Tajfun-M: cỗ xe hộ vệ tên lửa hạt nhân Nga

Google News

(Kiến Thức) - Xe chiến đấu chống biệt kích BPDM Tajfun-M sẽ được dùng để bảo vệ các tổ hợp tên lửa chiến lược cơ động và các hầm phóng tên lửa.

Theo tờ RIA Novosti, trong vài tháng tới trang bị kỹ thuật của Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga (RVSN) sẽ được bổ sung xe chiến đấu thế hệ mới. Lần này các chiến sĩ tên lửa sẽ nhận không phải là xe phóng tự hành hoặc xe dùng để đảm bảo trực chiến, mà là một loại xe dùng cho hoạt động động bảo vệ các tổ hợp tên lửa cơ động và căn cứ có hầm phóng tên lửa, xe chiến đấu chống biệt kích BPDM Tajfun-M.
Nhiệm vụ của xe chiến đấu chống biệt kích Tajfun-M là phải tìm ra được và tiêu diệt bọn biệt kích thám báo định tấn công các xe chiến đấu của tổ hợp tên lửa chiến lược cơ động. Trong việc này trọng tâm là quan sát không gian bao quanh và tìm kiếm những xe cộ và người tiềm ẩn nguy cơ. Chính do lí do này mà đã tăng cường trang bị cho BPDM một lượng lớn các thiết bị đủ loại và chỉ bố trí một súng máy.
 Xe chiến đấu chống biệt kích BPDM Tajfun-M.
Việc nghiên cứu dự án này đã được bắt đầu từ cuối những năm 1990, nhưng mãi gần 15 năm sau mới đến được giai đoạn sản xuất hàng loạt. Trong thời gian này đã có vài lần những nét cơ bản của dự án đã có thay đổi. Ví dụ, phương án ban đầu của BPDM mang tên Typhoon được dự kiến thực hiện trên khung bệ và thân xe bọc thép BTR-80. Sau đó sự phát triển của dự án xe chống biệt kích đã dẫn đến việc xe cơ sở mới dưới dạng BTR-82 được lựa chọn cho xe Tajfun-M. Song chính tổ hợp thiết bị vô tuyến điện tử đã bị thay đổi nhiều nhất trong quá trình nghiên cứu và đổi mới.
Rất tiếc là do những lý do có thể hiểu được, cho đến nay phần lớn thông tin về dự án Tajfun-M đều không được nhà thiết kế công khai. Dù sao, một số tài liệu được công bố cũng cho phép dựng lên bức tranh chung khá chính xác mô tả kết cấu, thiết bị và khả năng của xe BPDM mới.
Dự án xe chiến đấu chống biệt kích Tajfun-M do Liên hiệp Khoa học Sản xuất Strela Tula nghiên cứu từ năm 2007. Theo một số nguồn tin, công việc thiết kế của dự án đã được hoàn tất năm 2011. Không lâu sau đã bắt đầu chế tạo nguyên mẫu đầu tiên của BPDM tương lai. Trong năm 2012 chiếc Tajfun-M đầu tiên đã bắt đầu được thử nghiệm.
Tajfun-M có một số khác biệt rõ ràng so với xe cơ sở BTR-82. Trước hết, nhà thiết kế đã thay tháp pháo nguyên gốc của xe bọc thép trên xe chống biệt kích bằng một bệ quay tròn điều khiển từ xa lắp súng máy PKT. Thứ hai, phần lớn nóc thân xe là các thiết bị bổ sung, để trong các thùng kim loại dạng hộp hoặc hình phức tạp nhiều mặt.
Ở các thùng đặt trên nóc xe bọc thép là một phần thiết bị quan sát và thông tin liên lạc. Tổ hợp vô tuyến điện tử và quang - điện tử đảm bảo việc quan sát tin cậy toàn bộ không gian quanh xe trong mọi điều kiện thời tiết bất kể đêm hay ngày.
Trong tổ hợp này có các hệ thống quan sát theo các kênh quang học và tìm nhiệt, cũng như có thể có trạm radar. Một phần các hệ thống quan sát được lắp trên cột có thể nâng lên được.
