SSV-33 Ural là một con tàu khổng lồ chạy bằng năng lượng hạt nhân được đóng xong năm 1983 và biên chế cho Hải quân Liên Xô hùng mạnh. Trang bị công nghệ trinh sát hiện đại, nó là một trong những con tàu tiên tiến nhất thời đó. Tuy nhiên, con tàu đã có kết thúc buồn.
Cuối những năm 1970, trong bối cảnh Mỹ tăng cường lực lượng tại Tây Âu với việc triển khai 572 tên lửa đạn đạo tầm trung cơ động Pershing-2 đã gây áp lực lớn tới Liên Xô. Chính lúc này, Liên Xô bắt đầu lên phương án để đối phó với mối đe dọa lớn này.
Thời điểm đó, tình báo Liên Xô tập trung sự chú ý vào Kwajalein Atoll, nằm cách đảo Honolulu 3.900km về phía Nam, nơi mà đã trở thành bãi thử cho hệ thống phòng thủ chống tên lửa, tên lửa đạn đạo liên lục địa Minuteman và tên lửa Peacekeeper mới. Tuy nhiên, Liên Xô không có các căn cứ hải quân cũng như cơ sở giám sát điện tử, giống như căn cứ trinh sát Lourders ở Cuba.
|
Tàu do thám khổng lồ Ural (SSV-33) thuộc Project 1941 Titan.
|
Vì vậy, chính quyền Liên Xô quyết định sẽ phải có một con tàu khổng lồ sử dụng năng lượng hạt nhân, có khả năng hoạt động trên biển không hạn chế để trinh sát các căn cứ của Mỹ.
Một con tàu như vậy sẽ có khả năng thu thập dữ liệu về mục tiêu ở bất kì đâu trên thế giới, và ngay cả trên quĩ đạo. Và vì thế Project 1941 Titan đã được khởi động, tạo ra con tàu lạ kì nhất trong lịch sử hải quân thế giới.
Kích thước của con tàu có thể so sánh với tàu tuần dương hạt nhân hạng nặng lớp Orlan của Liên Xô hay tàu sân bay của Hải quân Ấn Độ INS Vikramaditya. Con tàu khổng lồ này dài 265m (dài hơn tàu sân bay Pháp Charles de Gaulle 4 mét) và rộng 30m, lượng giãn nước gần 37.000 tấn.
Để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ ở mọi nơi trên thế giới, dài này, Project 1941 Titan được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân KN-3 với 2 động cơ tuốc bin khí GT3A-688 giúp tàu đạt tầm bơi không giới hạn, tốc độ đạt được tới 21,6km/h.
“Hỏa lực” chính của Project 1941 không phải là các hệ thống tên lửa diệt hạm cực mạnh hay pháo hạm hạng nặng mà là các hệ thống điện tử - hệ thống trinh sát vô tuyến Coral được phát triển bởi Viện thiết kế Vympel từ năm 1975.
|
Mái vòm khổng lồ che radar được lắp trên thượng tầng soái hạm Ural (SSV-33).
|
Hệ thống Coral được cấu thành với bộ đôi siêu máy tính ES-1046 và Elbrus được thiết kế để theo dõi các vụ phóng tên lửa, xác định các loại tên lửa, phạm vi và địa điểm phóng cùng mục tiêu tọa độ, trọng lượng, tải trọng, thậm chí là cả thành phần của nhiên liệu tên lửa được sử dụng.
Theo thiết kế, hệ thống trinh sát phức tạp của tàu có thể xác định bất kỳ mục tiêu nào, theo dõi các kênh thông tin liên lạc, theo dõi vệ tinh và xác định các thông số kỹ thuật của bất kỳ tàu vũ trụ nào từ khoảng cách 1.500 km.
Hơn 200 viện nghiên cứu khoa học, phòng thiết kế, nhà máy và các tổ chức khác có liên quan đã tham gia thiết kế Project 1941, một con tàu mà thực chất là một cơ sở nổi với nhiều chuyên gia phòng thí nghiệm khác nhau.
Tàu có thủy thủ đoàn gần 1.000 người và bên cạnh chức năng quân sự và khoa học của nó, tàu có cả phòng bi-a, phòng thể thao, rạp chiếu phim, hai phòng tắm hơi và bể bơi.
Sau khi việc hiệu chỉnh được hoàn thành vào năm 1988, chiếc đầu tiên mang tên Ural (SSV-33) đã đi vào phục vụ như là soái hạm của bộ phận trinh sát của Hạm đội Thái Bình Dương. Ngày 20/9/1989, một báo cáo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết “có một con tàu trinh sát khổng lồ xuất hiện ở phía tây đảo Okinawa”, gây bất ngờ cho toàn thế giới.
|
Sự xuất hiện của Ural khiến cả thế giới sửng sốt.
|
Tất cả các hệ thống trên tàu đều đã được thử nghiệm trên hành trình từ biển Baltic đến Viễn Đông, xác định rõ từ khoảng cách 1.000km vụ phóng tàu con thoi Columbia của Mỹ, cùng hai vệ tinh quang-điện và gián điệp được triển khai theo chương trình Chiến tranh giữa các vì sao của Mỹ. Tuy nhiên, Ural đã được lệnh không bao giờ đi trinh sát khu vực thử nghiệm tên lửa Mỹ Kwajalein Atoll.
Cũng như nhiều loại vũ khí khác, sự ra đời của Ural (SSV-33) khiến Mỹ, NATO “kinh hãi” trước sức mạnh khoa học – kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Tuy nhiên, đáng tiếc cho Ural khi nó ra đời vào thời điểm đất nước Liên Xô gặp khủng hoảng trầm trọng về kinh tế và chính trị, mà đỉnh điểm là sự tan rã của liên bang hùng cường.
Thời điểm đó, có thể do nền kinh tế khó khăn nên người ta không thể xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết cho việc duy trì hoạt động của tàu. Căn cứ Hạm đội Thái Bình Dương không có cầu cảng nào đủ lớn để tiếp nhận Ural vì vậy con tàu phải neo bên ngoài cảng và hệ thống động lực của tàu phải chạy liên tục để cấp điện cho toàn hệ thống, phục vụ thủy thủ đoàn. Việc này là quá tốn kém vào thời điểm đó.
|
Sự tan rã của Liên bang Xô Viết khiến tàu do thám "khủng" nhất thế giới tàn tạ chỉ sau vài năm đi vào phục vụ.
|
Vận rủi của Ural (SSV-33) chưa dừng lại ở đó, năm 1990 sự cố trong hệ thống dây cáp gây cháy lớn trong phòng động cơ phía sau. Tới năm 1992, 2 lò phản ứng hạt nhân trên tàu đã buộc phải ngừng hoạt động. Như vậy, con tàu đã gần như mất khả năng tác chiến khi mà nguồn điện năng không còn.
Dù vậy, Ural vẫn tiếp tục giữ lại trong Hải quân Nga với nhiệm vụ là ký túc xá cho học viên hạm đội, khi đó nó được đặt biệt danh “tàu sân bay giường nằm”. Trong khoảng thời gian này thì do không được bảo dưỡng nên hệ thống radar trinh sát của tàu đã bị hư hỏng nặng.
Tới năm 2001, soái hạm bộ phận trinh sát Hạm đội Thái Bình Dương chính thức bị loại biên chế và tới năm 2010 thì bị tháo dỡ bán phế liệu.