Hà Nội giảm 3 điểm ùn tắc giao thông
Theo Sở Giao thông Vận tải Hà Nội, trên địa bàn thành phố có 17 điểm ùn tắc thường xuyên vào giờ cao điểm do rào chắn thi công các dự án, gây thu hẹp lòng đường; 10 điểm do hạ tầng chưa đồng bộ; 10 điểm do quá tải kết cấu hạ tầng.
Nguyên nhân gây ùn tắc được cho là do lưu lượng phương tiện lớn, ý thức tham gia giao thông của người dân chưa cao.
Năm 2022, Hà Nội có tổng số 26 điểm đen tai nạn giao thông. Trong đó có 18 điểm từ đầu năm; 1 điểm phát sinh tại thị trấn Tây Đằng, huyện Ba Vì; 7 điểm phát sinh theo văn bản số 4927/CAHN-CSGT ngày 5.8.2022. Kết quả thực hiện: đã xử lý 23/26 điểm, còn lại 3 điểm đen tai nạn giao thông.
|
Hà Nội có 17 công trường rào đường thi công gây ùn tắc. Ảnh: Phạm Đông
|
Để xử lý tình trạng ùn tắc, thời gian qua lực lượng chức năng đã thực hiện điều chỉnh tổ chức giao thông tại 6/37 điểm ùn tắc giao thông, cụ thể các các nút giao: Trung Văn - Tố Hữu; ngã ba Xa La - Cầu Bươu; Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Lê Văn Lương - Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân; Lãng Yên - đê Nguyễn Khoái.
Kết quả, đến hết tháng 2.2023, liên ngành giao thông vận tải - công an đã xử lý được 3/37 điểm ùn tắc, gồm các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo; Đại La - Trần Đại Nghĩa; Ngã Tư Vọng.
Giải pháp nào để tháo gỡ?
Thông tin với Lao Động, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, tới đây sẽ tiếp tục rà soát, đề xuất giải pháp xử lý các điểm ùn tắc và chủ động phát hiện sớm, xử lý các điểm có nguy cơ ùn tắc giao thông mới phát sinh.
Sở sẽ tiếp tục phối hợp thực hiện công tác điều chỉnh tổ chức giao thông linh hoạt, phù hợp với hiện trạng tổ chức giao thông nhằm cải thiện tình trạng ùn tắc giao thông đảm bảo phù hợp với nguồn lực của thành phố.
Các đơn vị chức năng tiếp tục phối hợp với chủ đầu tư các công trình đang thi công trên địa bàn thành phố tổ chức phân luồng giao thông phù hợp với biện pháp thi công.
|
Người dân cố tình rẽ trái từ Phạm Hùng sang Tôn Thất Thuyết dù có CSGT phân luồng. Ảnh: Phạm Đông
|
Đẩy nhanh tiến độ triển khai nhằm sớm thu hồi các vị trí rào chắn gây thu hẹp lòng đường nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Với dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý nước thải Yên Xá, ông Bảo cho biết sở sẽ phối hợp với chủ đầu tư kiểm tra, rà soát biện pháp thi công để có phương án tổ chức giao thông phù hợp đảm bảo linh hoạt, khoa học, thực tế.
Nhằm đảm bảo hiệu quả của các phương án tổ chức giao thông, Sở Giao thông Vận tải đề nghị Công an thành phố tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Đồng thời đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án nâng cấp trung tâm thông tin chỉ huy và lắp đặt hệ thống camera giám sát, chỉ huy điều hành giao thông phục vụ an ninh trật tự, xử lý vi phạm.
Tiếp tục phối hợp trong công tác rà soát các bất cập tổ chức giao thông, điểm tiềm ẩn, điểm đen tai nạn giao thông và triển khai thực hiện các giải pháp đảm bảo trật tự an toàn giao thông, giảm thiểu ùn tắc giao thông.
Dưới góc độ chuyên gia, ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, với mỗi điểm đen ùn tắc giao thông cần có mô hình mô phỏng giao thông để tìm nguyên nhân rồi đưa ra giải pháp, không thể thông chỗ này, tắc chỗ khác sẽ rất tốn kém tiền của.
Theo ông Liên, các đơn vị chức năng cần có phương án tổ chức, điều tiết, phân luồng giao thông; bố trí lực lượng kịp thời giải tỏa khi xảy ra tai nạn, ùn tắc giao thông, không để phát sinh ùn tắc kéo dài trên các tuyến trục chính ra vào thành phố.
Về lâu dài, ông Liên cho rằng, cần cải tạo hạ tầng, điều chỉnh đèn tín hiệu giao thông; tăng cường lực lượng chốt trực, hướng dẫn điều tiết, xử lý vi phạm thường xuyên trong giờ cao điểm.
Với những nơi điều chỉnh tổ chức giao thông như nút Phạm Hùng - Tôn Thất Thuyết - Nguyễn Hoàng hay Lê Trọng Tấn - Trường Chinh... thì phải phạt nghiêm để người dân tuân thủ hướng đi, tránh tạo thói quen vi phạm của người dân.