Vô hình nhất
Những năm 1990, Boeing kết hợp với Sikorsky trong một chương trình phát triển trực thăng vô cùng tham vọng mang tên RAH-66. Đây được coi là mẫu trực thăng trinh sát tấn công của tương lai với đặc điểm nổi trội là khả năng tàng hình trước cả sóng radar, thiết bị phát hiện hồng ngoại và một phần nào đó là trước các thiết bị quang học.
|
Kiểu dáng kỳ quái của trực thăng RAH-66.
|
RAH-66 có hình dạng bên ngoài nổi bật với những góc cạnh, mảng miếng đặc trưng của thiết kế tàng hình, nó cũng được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar. Kết quả là diện tích phản xạ radar của RAH-66 nhỏ hơn 360 lần so với Apache AH-64D, 28 lần so với máy bay trinh sát mini Bell OH-58 Kiowa. Dòng khí nóng thải ra từ hai động cơ T-800-LHT-801 công suất 1.432 mã lực được pha trộn với dòng khí lạnh bên ngoài qua một bộ hòa trộn đặc biệt giúp giảm rất nhiều tín hiệu nhiệt. RAH-66 cũng rất “mỏng” với bề ngang chỉ 2m.
Cánh quạt trực thăng có 5 lá cánh giúp giảm rung và giảm tiếng ồn, giải pháp này cũng được áp dụng trên thiết kế của dòng trực thăng EC-225 mà Việt Nam đang sử dụng. Bên cạnh đó trục rotor và đĩa quay RAH-66 được bọc kín để giảm tối đa tiếng ồn phát ra.
Ngoài ra, RAH-66 được áp dụng công nghệ composite giảm trọng lượng cất cánh tối đa xuống chỉ 7.900 kg mà vẫn có thể mang được 2.300 kg thiết bị trên một tốc độ tối đa 324km/h.
Một tổ hợp vũ khí tàng hình của Mỹ thì không thể thiếu những hệ thống điện tử hiện đại nhất thời đó: bộ chống chiếu laser AN/AVR-2AV; bộ gây nhiễu vô tuyến ITT AN/ALQ-211 SIRCM cùng các thiết bị gây nhiễu hồng ngoại khác.
|
Được ứng dụng hàng loạt công nghệ tối tân nhưng đổi lại RAH-66 lại quá đắt đỏ đã khiến dự án phải hủy bỏ.
|
Toàn bộ vũ khí được giấu trong khoang thân: pháo 20mm, 6 tên lửa chống tăng AGM-114 Hellfire hoặc 12 tên lửa không đối không AIM-92 Stinger. Nó cũng có thể mang thêm các vũ khí khác với mấu treo ngoài nhưng như thế sẽ hủy hoại tính năng tàng hình.
Nhìn chung, những tham số kỹ thuật của thiết kế này đều rất ưu thế, sẽ là một mẫu thiết kế vượt trội nếu chúng được sản xuất hàng loạt. Tuy nhiên chỉ có 2 chiếc được hoàn thành, lý do đơn giản vì chúng quá đắt.
Chương trình RAH-66 làm người ta liên tưởng tới chương trình F-22 Raptor hay B-2 Spirit vì chúng đều là những thiết kế tàng hình sử dụng những công nghệ tiên phong nhất, đồng thời cũng là đắt đỏ nhất. Hai mẫu RAH-66 thử nghiệm đã ngốn 6,9 tỷ USD, biến chúng thành những trực thăng đắt đỏ nhất trong lịch sử hàng không thế giới. Dự tính ban đầu nếu đi vào sản xuất dây chuyền thì mỗi chiếc trực thăng này cũng có giá ngang ngửa một tiêm kích hạng năng đa năng như Su-30.
Thành công nhất
Một số thống kê cho rằng, đó là dòng trực thăng Bell UH-1 Iroquois vốn nổi tiếng từ cuộc chiến tranh Việt Nam với khoảng hơn 11.000 chiếc đã được sản xuất. Nhưng điều đó chỉ đúng khi những thống kê đó tách Mi-8 và Mi-17 thành hai dòng máy bay riêng biệt. Thực tế thì Mi-17 hay Mi-8MT là một bản nâng cấp của Mi-8 và giới quân sự cũng thừa nhận điều này. Vậy nên, chính xác thì Mil Mi-8 mới là dòng trực thăng được sản xuất nhiều nhất với khoảng 13.000 chiếc được chế tạo và sử dụng ở khoảng 80 quốc gia với hàng chục biến thể khác nhau. Mi-8 cũng là một trong những trực thăng có thời gian phục vụ lâu nhất, bắt đầu từ năm 1961.
|
Với 13.000 chiếc được chế tạo, dòng Mi-8/17 (Nga) đã chiếm giữ ngôi vị thành công làng trực thăng thế giới.
|
Thoạt nhìn, mẫu thiết kế này có vẻ “thô sơ”, đơn giản chứ không mượt mà như những trực thăng khác. Nhưng nếu để ý thì đây chính là phong cách thiết kế của trực thăng dòng Mil. Đơn giản nhưng hiệu quả, cơ động chính là một thế mạnh khác biệt với những thiết kế Tây phương. Điều này khiến cho công việc sản xuất, vận hành, sửa chữa và cải tiến dễ dàng hơn, khả năng sống sót cao, thích nghi với nhiều điều kiện môi trường và cùng với đó là mức chi phí thấp.
Mi-8 đã từng đánh bại UH-1 và bây giờ là UH-60, những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với nó trên thị trường nhờ những yếu tố này. Người Mỹ cũng là một trong những khách hàng lựa chọn Mi-17 (trang bị cho Không quân Afghanistan) và hợp đồng chỉ bị ngừng lại khi quan hệ 2 nước xấu đi vì vấn đề Syria hay Ukraine.
Mi-8 là mẫu thiết kế rất “mở”, đồng thời kích thước hạng trung phù hợp nhiều mục đích trong cả quân và dân sự khiến cho nó có tới hàng trục biến thể sửa đổi khác nhau.
|
Biến thể Mi-8AMTSh có thể mang hỏa lực tương đương trực thăng tấn công chuyên nghiệp.
|
Ở một số phiên bản tấn công, Mi-8 được gắn thêm 2 thanh treo vũ khí, mỗi thanh có 3 mấu treo. Các loại vũ khí có thể sử dụng: súng máy 7,62mm, rocket S-5, tên lửa chống tăng AT-2, có thể có thêm các thiết bị gây nhiễu hồng ngoại.
Mi-8 nguyên bản (từ mẫu thử nghiệm V-8A) sử dụng 2 động cơ tuốc bin trục TV2-117 công suất 1.500 mã lực/chiếc. Nhiều biến thể sau này sử dụng các động cơ nâng cấp khác, công suất 2000 mã lực, sức nâng cũng vì thế mà tăng từ 3 lên 4 tấn.
Trực thăng Mi-8 có trọng lượng cất cánh tối đa 13.000kg, đạt tốc độ tối đa 250 km/h, trần bay 4.500-6.000 m, phạm vi hoạt động từ 480-710km.