Theo tài liệu về quá trình phát triển và hiện đại hóa Quân đội Nhân dân Việt Nam của học giả Carlyle A. Thayer (Học viện Quốc phòng Australia), năm 2008, Việt Nam đã có ý định mua tàu ngầm đã qua sử dụng từ Serbia.
Khi Liên bang Serbia và Mongtenegro tan rã vào năm 2006, Serbia đã không còn đường bờ biển, vì vậy, tuy được chia những chiếc tàu ngầm (sau khi chia tách, vũ khí sẽ được chia cho cả 2 quốc gia thành viên liên bang), nhưng thực tế thì không còn cần thiết.
|
Tàu ngầm phi hạt nhân tấn công lớp Heroj.
|
Trong thời gian Liên bang Serbia và Mongtenegro còn tồn tại, lực lượng hải quân quốc gia này sở hữu 10 tàu ngầm lớn, nhỏ thuộc 3 lớp. Trong đó, lớn nhất là lớp Heroj gồm 3 chiếc được đóng trong giai đoạn 1964-1966 dưới thời Liên bang Nam Tư. Tàu có lượng giãn nước toàn tải khi nổi 1.170 tấn, khi lặn là 1.350 tấn, dài 64m, rộng 7,2m, mớn nước 5m, thủy thủ đoàn 55 người.
Heroj trang bị 2 động cơ diesel công suất 1.600 mã lực/chiếc, 2 động cơ điện 1.560 mã lực cho con tàu đạt tốc độ đến 30km/h khi lặn, tầm hoạt động đến 9.700km ở tốc độ 15km/h.
Tàu ngầm lớp Heroj trang bị hệ thống radar trinh sát mặt nước và hệ thống định vị thủy âm, hệ thống chiến tranh điện tử. Về vũ khí, Heroj trang bị 6 ống phóng ngư lôi cỡ 533mm với 10 quả ngư lôi hoặc 20 quả thủy lôi.
|
Tàu ngầm lớp Sava.
|
Tiếp theo là 2 tàu ngầm lớp Sava cũng được đóng dưới thời Liên bang Nam Tư, có lượng giãn nước 960 tấn khi lặn, dài 55,7m, rộng 7,2m, mớn nước 5,1m, thủy thủ đoàn 27 người. Tuy nhỏ hơn Heroj nhưng Sava trang bị hệ thống động lực, hệ thống điện tử và vũ khí tương tự.
Cuối cùng là 5 tàu ngầm mini lớp Una được thiết kế cho hoạt động rải thủy lôi và vận chuyển lực lượng tác chiến đặc biệt của hải quân. Con tàu có lượng giãn nước khi lặn 87,6 tấn, dài 18,82m, rộng 2,7m, thủy thủ đoàn 4 người (chở thêm 6 lính). Tàu trang bị 2 động cơ điện 18kW cho tốc độ 15km/h khi lặn, lặn sâu 120m, mang 4 quả thủy lôi AIM-70 và 4 tàu lặn R-1.
|
Tàu ngầm lớp Una.
|
Học giả Carlyle A. Thayer cho biết rằng, Việt Nam muốn mua 3 tàu ngầm và 3 tàu ngầm mini, tất cả đều đã ngừng hoạt động. Có thể đoán định Việt Nam dự định mua 3 tàu ngầm cỡ lớn Heroj (vì 2 chiếc Sava được giao cho Mongtenegro) và 3 tàu ngầm mini Una.
Dù vậy, thương vụ này đã không thành công, có những nguồn tin cho biết là Serbia đã bán số tàu ngầm này cho Ai Cập. Tuy nhiên, thực tế thì điều này cũng không diễn ra, một chiếc Heroj được đưa vào bảo tàng, 2 chiếc còn lại lần lượt bị tháo dỡ lấy sắt vụn.
Năm 2009, Việt Nam đã chính thức ký hợp đồng mua của Nga 6 tàu ngầm phi hạt nhân tấn công hiện đại Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) trị giá 1,8-2 tỷ USD. Đây là quyết định hợp lý hơn rất nhiều so với việc mua những chiếc tàu ngầm đã lỗi thời của Serbia, chưa kể sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa vì linh kiện các tàu này đã không còn sản xuất.