Theo trang mạng Strategypage, trong tháng 8, trên các trang mạng, diễn đàn của Trung Quốc đã xuất hiện một bức ảnh được chụp bằng điện thoại di động phần còn lại của một quả tên lửa được đánh giá là giống như tên lửa chống tàu siêu âm Klub do Nga sản xuất. Theo dân mạng thì quả tên lửa này được một ngư dân Trung Quốc vớt trên Biển Đông.
Dân mạng Trung Quốc cho rằng, có thể quả tên lửa này được phóng đi từ một tàu ngầm Kilo của Hải quân Trung Quốc.
Về phía Hải quân Trung Quốc đã cho người đến thu hồi các mảnh vỡ sau khi nó được vướt lên, nhưng từ chối bình luận về việc này.
|
Phần còn lại của quả tên lửa "lạ" được cho là giống với đạn tên lửa hệ thống Klub-S mà ngư dân Trung Quốc vớt.
|
Hệ thống tên lửa hành trình Klub là một trong những vũ khí “đáng sợ” trên thế giới đặc biệt là trong tác chiến chống tàu mặt nước. Biến thể trang bị trên tàu ngầm được định danh là Klub-S có thể bắn nhiều loại tên lửa, điển hình là đạn chống tàu mặt nước 3M-54E đạt tầm phóng đến 200km, tốc độ bay siêu thanh Mach 2,9. Ngoài ra, còn có các loại đạn chống tàu cận âm nhưng tăng tầm bắn xa hơn hoặc đạn đối đất tầm xa đến 400km.
Klub-S có thể tích hợp trên nhiều loại tàu ngầm phi hạt nhân của Nga, trong đó có lớp tàu Kilo Project 636. Hiện nay, Trung Quốc có trong biên chế 10 tàu ngầm Project 636 được mua của Nga. Tuy nhiên, quốc gia này chưa bao giờ công khai hay thừa nhận việc những tàu này có tích hợp Klub-S hay không?
|
Hải quân Trung Quốc đã thu hồi quả đạn mà không tiết lộ gì thêm.
|
Ngoài Trung Quốc, Ấn Độ đã đặt hàng Nga nâng cấp tàu ngầm Kilo Project 877EKM (biến thể cũ hơn Project 636) trang bị hệ thống Klub-S nâng cấp sức mạnh con tàu. Dù vậy, Ấn Độ đã gặp không ít vấn đề khi tích hợp Klub-S lên tàu ngầm.
Ấn Độ bắt đầu gặp phát sinh với tên lửa hành trình Klub-S vào năm 2007, khi hải quân nước này tiến hành thử nghiệm phóng thử 6 lần các tên lửa Klub từ tàu ngầm Kilo nhưng đều thất bại. Phía Nga cũng không có lời giải thích cho việc này.
Chính phủ Ấn Độ rất tức giận về chuyện này và đã từ chối thanh toán số tiền nâng cấp tàu ngầm cho Nga, cho đến khi nước này khắc phục được các vấn đề với tên lửa Klub. Cuối cùng thì người Nga cũng tiến hành chỉnh sửa lại sai lầm của mình và các vụ thử nghiệm tên lửa Klub diễn ra sau đó đều thành công đã thuyết phục Hải quân Ấn Độ quay lại sử dụng tên lửa Klub.
|
Nạp đạn tên lửa hệ thống Klub-S cho tàu ngầm Kilo Ấn Độ.
|
Theo Strategypage, Trung Quốc cùng nhiều lần thử nghiệm tên lửa Klub trên các tàu ngầm Kilo nhưng đã thất bại. Dù vậy họ không hề có ý định từ bỏ trang bị loại tên lửa này lên các tàu ngầm của mình.
Bình luận về sức mạnh Klub, Strategypage cho rằng, Klub được coi là "sát thủ diệt tàu sân bay" nhưng liệu phải bắn chính xác bao nhiêu quả tên lửa Klub để có thể tiêu diệt một tàu sân bay? Hơn nữa các tên lửa của Nga có ít kinh nghiệm tác chiến trên chiến trường và khả năng hoạt động của các tên lửa này không ổn định nhất là qua bài học của Ấn Độ và Trung Quốc. Việc kiểm soát chất lượng các sản phẩm quốc phòng xuất khẩu chưa bao giờ là thế mạnh của nước Nga, nhưng vũ khí của Nga lại được đánh giá cao hơn vũ khí của Phương Tây. Với việc hợp tác với chính phủ của nhiều quốc gia khác nhau khiến thị trường vũ khí của Nga ngày càng mở rộng hơn nhưng họ lại không quá quan tâm về chất lượng của chúng.
Hiện nay cả Ấn Độ và Trung Quốc đều có kế hoạch sử dụng tên lửa chống hạm siêu âm Klub để chống lại các mối đe dọa tiềm ẩn, đối với Ấn Độ là Pakistan còn Trung Quốc lại là Ấn Độ và Mỹ cũng như một danh sách dài các quốc gia láng giềng của nước này trong những cuộc chiến trong tương lai.