ thể và rõ ràng hơn. Không chỉ vậy biện pháp khắc phục hậu quả của nghị định 15/2020 ,buộc gỡ bỏ thông tin sau sự thật hoặc gây nhầm lẫn hoặc thông tin vi phạm pháp luật cụ thể hợn so với nghị định số 174/2013 tịch thu phương tiện.
Qua những vụ việc trên, Luật sư Nguyễn Thế Truyền cho rằng, người dân cần tiếp cận thông tin có chọn lọc từ những nguồn chính thống, các khuyến cáo của Bộ Y tế (trên báo chí, cổng thông tin chính thức về dịch bệnh Covid 19 của Bộ Y tế hay các tin nhắn của Bộ Y tế...).
Việc tiếp cận các thông tin phải thật bình tĩnh xem xét, tránh các thông tin giả mạo gây hoang mang dư luận. Người dân cần xem xét tính xác thực thông tin, không nên nóng vôi, cân nhắc, xem xét có nên đăng tải thông tin tại thời điểm này hay không? Có thể đưa thông tin khi đã được xác thực từ các cơ quan truyền thông có uy tín. Tìm hiểu xem trách nhiệm của mình khi đưa ra các thông tin này (Có bị xử phạt hay không? Có gây hoang mang trong dư luận không?...)
Từ những sự việc đưa thông tin giả mạo, thất thiệt liên quan dịch bệnh Covid 19 thời gian qua,dù bất kỳ mục đích nào thì việc đưa thông tin không chính xác sẽ tác động không tốt đến dư luận thậm chia tác động đến hiệu quả của phòng chống dịch bệnh. Đây là trách nhiệm của mỗi công dân. Hành vi đưa thông tin sai về dịch bệnh cần được xử lý nghiêm để đảm bảo cho công tác phòng chống dịch bệnh.
>>> Mời độc giả xem video Toàn cảnh phòng chống dịch COVID-19 ngày 13/3/2020: