Phiên tòa vắng Phiên tòa “tàng trữ trái phép chất ma túy” diễn ra ở hội trường tầng 1 TAND thành phố Huế (Tỉnh Thừa Thiên - Huế) vắng tanh vắng ngắt.
|
Bị cáo tại phiên tòa.
|
Bị cáo Nguyễn Văn Bình (53 tuổi, ngụ tỉnh Hòa Bình) ngồi chơ vơ một mình trong khán phòng rộng thênh thang. Đôi mắt người đàn ông cứ chăm chăm nhìn về một góc sân tòa. Nơi đó, một nhóm người đang túm tụm quanh những xách thức ăn nặng trình trịch.
Họ là người thân của bị cáo trong một vụ án khác, đến tham dự phiên tòa diễn ra trên tầng 4. Chẳng biết có phải vì “nhìn người mà ngẫm đến ta”, mà bị cáo có vẻ mặt buồn như đưa đám.
Trong khi khán phòng ở tầng 4 chen chúc người dự khán, thì khán phòng nơi đây vắng hoe. Bị cáo quê ở Hòa Bình, nên hôm nay ra tòa, chẳng có người thân nào đến dự. Dù biết chắc trong lòng là vậy, nhưng vẫn khiến bị cáo cứ ngồi ngơ ngẩn nhìn ra phía cánh cổng tòa.
Mãi cho đến lúc tiếng chuông báo hiệu bắt đầu phiên tòa, mới khiến bị cáo thu hồi ánh mắt, đôi vai người đàn ông cũng rủ xuống đầy tội nghiệp. Đứng nơi bàn khai, người đàn ông tóc muối tiêu, đầu hói gần hết một nửa tóc, rì rầm khai.
Bị cáo đã li hôn vợ. Bị cáo có 1 con gái, đã lập gia đình. Hiện tại, bị cáo đang sống cùng bố. Mẹ bị cáo đã mất.
Vào đầu năm 2018, lúc đó bị cáo mới ra tù được 2 năm, sau khi chấp hành bản án 8 năm tù về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”, sáng hôm đó bị cáo đến khu vực cầu Cứng thuộc thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, mua của một thanh niên không rõ lai lịch 1 gói ma túy Heroin với giá 1,8 triệu đồng và một gói ma túy đá với giá 700 ngàn đồng để sử dụng.
Sau đó bị cáo cất giấu ma túy vào trong người rồi đón xe về bến xe Nước Ngầm, thành phố Hà Nội. Tại đây, bị cáo tiếp tục đón xe vào Huế để chơi và thăm người thân.
Khi bị cáo vào đến Bến xe Phía Nam thành phố Huế, vừa xuống xe thì bị cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thừa Thiên - Huế phát hiện bắt quả tang đang tàng trữ trái phép 0,4741 gam ma túy Methamphetamine và 1,2870 gam ma túy Heroine.
Tổng khối lượng số ma túy mà bị cáo tàng trữ là 1,7611 gam nhằm mục đích sử dụng. Tòa hỏi bị cáo vào Huế làm gì? Bị cáo nói vào Huế thăm người thân.
Người thân của bị cáo ở huyện Phong Điền. Nhưng vì xe chạy vào bến phía Nam nên bị cáo mới xuống ở trung tâm thành phố. Bị cáo chỉ cầm tờ giấy ghi địa chỉ người thân do cha bị cáo viết cho. Đây là lần đầu bị cáo vào Huế thăm người, nên không rành đường.
“Bị cáo đi thăm người thân, vậy mang theo ma túy vào Huế để làm gì?”. “Dạ bị cáo mang theo để sử dụng”. “Bị cáo có biết tàng trữ ma túy là phạm pháp không?”. “Dạ biết”. “Biết sao bị cáo còn tàng trữ?”. “Dạ tại bị cáo nghiện”.
“Hiện nay bị cáo vẫn còn nghiện?”. Bị cáo gật đầu, sau đó lại lắc đầu. “Bị cáo đã cai nghiện được chưa?”, tòa hỏi lại. Bị cáo vội vã trả lời: “Dạ giờ hết nghiện rồi”.
Lầm lỗi “trải dài từ thanh niên đến trung niên”
Bị cáo Bình từng có “thâm niên” hơn 15 năm ngồi tù. Thời tuổi trẻ, khi mới bước qua tuổi đôi mươi, bị cáo từng bị TAND thị xã Hòa Bình xử phạt 15 tháng tù về tội “trộm cắp tài sản”.
Sau khi mãn hạn, bị cáo tiếp tục bị bắt vì tội “Trộm cắp tài sản”, nhưng không có hình thức xử lý. Năm 1989, lúc đó bị cáo 24 tuổi thì bị TAND tỉnh Hà Sơn Bình xử phạt 5 năm tù về tội “Phá hủy công trình, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia”.
Năm 1993, bị cáo tiếp tục bị xử phạt 18 tháng tù về tội “trốn khỏi nơi giam giữ”. Đến năm 2010, sau một thời gian dài “tu tỉnh” làm ăn, bị cáo lại quay về với trại giam với bản án 8 năm tù vì tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Năm 2016, bị cáo chấp hành xong bản án do cải tạo tốt nên được mãn hạn tù trước 2 năm. Trở về nhà sau nhiều năm ngồi tù, những tưởng người đàn ông mang trên đầu hai thứ tóc có thể tỉnh ngộ để sống nốt phần đời còn lại một cách đàng hoàng.
Nhưng ngựa vốn luôn quen đường cũ. Bị cáo đã sa vào con đường nghiện ngập thì chẳng thể nào thoát ra. Sau hai năm sống yên ổn bên người cha già quanh năm đau ốm, cuối cùng bị cáo vẫn quay lại con đường phạm pháp khi không thể cai được ma túy.
Vị hội thẩm hỏi bị cáo: “Bị cáo năm nay bao nhiêu tuổi?”. “Bị cáo 53 tuổi”. “Bị cáo đã nhiều tuổi như thế, trên đầu tóc cũng đã bạc. Bị cáo nghĩ thế nào mà lại tiếp tục vi phạm pháp luật? Tuổi của bị cáo, người ta đã lên chức ông ngoại ông nội rồi.
Con bị cáo sinh năm 1991, cũng đã lập gia đình, bị cáo cũng đã lên chức ông ngoại. Ở tuổi này rồi, bị cáo còn lầm đường lạc lối, bị cáo không thấy xấu hổ sao? Bị cáo đối diện với cha mẹ, con cháu mình như thế nào đây?”.
Bị cáo cúi đầu lặng yên. Bị cáo Bình “than thở”, đỗ lỗi là do bị vợ bỏ, bị cáo buồn bực trong người nên mới sa chân vào con đường nghiện ngập. Sau đó mẹ bị cáo qua đời, nỗi buồn càng chồng chất thêm, khiến bị cáo chẳng thể “rút chân” ra khỏi những cơn say ma túy.
Vị hội thẩm cho rằng, việc đỗ lỗi cho hoàn cảnh là hành vi của những thanh niên mới lớn. Bị cáo đã quá 50 tuổi rồi, không thể đỗ lỗi cho hoàn cảnh được. Lỗi ở đây chính là do bản thân bị cáo không chấp hành đúng pháp luật.
Bị cáo từng phạm tội rất nhiều lần, trải dài từ thời thanh niên cho đến trung niên. Bị cáo vô tù hết lần này đến lần khác. Lần bị cáo chấp hành án phạt 8 năm tù, được về sớm vì cải tạo tốt, đã nhận thức được hành vi sai trái của mình.
Lẽ ra khi hoàn lương, bị cáo phải sống cho tốt, làm lại cuộc đời. Cả tuổi trẻ của mình, bị cáo đã sống lầm đường lạc lối, chẳng lẽ bị cáo tiếp tục sai lầm đến hết đời? Bắt đầu lại, không bao giờ là quá muộn cả, nếu chúng ta có nghị lực, quyết tâm.
“Sau khi ly hôn, bị cáo sống thế nào?”. Bị cáo sống với bố năm nay 74 tuổi. Bố bị cáo già rồi, lại hay đau ốm. Các anh chị em bị cáo đều lập gia đình, ở xa cả.
Bị cáo đi tù, bố bị cáo ở nhà một mình không ai chăm lo. Mong HĐXX cho bị cáo hưởng mức án thấp nhất, để bị cáo sớm trở về nhà, chăm sóc bố. Bị cáo nói với giọng rầu rĩ.
“Bố gì như vậy, mình vào tù ra tội, gia đình không hạnh phúc. Lẽ ra mình phải nỗ lực để có cuộc sống tốt hơn. Tôi hy vọng đây là lần cuối cùng bị cáo ra đứng ở đây”, vị hội thẩm nói.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Bình 2 năm tù về tội “tàng trữ trái phép chất ma túy”.
Trong lúc ngồi chờ để được dẫn giải về lại trại giam, bị cáo nói thực sự hối hận. Cả tuổi trẻ lầm được lạc lối, chớp mắt một cái mà gần hết đời người, giờ quay đầu nhìn lại, muốn làm lại cuộc đời, mới nhận ra mình già mất rồi.
Gần nửa năm nay ở trong trại giam, điều bị cáo hổ thẹn nhất chính là lời hứa với người bố sắp gần đất xa trời của mình. Năm ra tù, bị cáo đã hứa với bố như đinh đóng cột sẽ sống thật tốt.
Bị cáo li hôn vợ, còn bố thì sống cảnh góa vợ, hai cha con sẽ sống nương tựa vào nhau cho đến hết đời. Vậy mà cuối cùng vẫn không làm được. Lần này bị cáo “ngồi” 2 năm, không biết người cha ở nhà có đời được đến ngày con mãn hạn tù.