Yonhap dẫn lời quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay, nước này đang nhắm tới việc trang bị bị cho các tàu chiến Aeigs tên lửa đối không tầm cao Standard Missile 6 (SM-6) từ năm 2016.
Quyết định này nằm trong kế hoạch phát triển lá chắn tên lửa tầm thấp độc lập (với Mỹ) của Hàn Quốc mang tên “Hệ thống Phòng không và Phòng thủ tên lửa Hàn Quốc – KAMD”.
“Bộ Quốc phòng và Bộ Tham mưu Liên quân sẽ chuẩn bị một kế hoạch phát triển hệ thống KAMD nhằm đánh chặn vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên”, quan chức Bộ Quốc phòng nói.
KAMD bao gồm nhiều thành phần như radar cảnh báo sớm, hệ thống phòng thủ tên lửa trên bộ và trên không giúp Seoul phát hiện và đánh chặn tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Triều Tiên với sự hỗ trợ từ vệ tinh trinh thám Mỹ.
Nhằm xây dựng KAMD, Hàn Quốc đang tính toán kế hoạch mua thêm hệ thống tên lửa phòng không PAC-3 và PAC-2 cho “lá chắn” trên bộ. Trong khi ở trên biển, các tàu chiến Aegis sẽ dùng tên lửa SM-6 hiện đại hơn so với loại SM-2 không hiệu quả trong đánh chặn tên lửa đạn đạo Triều Tiên.
|
Tên lửa SM-6 có thể trở thành "trụ cột" lưới phòng thủ tên lửa đạn đạo. Ảnh minh họa |
Tên lửa SM-6 do hãng Raytheon (Mỹ) thiết kế phát triển từ cuối những năm 2000 cung cấp khả năng đánh chặn máy bay cánh bằng, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và kể cả tên lửa đạn đạo tầm ngắn. Đơn giá mỗi quả đạn SM-6 khoảng 4,3 triệu USD.
Đạn tên lửa SM-6 dùng khung thân dựa trên biến thể tên lửa SM-2ER Block IV với trọng lượng 1,5 tấn, dài 6,55m và đường kính thân 0,53m.
Về hệ thống dẫn đường, SM-6 trang bị đầu tự dẫn radar chủ động của tên lửa không đối không tầm trung AIM-120C nhưng có kích cỡ lớn hơn tăng tầm trinh sát, khóa mục tiêu. Điều này được đánh giá là sự cải tiến mạnh giúp tên lửa SM-6 đánh chặn hiệu quả mục tiêu cơ động cao, mục tiêu ngoài tầm chiếu rọi đài radar điều khiển.
Trong chiến đấu, sau khi phóng tên lửa được dẫn đường bằng nhiều phương thức gồm: dẫn hướng quán tính và dùng đầu tự dẫn radar chủ động ở pha cuối; dùng radar dẫn đường bán chủ động trong suốt hành trình bay.
SM-6 được kết cấu với 2 tầng động cơ đẩy nhiên liệu rắn cho phép đạt tầm bắn xa đến 240km, độ cao diệt mục tiêu 33km và tốc độ hành trình Mach 3,5.
Hiện nay, Hải quân Hàn Quốc có trong biên chế 3 chiến hạm thuộc lớp Sejong Đại đế có lượng giãn nước tới 11.000 tấn, dài 165,9m. Tàu được trang bị hệ thống chiến đấu Aegis tối tân với “trái tim” – radar mạng pha điện tửu AN/SPY-1D(V) có thể theo dõi tên lửa đạn đạo.
Lớp Sejong Đại đế trang bị hệ thống phóng thẳng đứng 128 ống có thể chứa nhiều loại đạn tên lửa. Trong đó, có 80 ống được dùng để chứa đạn tên lửa đối không SM-2 Block IIIB/IV.
Do tên lửa SM-6 được chế tạo dựa trên khung thân SM-2 nên Sejong Đại đế có thể dễ dàng tích hợp SM-6 mà không cần cải tiến nhiều.
Như vậy, với 80 quả đạn SM-6 mỗi tàu, Hàn Quốc có thể hình thành lá chắn 240 quả đạn SM-6 trên biển đánh chặn mọi tên lửa đạn đạo tầm ngắn - trung của Triều Tiên.
TIN LIÊN QUAN:
ĐANG ĐỌC NHIỀU: