Dư luận đang có nhiều ý kiến trái chiều liên quan việc ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty TNHH thoát nước Hà Nội mới đây nêu đề xuất, sẽ xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3/h để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch và điều tiết mực nước hồ Tây với mức khái toán kinh phí khoảng 150 tỷ đồng.
Mục đích của việc xây dựng này nhằm dẫn nước từ sông Hồng qua hệ thống cống ngầm vào Hồ Tây; khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ qua hai cửa xả vào sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm của song Tô Lịch.
Ngoài đề xuất nêu trên, Hà Nội đang thí điểm hai giải pháp làm sạch sông bằng công nghệ Nano-Bioreactor của Nhật Bản và chế phẩm Redoxy3C của Đức.
Tuy nhiên, ngay khi đề xuất trên được đăng tải trên mặt báo, nhiều ý kiến cho rằng, giải pháp trên không mang tính chất khoa học và căn cơ, thậm chí gây lãng phí mà không khả thi khi chỉ pha loãng nước thải tại vị trí đó và đẩy chất thải xuống hạ lưu, cụ thể, chỉ lấy nước sông Hồng vào thì sẽ đẩy ô nhiễm xuống sông Nhuệ, từ sông Nhuệ ra sông Đáy rồi trở lại chính sông Hồng. Trong khi đó, hiện nay, chuyên gia Nhật Bản cho dùng công nghệ miễn phí…
|
TS Kubo Jun - chuyên gia Nhật Bản (Cố vấn kỹ thuật Tổ chức xúc tiến thương mại - môi trường Nhật Bản, Chuyên gia công nghệ máy sục khí công nghệ nano JVE) bước xuống dòng nước đen xì của sông Tô Lịch thí điểm xử lý ô nhiễm. |
Liên quan đề xuất trên, trao đổi với PV Kiến Thức, Luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, giải pháp dùng nước sông Hồng hoặc sông Nhuệ để thau rửa sông Tô Lịch là không đảm bảo tính khả thi, giải pháp này và chi phí đến 150 tỷ đồng thì đó là một giải pháp vô cùng lãng phí.
Luật sư Đặng Văn Cường phân tích, sông Tô Lịch ô nhiễm là chuyện ai cũng biết từ nhiều năm nay. Bảo vệ môi trường là trách nhiệm của nhà nước và cũng là trách nhiệm của mọi người dân. Bởi vậy, nhiều giải pháp cũng đã được đưa ra để xử lý ô nhiễm môi trường ở sông Tô Lịch cũng như các con sông chứa nước thải của Hà Nội và các thành phố lớn hiện nay như dùng các hóa chất, công nghệ nano để xử lý nước thải, thu gom nước thải để xử lý trước khi đưa ra sông...
Tuy nhiên, việc ông Võ Tiến Hùng, Tổng giám đốc công ty TNHH thoát nước Hà Nội đề xuất, sẽ xây dựng trạm bơm công suất 156.000 m3/h để dẫn nước sông Hồng vào sông Tô Lịch là không đảm bảo tính khả thi, giải pháp này và chi phí đến 150 tỷ đồng thì đó là một giải pháp vô cùng lãng phí.
Bởi, thực tế, giải pháp này không làm giảm ô nhiễm môi trường, bản chất không khác gì cách “ném rác thải nhà mình sang nhà hàng xóm”. Đây không phải là xử lý nước thải mà chỉ để đầy nước thải từ nơi này sang đời khác...Biến ô nhiễm môi trường từ nơi này, chuyển sang người khác, rồi nước thải sinh hoạt vẫn tiếp tục chảy ra sông Tô Lịch và sông Tô Lịch vẫn tiếp tục ô nhiễm như trước đây, trong khi các con sông khác lại gánh ô nhiễm từ nguồn sông Tô Lịch chảy ra.
“Vấn đề môi trường là vấn đề toàn cầu, không riêng gì Việt Nam. Rất nhiều quốc gia trên thế giới kinh tế, xã hội phát triển, họ luôn có các giải pháp tích cực, có công nghệ hiện đại để xử lý ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên giải pháp có tính chất khoa học, cơ bản vẫn là thu gom và xử lý nước thải, chất thải trước khi thải ra môi trường...Ngoài ra còn vận dụng các loại công nghệ mới, hiện đại và các loại hóa chất để xử lý nước thải. Chuyện dùng nước để rửa nước sông ô nhiễm là chuyện chưa từng xảy ra ở bất cứ quốc gia nào”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.
Theo ông Cường, hiện Việt Nam đã có Luật môi trường và rất nhiều văn bản hướng dẫn. Ngoài ra, còn có rất nhiều các văn bản hợp tác quốc tế liên quan đến lĩnh vực môi trường như các điều ước, hiệp ước song phương và đa phương.
“Đây là hành lang, công cụ pháp lý quan trọng để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ môi trường và thực hiện các giải pháp bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật và theo các tiêu chuẩn quốc tế... Tại sao chúng ta không vận dụng kinh nghiệm và khoa học của các nước tiên tiến, các quốc gia đã từng thành công trong việc xử lý ô nhiễm môi trường. Trong đó, không thể không kể đến về kinh nghiệm thu gom xử lý nước thải ngay từ đầu nguồn và việc xây dựng các nhà máy, hồ chứa để xử lý nước thải bằng các loại hóa chất, công nghệ hiện đại”, Luật sư Đặng Văn Cường nêu ý kiến.
Luật sư cho rằng, việc dùng nước sông để tẩy rửa dòng sông ô nhiễm bản chất chỉ là hoạt động đẩy chất thải từ nơi này qua nơi khác. Đây chỉ là giải pháp tạm thời, bất đắc dĩ hoặc cũng có thể là giải pháp, suy nghĩ thiển cận trước một vấn đề nóng bỏng của xã hội, giải quyết vấn đề theo cách này chỉ làm ta tăng phạm vi ô nhiễm môi trường.
“Khi nước thải sinh hoạt hàng triệu m3 hàng ngày liên tục thải ra nước sông thì dù sông đó có là nước cất thì cũng sẽ bị ô nhiễm. Vấn đề là phải làm sao phân loại được nước thải, rác thải, thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường để mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh theo hướng phát triển bền vững, bảo vệ môi trường trên cơ sở khoa học, kỹ thuật chứ không phải là giải pháp tức thời, mang tính chất tình thế, gây lãng phí tiền của, thất thoát tài sản của nhà nước”, Luật sư Đặng Văn Cường cho biết.