 BPDM Tajfun-M thiết kế dựa trên khung gầm cơ sở xe bọc thép bánh lốp BTR-82.
Theo nguồn tin RIA Novosti, BPDM Tajfun-M có thể phát hiện trang bị kỹ thuật ở cự li 6km, phát hiện người ở cự li ngắn hơn 2 lần (3km). Ngoài ra, theo tin đưa trên các phương tiện thông tin đại chúng, xe chống biệt kích có trang bị hệ thống chống các thiết bị nổ điều khiển bằng vô tuyến điện. Hiện chưa rõ thành phần của thiết bị và các model của nó.
RIA Novosti căn cứ vào những bức ảnh và băng video có được, có thể đưa ra một số kết luận về cách bố trí các không gian bên trong thân xe BPDM Tajfun-M.
Theo đó, khoang đổ bộ của xe chiến đấu bọc thép trước đây được dành làm chỗ làm việc của kíp xe và để thiết bị vô tuyến điện tử. Dự kiến, kíp xe gồm 3 người: chỉ huy, thợ cơ khí kiêm lái xe và một người vận hành các hệ thống trinh sát.
Vị trí làm việc của người thao tác và chỉ huy được trang bị các hệ thống kiểm soát và điều khiển thiết bị điện tử. Tín hiệu từ trạm quang - điện tử được đưa lên màn hình tinh thể lỏng. Người thao tác hay chỉ huy có khả năng cả theo dõi diễn biến tình hình xung quanh, tấn công các mục tiêu phát hiện được bằng súng máy có trên xe. Do hoả lực tương đối yếu của khẩu súng máy này, có thể đưa ra kết luận tiếp theo: “khi cần thì kíp xe sẽ BPDM phải xin yểm trợ từ bên ngoài”.
Trong thành phần thiết bị quan sát của Tajfun-M, ngoài các hệ thống lắp đặt trực tiếp trên xe, cũng đưa thêm thiết bị bổ sung có bán kính hoạt động lớn hơn nhiều. Để quan sát các khu vực xa, kíp xe BPDM Tajfun-M có thể sử dụng máy bay không người lái BPLA loại nhẹ.
 Bên trong BPDM Tajfun-M.
Cuối tháng 8/2013, đã xuất hiện những thông báo đầu tiên về việc huấn luyện các kíp xe để sử dụng Tajfun-M sau khi chuyển giao chúng về đơn vị. Khoá học dành cho các sĩ quan các đơn vị tên lửa được tiến hành tại căn cứ của phân hiệu thuộc Học viện Lực lượng Tên lửa Chiến lược Petr Đại đế ở Serpukhov. Theo nguồn tin RIA Novosti, Nga đang dùng chiếc xe chiến đấu chống biệt kích duy nhất để huấn luyện đội ngũ thợ cơ khí– lái xe, chỉ huy và người thao tác.
Cũng cuối tháng 8, Bộ Quốc phòng Nga đã tiết lộ kế hoạch về Tajfun-M với báo giới. Theo đó, cho tới cuối năm nay có kế hoạch sản xuất và chuyển giao cho các đơn vị trực chiến những xe BPDM sản xuất hàng loạt đầu tiên. Chúng sẽ được đưa về cho các đơn vị của sư đoàn tên lửa Teikov. Tiếp theo, Tajfun-M sẽ được cấp cho các đơn vị tên lửa chiến lược khác. Trong các đơn vị khác, xe sẽ phục vụ cả ở các đơn vị (cấp trung đoàn trở lên) khai thác các tổ hợp tên lửa cơ động trên địa hình.
Theo kế hoạch BPDM sẽ hộ tống các xe khác của tổ hợp khi hành quân và trong thời gian phóng tên lửa. Ngoài ra, có kế hoạch sử dụng trang bị kỹ thuật chống biệt kích để bảo vệ các căn cứ chứa tên lửa đạn đạo liên lục địa trong hầm phóng mặt đất.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)