Uy lực và tiện dụng của pháo binh
Theo phân tích của các chuyên gia quân sự trên trang Defence Talk, kể từ khi con người bắt đầu tiến hành chiến tranh, người ta đã tìm cách để tạo ra các vũ khí gây sát thương lớn nhất cho kẻ thù. Trong các vũ khí thông thường từ xưa đến nay, không có thứ nào cung cấp sự hủy diệt hàng loạt bằng pháo.
Ban đầu pháo là vũ khí bắn đạn lớn nhằm công phá công sự của địch (thường là tường thành lũy hoặc lâu đài) như máy phóng đá Ballista. Những vũ khí hạng nặng này có hiệu quả chống lại pháo đài trong suốt thời trung cổ khi các quân đội đánh nhau trong các trận cận chiến khốc liệt.
Trong pháo binh hiện đại có 3 loại chính là: cối, lựu pháo và súng pháo. Cối là đơn giản nhất bởi chỉ gồm có một nòng và nạp đạn từ miệng. Chúng có nòng trơn và kim hỏa cố định nằm ở tấm đế bên dưới đáy nòng. Nhưng đạn cối nổ được gọi là “bomb” trong khi đạn pháo thông thường nổ gọi là “trái phá”.
|
Pháo cối 81mm của Mỹ. |
Một khác biệt của súng cối là chúng sở hữu một góc bắn dốc từ 45 đến 85 độ. Ở góc 85 độ, nòng súng cối gần như thẳng đứng để bắn ở những cự ly rất gần. Đạn cối thường có vỏ mỏng hơn so với đạn pháo thường do sơ tốc đầu đạn thấp và không có rãnh xoắn. Điều này cho phép quả đạn được làm đầy bằng một khối lượng thuốc lớn hơn.
Chẳng hạn một quả đạn cối 120mm khi nổ tương đương với quả đạn pháo 155mm và bán kính sát thương của nó tương tự hoặc thậm chí còn hơn cả một quả đạn pháo hạng nặng.
Trong các loại cối, có ba nhóm chính phân chia theo tầm cỡ gồm: cối hạng nhẹ thường ở cỡ 60mm; cối hạng trung là 81 hoặc 82mm (81 là cỡ tiêu chuẩn của NATO còn 82 là cỡ cối của Liên Xô) và cối hạng nặng là 120mm.
Các súng cối nhẹ và trung bình là vũ khí mang vác trong khi cối nặng thường được vận tải bằng xe hoặc gắn trên xe. So với các loại pháo, cối có hiệu quả hơn để hỗ trợ cho các đơn vị bộ binh do tính di động và khả năng đánh kẻ thù ở sau các vật che đỡ hoặc ở độ cao thấp do đạn cối khi rơi có độ dốc lớn.
|
Ảnh: Lựu pháo D30 122mm do Liên Xô chế tạo. |
Các lựu pháo có lẽ là linh hoạt nhất trong 3 loại pháo và được phân loại như là nhóm hạng trung. Nó thường có nòng dài hơn súng cối nhưng ngắn hơn súng pháo. Trong lịch sử các đại bác cũng có nòng trơn và nạp đạn từ miệng nhưng đến thời hiện đại chúng có buồng đạn và nạp từ phía sau. Chúng cũng có thể được kéo bằng xe chuyên dụng, vận chuyển bằng máy bay hoặc thậm chí tự hành.
Lựu pháo có 2 đặc điểm riêng biệt: Thứ nhất chúng sử dụng các liều phóng khác nhau cho các mục tiêu ở cự ly khác nhau; Thứ hai chúng có góc bắn từ 20 đến 70 độ. Không giống như các loại pháo khác, lựu pháo là loại duy nhất mà đầu đạn tách biệt với thuốc phóng.
Thuốc phóng loại rắn thường được đóng trong các túi chống thấm nước và được nạp trực tiếp vào vỏ đạn trước khi bắn. Sau khi nạp đạn, khóa nòng được đóng và kim hỏa (còn gọi là cò) được đạp để kích nổ. Ngoài kim hỏa, pháo hiện đại cũng có thể sử dụng bộ phận đánh lửa bằng điện hay laser trong khóa nòng.
