Hợp đồng mua Su-35S của Trung Quốc
Vũ khí tốn nhiều giấy mực nhất của giới báo chí trong năm 2014 chính là tiêm kích đa năng Su-35S của Nga. Sở dĩ Su-35 trở thành tâm điểm của sự chú ý do liên quan đến hợp đồng giữa Bắc Kinh và Moscow. Cuộc đàm phán về việc mua bán tiêm kích đa năng Su-35S đã kéo dài hơn 4 năm nhưng đôi bên vẫn chưa đạt được sự thống nhất.
|
Thương vụ Su-35S giữa Nga-Trung trở thành tâm điểm của giới truyền thông thế giới.
|
Su-35S là một tiêm kích đa năng thế hệ 4++ hiện đại. Các chuyên gia quân sự trên thế giới nhận định, đấy là vũ khí có thể làm thay đổi cán cân quân sự ở những khu vực mà nó xuất hiện. Việc Trung Quốc ngỏ ý muốn mua tiêm kích này nhanh chóng trở thành mối quan tâm đặc biệt của giới quân sự thế giới.
Những năm qua, quân đội Trung Quốc đã thực hiện quá trình hiện đại hóa nhanh chóng. Nếu có Su-35S trong biên chế, giới phân tích quân sự ví von rằng “họ như được chắp thêm cánh”. Ngoài đặc tính kỹ chiến thuật ưu việt của Su-35, nó còn thu hút sự chú ý bởi quá trình đàm phán kéo dài giữa đôi bên.
Trong tháng 11/2014, Tạp chí Jane’s Defence Weekly đưa tin, Trung Quốc và Nga vẫn tiếp tục quá trình đàm phán và thỏa thuận cuối cùng vẫn rơi vào bế tắc. Phía Nga yêu cầu Trung Quốc phải mua ít nhất 48 chiếc Su-35S. Trong khi đó, Bắc Kinh muốn "xé" hợp đồng thành hai đợt, đợt đầu họ sẽ mua 24 chiếc để đánh giá sau đó sẽ tùy chọn mua thêm. Mặt khác, Trung Quốc muốn Nga sản xuất Su-35S sửa đổi theo yêu cầu của họ nhưng phía Nga không đồng ý.
Tiêm kích tàng hình F-35
Năm 2014 là một năm nhiều thành tích của tiêm kích tàng hình F-35. Tháng 9/2014, Reuters đưa tin, Washington đã đồng ý bán cho Hàn Quốc 40 chiếc tiêm kích tàng hình F-35 với giá trị hợp đồng lên đến 7 tỷ USD.
|
Năm 2014 là một năm thành công của F-35 cả trên phương diện thương mại và kỹ thuật.
|
Trước đó một quốc gia châu Á khác là Nhật Bản đã lựa chọn F-35 cho chương trình hiện đại hóa không quân của họ. Theo Business Insider, Tokyo đã cam kết mua 42 chiếc F-35 và có thể tùy chọn mua thêm khi tiêm kích này giảm giá.
Ngoài những thương vụ đình đám, biến thể hoạt động trên tàu sân bay F-35C đã thực hiện cất hạ cánh thành công từ tàu sân bay USS Nimitz vào ngày 17/11. Trong tháng 11, F-35C tiếp tục thực hiện các bài tập cất hạ cánh trong điều kiện ban đêm.
Với sự kiện này, chương trình tiêm kích tiến công kết hợp JSF F-35 đang tiến rất gần đến khả năng sẵn sàng hoạt động ban đầu. Dự kiến, F-35C sẽ đi vào hoạt động chính thức trên tàu sân bay Hải quân Mỹ từ năm 2016.
Tên lửa phòng không S-400
Hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf là là tâm điểm chú ý của giới truyền thông bởi cam kết xuất khẩu cho Trung Quốc. Tháng 4/2014, tạp chí Diplomat đưa tin, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chấp thuận nguyên tắc về việc xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không tối tân S-400 Triumf cho Bắc Kinh.
|
Trung Quốc vẫn chưa thể sở hữu S-400 sau nhiều nổ lực đàm phán bất thành.
|
Nhiều khả năng Trung Quốc có thể sẽ là khách hàng đầu tiên của hệ thống phòng không tối tân này.
Theo thỏa thuận sơ bộ, Trung Quốc đã đề nghị mua 6 tiểu đoàn S-400 Triumf với giá trị lên đến 3 tỷ USD. Tuy nhiên, quá trình đàm phán hợp đồng S-400 vẫn chưa đi đến hồi kết với những bất đồng giữa đôi bên.
Tên lửa phòng không Buk
Tháng 7/2014, cả thế giới hoang mang trước thông tin chuyến bay chở khách mang số hiệu MH17 của hãng hàng không Malaysia bị bắn hạ. Hệ thống phòng không Buk trở thành nghi phạm số 1 trong thảm kịch MH17 khi nó xuất hiện gần khu vực chiếc Boeing bị rơi.
|
Hệ thống phòng không Buk vẫn là nghi phạm số 1 gây nên thảm kịch MH17.
|
Sự kiến này khiến báo chí toàn cầu "sốt xình xịch" trong suốt nhiều tháng, tới tận cuối năm 2014.
Khi đó, Washingtonpost dẫn nguồn tin Bộ Nội vụ Ukraine cho rằng, chuyến bay MH17 bị bắn hạ bởi hệ thống tên lửa phòng không Buk do Nga sản xuất đang nằm trong tay phe ly khai. Trong khi đó, Daily Mail đã cho đăng tải một đoạn clip về một xe tải chở theo một xe quân sự trùm kín bạt nghi là hệ thống phòng không Buk đang di chuyển hướng về biên giới Nga.
Tuy nhiên, lực lượng phòng không Ukraine cũng có trong biên chế hệ thống tên lửa phòng không Buk nên thông tin về thủ phạm bắn hạ MH17 trở nên nhiễu loạn. Phía Nga đã lên tiếng phủ nhận cáo buộc liên quan đến thảm kịch MH17.
Đến nay thủ phạm thực sự gây nên thảm kịch MH17 vẫn chưa được tìm ra điều đó khiến hệ thống phòng không Buk vẫn mang tiếng là tội đồ.
Tàu đổ bộ Mistral
Căng thẳng chính trị giữa Moscow và các nước phương Tây liên quan đến biến cố chính trị tại Ukraine. Tháng 5/2014, RT đưa tin, Mỹ và một số nước đồng minh ở châu Âu đã gây sức ép với Pháp yêu cầu hủy bỏ thương vụ bán tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral cho Nga.
|
Phương tây đang gây sức ép buộc Pháp hủy bỏ thương vụ Mistal với Nga.
|
Mỹ và một số nước phương Tây cho rằng, chuyển giao tàu đổ bộ Mistral sẽ làm tăng đáng kể năng lực đổ bộ cho Nga. Điều đó sẽ gây nên nhiều bất lợi cho các kế hoạch của NATO. Trước các tuyên bố của phương Tây, ARMS-TASS dẫn lời nguồn tin khu phức hợp công nghiệp quốc phòng Nga cho biết, trong trường hợp hủy bỏ hợp đồng bán 2 tàu đổ bộ trực thăng lớp Mistral cho phía Nga. Pháp sẽ phải bồi thường khoản tiền "khủng" 3 tỷ Euro (khoảng 4,05 tỷ USD).