Theo hãng thông tấn Sputnik, trong một bản báo cáo gần đây của Lầu Năm Góc đánh giá sự trở lại mạnh mẽ của Nga và sự vươn lên không ngừng của Trung Quốc ngày càng trở thành mối đe dọa với an ninh quốc gia của Mỹ. Và điều này đã buộc Bộ Quốc phòng Mỹ phát triển một chiến lược mới nhằm đối phó song song cả Moscow lẫn Bắc Kinh.
Chiến lược mới này của Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ được áp dụng cho mọi binh chủng của nước này và trọng tâm vẫn là với lực lượng hải quân và thông tin này chỉ mới được công bố vào hôm 28/1. Tuy nhiên phía Bộ Quốc phòng Mỹ lại không công bố nội dung của bản kế hoạch này.
|
Hải quân Mỹ đang buộc phải thay đổi chiến lược phát triển của mình trước sức ép từ Nga và Trung Quốc.
|
"Định hướng của Hải quân Mỹ trong thời gian sắp tới vẫn sẽ là các chương trình phát triển phương tiện lặn không người lái (UUV), tác chiến không gian mạng và tác chiến điện tử (EMW),” Chuẩn Đô đốc Mat Winter cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ Breaking Defense.
Trong đó trọng tâm vẫn là các chương trình phát triển phương tiện lặn không người lái UUV. Lầu Năm Góc hy vọng trong tương lai gần Hải quân Mỹ sẽ sớm đưa vào trang bị các mẫu tàu ngầm không người lái lớn hơn và có tầm hoạt động xa hơn.
Theo đó viễn cảnh Hải quân Mỹ sở hữu một biên đội tàu ngầm không người lái sẽ không còn xa nữa. Khi mà sự tương tác của con người lên các hệ thống vũ khí thế hệ mới sẽ ít hơn nhưng chúng vẫn đảm bảo được khả năng tác chiến tương tự như các mẫu vũ khí truyền thống. Và để hoàn thành mục tiêu này người Mỹ đã có cho mình chương trình tàu ngầm không người lái cỡ lớn LDUUV với nguyên mẫu đầu tiên sẽ được thử nghiệm trong năm nay.
|
Mẫu tàu ngầm mini không người lái thuộc chương trình LDUUV của Hải quân Mỹ.
|
Cũng theo vị chuẩn đô đốc này, khả năng bảo mật an ninh mạng cũng đang là một thách thức với Hải quân Mỹ, thậm chí các quan chức thuộc Lầu Năm Góc cũng bày tỏ sự lo ngại về khả năng phòng vệ yếu kém của hệ thống mạng thông tin liên lạc liên hạm đội của Mỹ. Và khi "bọ" tấn công, các tàu hải quân của Mỹ sẽ rơi vào trạng thái “mù” tạm thời và mất khả năng phòng vệ trong một cuộc xung đột trong tương lai. Chính điều này cho thấy sự cần thiết của việc phát triển các công nghệ chống tác chiến điện tử dành cho Quân đội Mỹ.
“Việc tăng cường khả năng tác chiến điện tử cơ bản sẽ làm thay đổi các hoạt động của Hải quân Mỹ trong môi trường chiến tranh tương lai và nó thật sự cần thiết trong bối cảnh hiện hiện tại", Chuẩn Đô đốc Winter nói.
Về mặt cơ bản, Hải quân Mỹ đang có kế hoạch giảm tối thiểu độ ồn của các biên đội tàu chiến nước này cũng như sử dụng các biện pháp áp chế điện tử cho phép các tàu chiến di chuyển qua khu vực của đối phương mà không bị phát hiện. Ngoài các công nghệ mới Hải quân Mỹ cũng đưa vào sử dụng trở lại một số công nghệ thế cũ nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả nhằm tiết kiệm chi phí.
|
Khả năng tác chiến điện tử và bảo vệ an ninh mạng của Hải quân Mỹ được đánh giá là yếu so với Nga và thậm chí sẽ sớm bị Trung Quốc vượt mặt.
|
Mặc dù tuyên bố sở hữu các biên đội tàu ngầm tự hành của Lầu Năm Góc trên thực tế hoàn toàn có thể xảy ra, nhưng để đạt được tới viễn cảnh đó Mỹ vẫn còn khá nhiều việc phải làm. Trong khi đó các công nghệ tàu ngầm hiện nay của nước này vẫn đang dẫn đầu thế giới và việc sử dụng chúng trong tình hình ngân sách eo hẹp hiện tại của Hải quân Mỹ sẽ là hiệu quả hơn về mặt chi phí.
Bên cạnh đó, Hải quân Mỹ vẫn còn sở hữu một thứ vũ khí chiến lược nữa là các hệ thống pháo laser có công suất 30kw. Mà dù vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm nhưng tiềm năng của hệ thống vũ khí tiên tiến này trong hải quân lẫn Quân đội Mỹ là rất lớn. Tất nhiên để có thể vận hành một khẩu pháo laser vẫn đòi hỏi nguồn kinh phí khủng lồ trong khi đó hiệu quả nó mang lại vẫn chưa thật sự rõ ràng.