Các lựu pháo hiện đại có các cỡ nòng gồm 105mm, 127mm và 155mm (trong khối NATO) và 122mm, 130mm, 152mm (trong các nước sử dụng vũ khí Liên Xô).
|
Pháo 155mm của Mỹ. |
Súng pháo là loại pháo được sử dụng để bắn trực tiếp, nơi mà các xạ thủ và khẩu đội có một đường ngắm trực tiếp đến mục tiêu. Trong 3 loại, súng pháo có chiều dài nòng lớn nhất và thường có sơ tốc đầu đạn lớn nhất.
Đặc điểm khác biệt của súng pháo là nó có góc bắn thấp, tối đa chỉ bắn được ở góc 35 độ. Mặt khác nó có thể bắn trong khi đang di chuyển. Do bắn trực tiếp nên nó không thể tiêu diệt mục tiêu ở sau vật che cản hoặc ở độ cao thấp. Nó có thể được đặt cố định dưới đất hoặc lắp lên xe. Ban đầu các loại súng pháo chỉ có cỡ nòng 20mm hoặc 37mm nhưng đến Thế chiến II hầu hết cỡ của chúng là 75mm trở lên. Chẳng hạn khẩu Flak 88mm của Đức đã bắn máy bay và xe tăng rất hiệu quả.
Ngày nay súng pháo cũng đã tiến hóa rất nhiều do sự tiến bộ của công nghệ. Kết quả là sự ra đời của các khẩu pháo 20mm, 25mm, 30mm bắn bằng điện và các khẩu súng chống tăng 120mm, 125mm nòng trơn có thể xuyên giáp dày 25 inch (gần 60 cm). Súng pháo cũng kết hợp thêm các đặc điểm của pháo như góc bắn dốc hơn và tách thuốc phóng ra khỏi đạn với đặc điểm của súng là nòng dài và khả năng bắn trực tiếp. Điều này tạo cho các loại súng pháo sự linh hoạt rất cao.
Vì sao tên lửa không thay được pháo?
Ở trên chúng ta đã sơ qua một số đặc điểm về uy lực và giá trị của pháo binh. Ở đây, chúng ta sẽ tìm hiểu vì sao tên lửa đã phát triển rất cao nhưng không thể thay thế được vai trò của pháo binh.
Trong sách “Mấy nét về sự phát triển của kỹ thuật quân sự” do Nxb QĐND phát hành, các tác giả nhận xét: “Từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, kỹ thuật tên lửa ngày càng phát triển mạnh mẽ. Tên lửa có điều khiển và không điều khiển, từ tầm gần đến tầm xa lần lượt ra đời.
Trước tình hình đó, một số chuyên gia quân sự nước ngoài đã đòi xét lại vai trò của pháo binh vì họ cho rằng pháo binh đã lỗi thời và tên lửa hoàn toàn có khả năng thay thế cho pháo. Một số nước đã xét lại tổ chức biên chế của hỏa lực pháo binh. Thí dụ ở Mỹ số lượng pháo trong biên chế một sư đoàn vào những năm 1950 – 1960 đã giảm từ 72 khẩu xuống 46 khẩu.
|
Lựu pháo thế hệ mới trên thế giới. |
Tuy nhiên, sau những bàn cãi và nhất là qua kinh nghiệm một số cuộc chiến, người ta thấy rõ ràng rằng tên lửa không thể thay thế hoàn toàn được tất cả nhiệm vụ của pháo.
Pháo tuy nặng hơn song có nhiều ưu điểm như hỏa lực mạnh, uy lực lớn, độ chính xác cao, việc sử dụng và bảo quản đơn giản, có thể chiến đấu thường xuyên liên tục; bắn được từ tầm gần đến tầm xa. Do vậy thích hợp với nhiều yêu cầu chiến thuật, có thể bắn tập trung tạo thành những quả đấm hỏa lực quan trọng lại cũng có thể đi kèm với bộ binh để giải quyết nhanh gọn và kịp thời những mục tiêu đơn lẻ xuất hiện bất ngờ ở tiền tuyến, tạo điều kiện cho bộ binh chiếm lĩnh trận địa”.
Như vậy các loại pháo là một hỏa lực trực tiếp rất uy lực trên chiến trường mà máy bay ném bom hay tên lửa không thể nào vượt qua được. Bởi vậy dù hiện nay các công nghệ bom đạn và tên lửa hành trình đã tiến bộ rất nhiều nhưng “vua trên chiến trường” vẫn là hỏa lực pháo binh.