Súng trường bắn tỉa cỡ nòng "quái vật" hồi sinh

Google News

(Kiến Thức) - Gần như đã biến mất từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2, súng trường bắn tỉa cỡ nòng “quái vật” 20mm đang dần hồi sinh để…chống khủng bố.

Trong lịch sử chiến tranh lâu nay, người ta nghe nói nhiều tới súng trường bắn tỉa cỡ nòng 7,62mm, ít hơn một chút là 12,7mm, 14,5mm. Tuy nhiên, cỡ nòng 20mm rất ít được biết đến. Nói một cách khác, có rất ít quốc gia hay quân đội các nước sử dụng súng bắn tỉa cỡ nòng của pháo này.
Thực tế, súng trường bắn tỉa cỡ 20mm đã xuất hiện từ thời kỳ chiến tranh Liên Xô - Phần Lan giai đoạn 1939-1940. Trong cuộc chiến tranh này, người Phần Lan đã dùng súng trường bắn tỉa Lathi L39 cỡ 20mm để đánh trả xe tăng Liên Xô trong các trận chiến đấu. Nhưng ngoài công dụng cơ bản, súng này còn được dùng để chống lại các chiến sĩ bắn tỉa.
 Súng bắn tỉa cỡ nòng 20mm Kawamura Type 97.
Quân đội Nhật Bản cũng đã đưa vào trang bị súng chống tăng 20mm Kawamura Type 97 được chế tạo trên cơ sở pháo lắp trên máy bay. Khối lượng không đạn của khẩu súng chống tăng này là 50kg, còn khi lắp lá chắn thép tháo ra được và hộp đạn 7 viên, súng năng 68kg. Sử dụng khẩu súng nặng cân này cần khẩu đội 4 người. Để tiêu diệt sinh lực địch, súng dùng đạn nổ mảnh.
Do đặc điểm tác chiến giai đoạn này, việc bắn chính xác bằng súng có cỡ đạn lớn không được phổ biến. Nhưng ngày nay, các quân đội được huấn luyện và trang bị tốt chủ yếu phải tiến hành các hoạt động chống khủng bố và chống du kích, vũ khí cỡ đạn lớn lại trở nên cần thiết. Có thể lấy thành tích của xạ thủ bắn tỉa Canada Rob Furlong đã tiêu diệt khẩu đội súng máy Taliban từ cự ly hơn 2.000m làm ví dụ hoạt động thành công bằng súng trường cỡ nòng lớn.
Thấy được nhu cầu của súng trường bắn tỉa cỡ nòng 20mm, công ty Anzio Ironwork (Mỹ) đã phát triển một loạt mẫu súng trường bắn tỉa cỡ nòng 20mm (dùng chung đạn với khẩu pháo M61 Vulcan 6 nòng cỡ 20mm trang bị trên máy bay chiến đấu Mỹ) gồm:
- Súng trường bắn tỉa nạp đạn một lần Anzio 20mm có chiều dài nòng súng 1,27m, khối lượng toàn bộ 17,2kg, cự ly bắn 2.370m.
- Súng trường bắn tỉa hạng nặng có hộp tiếp đạn (3 viên) Anzio Mag-Fed 20mm có chiều dài 1,244m. Nạp đạn bằng tay.
 Súng trường bắn tỉa của Anzio Ironworks.
Anzio Mag– Fed ngoài việc bắn cỡ đạn 20mm thì có thể thích nghi với đạn 14,5mm của Liên Xô. Với kính ngắm quang học hiện đại Mag-Fed 20mm cho phép tiêu diệt các mục tiêu có bảo vệ và xạ thủ bắn tỉa ở các cự lý mà súng cỡ đạn 12,7mm không với tới được.
Theo khẳng định của những người chế tạo, súng trường 20mm Mag-Fed có phương pháp điều khiển bắn và cách lắp kính ngắm quang học rất giống với súng trường AR-15. Theo các nhà chế tạo súng, điều này làm cho việc làm chủ súng cỡ nòng lớn khủng khiếp này dễ dàng hơn nhiều. Giá của súng trường này là 11.900 USD.
- Súng trường bắn tỉa nạp đạn một lần Anzio 20-50 dài 1,853m, sử dụng nòng súng có độ dài 1,14m, 1,01m hoặc 0,91m.
Khẩu Anzio 20-50 cho phép tiêu diệt mục tiêu trên đường chân trời. Cự li bắn được công bố là 4.572m cho đạn 20 mm, cự li này xa hơn khoảng cách đến đường chân trời (khi mắt ở độ cao 1,7m thì khoảng cách đến đường chân trời khoảng 4,7km, tất nhiên, khi xạ thủ nằm thì khoảng cách này sẽ ngắn hơn, còn người đang ở trên tầng 9-10 thì thấy đường chân trời ở cự ly 20km).
Ngoài cỡ đạn 20mm M61 Vulcan, bên cạnh đó, những khẩu Anzio cũng có khả năng sử dụng đạn 20mm khác.
 Súng bắn tỉa 20mm của Anzio Ironworks có thể xuyên thủng xe bọc thép và diệt sinh lực địch.
Các hãng Rheinmetall, Nexter, GDOTS và ATK đưa ra các loại đạn 20x102 mm. Ví dụ, đạn xuyên giáp tự vỡ FAP (Frangible Armour Piercing) do Rheinmetall và GDOTS sản xuất được dùng cho nhiệm vụ “không đối không” và “không đối đất” có khả năng sát thương lớn trong một quả đạn đối với các mục tiêu có giáp bảo vệ và không có giáp mà không cần dùng thêm chất nổ.
Hãng GDOTS thông báo, đạn tự vỡ có lõi volfram khi trúng mục tiêu sẽ xuyên qua lớp ngoài của mục tiêu, và khi vượt qua lớp kết cấu còn lại sẽ tạo mảnh có năng lượng cao.
Còn một loại đạn 20x102 mm có nguyên lý hoạt động cạnh tranh PELE (xuyên qua và có tác động mạnh sau đó) đã được Rheinmetall và ATK hợp tác chế tạo. Trong đạn PELE, giống như đạn FAP không dùng chất nổ và ngòi nổ.
Đối với đạn PELE, lõi volfram rỗng xuyên qua lớp giáp bảo vệ, nhưng phần lõi chất dẻo của nó có tỷ trọng thấp không xuyên được và bị nén lại rất nhanh. Khi đó một áp suất rất lớn được tạo ra, nó phá vỡ lõi volfram khi nó chuyển động bên trong mục tiêu. Về mức độ sát thương của loại đạn này thì khả năng xuyên của nó, các thông số tạo mảnh và độ nhạy vượt trội hơn các loại đạn truyền thống.
Liệu có cần tới loại vũ khí như vậy không? Theo những người tạo ra loại vũ khí này thì cần súng trường cỡ đạn lớn, bởi vì các lực lượng chống lại Quân đội Mỹ có thể có được súng trường cỡ đạn lớn, và khi đó vũ khí cỡ đạn 20 mm sẽ cho phép chiếm ưu thế trên chiến trường.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)