Phòng không Syria “chơi trò mèo vờn chuột” với Thổ Nhĩ Kỳ

Google News

(Kiến Thức) - Syria liên tục có các hành động trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi nước này bắn hạ một  máy bay chiến đấu của Syria vào tháng 3 năm nay.

Tạp chí Jane’s Defence Weekly dẫn nguồn tin Bộ tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) cho hay, lực lượng phòng không Quân đội chính phủ Syria đang tăng các hoạt động đánh chặn các máy bay chiến đấu F-16 của không quân nước này trong suốt tháng vừa rồi. Vào thời gian cao điểm, những chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ đã bị tên lửa phòng không Syria “khóa mục tiêu” hơn 20 phút.
"Các radar phòng không của Syria đã khóa mục tiêu máy bay F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ khi các máy bay này đang bay trên không và hệ thống cảnh báo sớm trên F-16 ngay lập tức thông báo cho các phi công về nguy cơ bị tấn công bằng tên lửa phòng không thù địch", đại diện Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
 Tiêm kích đa năng F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ.
Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cũng từng cảnh báo về việc các máy bay của nước này bị khóa mục tiêu bởi các tên lửa phòng không S-75 (NATO định danh là SA-2) và S-200 (SA-5) của Syria, kể từ tháng 11 năm ngoái cho tới nay. Theo thông tin từ TAF, các máy bay trên đều đang thực hiện nhiệm vụ tuần tra trên không bên trong không phận của Thổ Nhĩ Kỳ.
Thời gian khóa mục tiêu của hệ thống phòng không Syria với các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu gia tăng, khi vào tháng 12 năm ngoái là 2 phút. Sau đó tăng lên 6 phút vào tháng 1 nhưng hai bên đều chưa xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào.
Nhưng trong tháng 3 các hành động gây hấn diễn ra ngày càng nghiêm trọng hơn khi một chiếc F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ bị khóa mục tiêu trên không gần 30 phút. Động thái trên được cho là hành động trả đũa của Syria sau khi một chiếc F-16 Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi một chiếc MiG-23 của Quân đội chính phủ Syria khi bay lạc vào trong không phận Thổ Nhĩ Kỳ.
Hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E của Quân đội Syria.
Vào đầu tháng 3 năm nay, Quân đội chính phủ Syria đã bắt đầu sử dụng các hệ thống phòng không hệ thế mới như Pantsir-S1E (NATO định danh là SA-22 Greyhoun') và Buk-M2E (NATO định danh là SA-17 Grizzly) do Nga sản xuất, để tăng cường khả năng phòng không của nước này trong bối cảnh nội chiến trong nước và trước nguy cơ bị Phương Tây tấn công. Giờ đây các hệ thống phòng không trên đang được sử dụng để quấy nhiễu các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ, quốc gia được cho là đang hỗ trợ cho quân nổi dậy Syria.
Cường độ quấy nhiễu của radar phòng không Syria có chiều hướng giảm vào đầu tháng 4 nhưng tiếp tục trở lại vào cuối tháng. Ngoài các máy bay chiến đấu, các máy bay khác của Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị đưa vào trong tầm nhắm như máy bay vận tải và giám sát trên không CN235 khi nó đang thực hiện tuần tra và giám sát các vùng biển của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổ hợp tên lửa-pháo phòng không tầm ngắn Pantsir-S1.
Mặc dù các hệ thống phòng không trên (Buk và Pantsir-S1) có phạm vi tấn công thấp hơn so với các tên lửa phòng không trước đây của Quân đội chính phủ Syria nhưng lại tạo ra mối đe dọa cao hơn cho các máy bay chiến đấu của Thổ Nhĩ Kỳ. Không giống như các hệ thống radar dẫn đường bán chủ động lạc hậu của hệ thống phòng không S-75 hay S-200, hệ thống radar dẫn đường thế hệ mới của Buk-M2E có thể kiểm soát và tấn công nhiều mục tiêu cùng một lúc.
Buk-M2E là hệ thống phòng không tầm trung được nâng cấp từ hệ thống phòng không Buk do phát triển bởi Liên Xô, xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2008 và được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng sử dụng. Mỗi xe phóng được trang bị 4 tên lửa phòng không 9M317 có tầm bắn hiệu quả từ 3km đến 50km và có thể tấn công đồng thời 6 mục tiêu cùng lúc. Nó được đánh giá là một trong những hệ thống phòng không tầm trung hiệu quả nhất hiện nay.
Trà Khánh

Bình luận(0)