Tờ WCT cho biết, Nga có thể đã giành lại được hợp đồng tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr cho Hải quân Trung Quốc từ tay Ukraine, sau khi các nhà máy đóng tàu của Ukraine (đặc biệt là nằm tại bán đảo Crimea) ở được Nga tiếp quản.
Hợp đồng mua các tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr ban đầu được ký kết giữa Trung Quốc và Ukraine, những tàu này được đóng tại nhà máy đóng tàu Feodosiya ở bán đảo Crimea. Nhưng theo một nguồn tin từ cơ quan công nghiệp quốc phòng Nga cho biết thì, hợp đồng này đã được chuyển sang cho tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
|
Nga hiển nhiên sẽ loại bỏ Ukraine ra khỏi hợp đồng Zubr với Trung Quốc, sau khi bán đảo Crimea sáp nhập vào Nga.
|
Với tình cảnh của Ukraine hiện tại thì nước này hầu như không đủ khả năng để tiếp tục hợp đồng Zubr với Trung Quốc kể cả về mặt công nghệ, khi mà một số công nghệ chủ chốt được sử dụng trên Zubr lại thuộc về Nga. Và trước đây để có thể thực hiện hợp đồng với Trung Quốc phía Ukraine cũng đã phải sửa đổi tên các tàu đổ bộ khí đệm lớp Zubr Projec 12322 thành Projec 958 Bison.
Vassily Kashin - Chuyên viên nghiên cứu cao cấp thuộc Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc tế Moscow trong cuộc phỏng vấn với một kênh truyền hình Nga cho biết rằng, nước này đã bắt đầu quá trình đàm phán lại với phía Trung Quốc về hợp đồng tàu đổ bộ đệm khí Zubr và tập đoàn Rosoboronexport đang muốn mở rộng hợp đồng này với số lượng tàu lớn hơn nhiều so với trước đó.
Ông này cũng cho hay, hiện tại mọi điều khoản về hợp đồng mới này đang được giữ bí mật bao gồm cả các thỏa thuận liên quan đến chương trình hợp tác đóng tàu giữa Nga và Trung Quốc. Và Trung Quốc chắc chắn sẽ không dừng lại với 4 tàu đổ bộ đệm khí lớp Zubr như hiện tại.
|
Lễ bàn giao hai tàu đổ bộ khí đệm Zubr cho Trung Quốc tại nhà máy đóng tàu Feodosiya ở bán đảo Crimea.
|
Còn theo Li Jie - một chuyên gia quân sự người Trung Quốc trong một cuộc phỏng vấn với tờ Hoàn Cầu lại cho rằng, vẫn chưa có bất cứ thông tin chính xác gì về việc Nga và Trung Quốc đang đàm phán lại hợp đồng Zubr tuy nhiên việc này hoàn toàn có thể xảy. Bên cạnh đó mối quan hệ hiện nay giữa Nga và Ukraine ít nhiều cũng sẽ ảnh hưởng đến việc nhập khẩu thiết bị và công nghệ quân sự của Trung Quốc.
Tuy nhiên, với hợp đồng tàu đổ bộ đệm khí Zubr Trung Quốc có lẽ sẽ không quan tâm nhiều lắm tới nguồn gốc xuất xứ của các tàu này, miễn nó không ảnh hưởng đến quá trình hiện đại hóa hải quân của Trung Quốc.
Zubr là tàu đổ bộ đệm khí lớn nhất thế giới, nó có thể di chuyển với tốc độ tối đa lên tới hơn 60 hải lý/ giờ trên mặt nước. Tàu Zubr có khả năng mang theo 3 xe tăng chiến đấu chủ lực hoặc 10 xe bọc thép cũng 140 lính thủy đánh bộ.
Nó là loại tàu đổ bộ khí đệm tốt nhất thế giới hiện này cũng như sở hữu các tính năng vượt trội hơn hẳn các tàu đổ bộ khí đệm của Mỹ. Và việc Trung Quốc sở hữu các tàu Zubr sẽ giúp lực lượng hải quân nước này có lợi thế hơn cho một cuộc xung đột trên biển trong tương lai.
|
Trung Quốc cần các tàu đổ bộ đệm khí Zubr hơn mối quan hệ với Ukraine trong thời điểm hiện tại.
|
Theo tạp chí quân sự Khán Hòa của Canada cho biết, Trung Quốc đang sở hữu ít nhất 4 tàu đổ bộ khí đệm lớp Zubr trong đó có 2 chiếc được đóng ở Ukraine còn hai chiếc còn lại được đóng ở Trung Quốc.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc vẫn còn đang nợ công ty Ukrspetsexport của Ukraine 14 triệu USD phần còn lại của hợp đồng Zubr và công ty này hy vọng Trung Quốc sẽ thanh toán số tiền. Trong khi đó phía Nga lại đang kêu gọi Bắc Kinh nên trả số tiến này cho nhà máy đóng tàu Feodosiya ở bán đảo Crimea nơi đóng 2 tàu đổ bộ khí đệm Zubr cho Trung Quốc.
Nhiều khả năng Trung Quốc sẽ trả số tiền 14 triệu USD này cho nhà máy đóng tàu Feodosiya, khi mà Ukraine chắc chắn không thể can thiệp vào được vấn đề bán đảo Crimea. Còn Trung Quốc lại cần các công nghệ cũng như trang thiết bị từ nhà máy đóng tàu Feodosiya để bảo dưỡng những chiếc Zubr của nước này.