Theo các phương tiện truyền thông, Quân đội Trung Quốc gần đây đã cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới căn cứ không quân Hetian thuộc phía nam khu tự trị Tân Cương và chỉ cách Kashmir của Ấn Độ khoảng 260 km.
Hetian được biết đến là căn cứ thuộc Sư đoàn 37 Không quân Trung Quốc. Từ đây, các máy bay ném bom JH-7A của Sư đoàn 37 có thể thực hiện các cuộc không kích nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ ở Ấn Độ.
|
Khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. |
Cũng theo giới truyền thông Trung Quốc, việc quân đội nước này triển khai HQ-9 là một động thái nhằm bảo vệ biên giới phía tây trước cuộc tấn công trên không nếu Không quân Ấn Độ tiến hành. Trước đó, vào tháng 6, Không quân Trung Quốc cũng điều động một lữ đoàn tên lửa phòng không từ Quân khu Quảng Châu tới gần khu vực này.
HQ-9 là hệ thống tên lửa phòng không có điều khiển, tầm cao do Tổng công ty Quốc phòng Trung Quốc CPMIEC nghiên cứu và chế tạo. HQ-9 được thiết kế để tác chiến chống nhiều loại mục tiêu như máy bay cánh cố định, trực thăng ở cả tầm thấp lẫn tầm cao, có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình, tên lửa không đối hải, và tên lửa đạn đạo chiến thuật.
|
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Trung Quốc.
|
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 được nghiên cứu chế tạo từ những năm 1980 và ban đầu được cho là “nhái” hệ thống Patriot của Mỹ. Khi đó, tên lửa được thiết kế để phóng trong các ống phóng hình hộp như Patriot của Mỹ, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn 2 tầng. Song tại thời điểm đó, công nghệ động cơ tên lửa của Trung Quốc còn nhiều hạn chế nên đường kính tên lửa ban đầu lên đến 700 mm, lần cải tiến tiếp theo giảm xuống còn 560 mm. Do đó, mỗi xe phóng chỉ mang được tối đa 2 tên lửa, khả năng cơ động trên chiến trường bị hạn chế.
|
HQ-9 đang được sử dụng cả trong phòng không mặt đất và Hải quân Trung Quốc.
|
Năm 1990, vận may đến với Trung Quốc khi Liên Xô đồng ý bán tổ hợp tên lửa phòng không S-300PMU. Ngay lập tức các kỹ sư Trung Quốc tiến hành "mổ xẻ" S-300 để nghiên cứu. Không lâu sau, biến thể mới của HQ-9 ra đời, sao chép gần như toàn bộ công nghệ của S-300 với xe và ống phóng giống hệt. Các chuyên gia quân sự Trung Quốc đánh giá khả năng của HQ-9 chỉ đứng sau S-300PMU2 của Nga và Patriot PAC-3 của Mỹ về hiệu năng chiến đấu.
|
Ban đầu HQ-9 được cho là “nhái” hệ thống phòng không Patriot của Mỹ. |
HQ-9 sử dụng hệ thống điều khiển tên lửa kết hợp: máy lái tự động quán tính giai đoạn đầu; giai đoạn giữa kết hợp máy lái tự động quán tính trên tên lửa để chỉnh tầm và lệnh vô tuyến từ đài điều khiển mặt đất để chỉnh hướng; giai đoạn cuối dẫn bằng lệnh vô tuyến kết hợp dữ liệu về mục tiêu do cơ cấu bám qua tên lửa. Bán kính diệt mục tiêu của HQ-9 là 35 m, ngòi nổ vô tuyến cận đích được kích hoạt khi đạn cách mục tiêu 5 km. Tên lửa sử dụng động cơ nhiên liệu rắn một tầng đẩy, có khả năng chỉnh hướng phụt như tên lửa 5V55К, 5V55R, 48НNЕ, 48N6Е2 của S-300.
|
Hiện nay, biến thể HQ-9 được cho là sao chép gần như toàn bộ công nghệ của S-300 của Nga. |
HQ-9 được trang bị hệ thống radar HT-233 được xem là bản sao radar 30N6E Tomb Stones của S-300. Radar này có kích thước cho thấy công nghệ sao chép của Trung Quốc vẫn hạn chế. Nó phản ánh sự khó khăn trong thiết kế và tuổi thọ ngắn, mức tiêu thụ điện năng của hệ thống rất lớn.
Theo biên chế, một Đại đội tên lửa HQ-9 gồm có 4 xe bệ phóng liên kết với một radar điều khiển hỏa lực HT-233. HQ-9 có tầm bắn tối đa lên đến 200 km với độ cao tác chiến tối đa 30 km.
Ngoài ra, hệ thống này có khả năng chống tên lửa đường đạn như S-300PMU của Nga. HQ-9 có khả năng tương thích cả với các radar phát hiện của Nga và các loại tên lửa do Nga sản xuất. Nhờ đó, có thể triển khai HQ-9 xen kẽ với S-300 tạo nên hệ thống phòng không được cho là hoàn hảo.
Mặc dù, tầm bắn tối đa lên tới 200 km, song radar HT-233 chỉ có tầm phát hiện mục tiêu 150 km, nên hệ thống buộc phải dựa vào radar theo dõi của Nga để phát huy tầm bắn.
Việc Quân đội Trung Quốc cho triển khai hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 tới gần Ấn Độ có thể coi là một động thái khiêu khích, khoét sâu vào vết rạn nứt trong quan hệ vốn đã căng thẳng giữa hai nước láng giềng này.
Ngoài ra, cũng có khả năng, việc Trung Quốc đưa HQ-9 tới khu vực biên giới là nhằm đối phó với các máy bay tiêm kích Su-30MKI của Không quân Ấn Độ. Loại máy bay này hiện được cho là vượt xa mọi tính năng so với Su-30MKK, Su-30MK2 hay J-11 của Trung Quốc.