Tạp chí quân sự Jane’s cho biết, các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) quyết định viện trợ quân sự cho Iraq một số máy bay cường kích hạng nhẹ Embraer EMB-314 Super Tucano, nhằm tăng cường khả năng quân sự của Iraq trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.
Các quan chức của UAE chỉ thông báo rằng, sẽ chuyển giao một số lượng lớn các máy bay cường kích hạng nhẹ cho EMB-314 cho Không quân Iraq trước tháng 2 năm nay, trong khi đó một số nguồn tin tiết lộ với Jane’s rằng số máy bay Super Tucano này có thể lên tới 24 chiếc.
|
UAE sẽ viện trợ cho Quân đội Iraq 24 chiếc cường kích hạng nhẹ Super Tucano nhằm ngăn bước tiến của phiến quân IS.
|
Trước đó vào hôm 5/1, Tư lệnh Không quân Brazil - Juniti Saito cho biết, Brazil đã phải bàn giao 6 trong tổng số 24 chiếc Super Tucano mà UAE đặt mua bằng cách sử dụng những chiếc EMB-314 trong kho dự trữ của nước này, nhằm đẩy nhanh tiến độ giao hàng trước sự hối thúc từ phía UAE. Còn số máy bay này được chuyển đi đâu thì vẫn chưa có thông tin chính thức.
Ngoài những chiếc Super Tucanos, UAE cũng tiến hành viện trợ cho Không quân Iraq thêm 10 chiếc
tiêm kích đa năng Dassault Mirage 2000 cùng nhiều loại vũ khí bộ binh khác. Phía UAE vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về số vũ khí trên.
Đánh giá của Jane’s
Từ đầu năm nay đã có nhiều thông tin về việc UAE mua hơn 20 chiếc Super Tucanos, mặc dù lực lượng Không quân UAE đang được trang bị 15 máy bay huấn luyện – tấn công hạng nhẹ PC-21 và 24 máy bay huấn luyện kiêm tấn công hạng nhẹ IOMAX Archangel.
Tại thời điểm đó nhiều chuyên gia quân sự đánh giá rằng, các máy bay PC-21 sẽ được UAE sử dụng cho nhiệm vụ huấn luyện và đào tạo phi công mới, còn IOMAX Archangel sẽ được trang bị cho các lực lượng tác chiến đặc biệt. Trong khi đó Super Tucanos sẽ được Không quân UAE sử dụng như một máy bay cường kích hạng nhẹ.
|
Máy bay tấn công hạng nhẹ IOMAX Archangel của Không quân UAE.
|
Tuy nhiên, ít ai ngờ tới rằng những chiếc Super Tucanos mà UAE đặt mua lại được chuyển giao cho Quân đội Iraq và đều là các biến thế EMB-314 cường kích hạng nhẹ. Việc này trong động thái nhằm tăng cường sức mạnh quân sự cho Iraq trong cuộc chiến chống lại Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS vốn ngày càng tiến sát tới biên giới UAE.
Vào cuối năm 2013, UAE cũng đã từng viện trợ cho Quân đội Jordan 6 máy bay huấn luyện đa năng IOMAX AT-802 với các biến thể không được trang bị vũ khí, nhưng sau đó số máy bay này lại được sửa đổi để có thể mang theo các loại bom GBU-25 có trọng lượng lên tới 110kg và tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire. Ngoài ra, Jordan cũng được UAE hỗ trợ hai máy bay hỗ trợ hỏa lực trên không AC-235 và 6 máy bay trinh sát và vận tải hạng nhẹ Cessna C208B Caravan.
Không dừng lại đó, UAE còn viện trợ cho Ai Cập 12 máy bay tấn công hạng nhẹ IOMAX AT-802 BPA trong cuộc chiến chống lại các chiến binh Hồi giáo đang hoạt động ở bán đảo Sinai. Tuy nhiên, những chiếc AT-802 này vẫn thuộc quyền sở hữu của Không quân UAE, do các vướng mắc về mặt pháp lý giữa Mỹ và Ai Cập.
|
UAE đang viện trợ quân sự cho cả Trung Đông để chống lại Nhà nước Hồi giáo IS. Trong ảnh là một chiếc AC-235 của Không quân Jordan.
|
Trong khi đó, Không quân Iraq chỉ được trang bị các máy bay chiến đấu hạng nhẹ gồm 15 máy bay chiến đấu hạng nhẹ Beechcraft Texan II, 20 chiếc máy bay huấn luyện đa năng Lasta 95 và 11 máy bay trinh sát hạng nhẹ Cessna 208B Caravans được sửa đổi để có thể mang theo các tên lửa chống tăng Hellfire.
Nhưng có một vấn đề khá lớn là Không quân Iraq lại không có đủ số phi công cần thiết để lái những chiếc máy này, đó là còn chưa kể tới những chiếc Super Tucano được UAE viện trợ. Vậy câu hỏi lớn nhất được đặt ra hiện nay là ai sẽ là người lái phi đội máy bay chiến của Iraq.