Nhật “hô biến” siêu tàu 22DDH thành... tàu sân bay?

Google News

(Kiến Thức) - Theo tạp chí Khán Hòa, tàu chở trực thăng 22DDH của quân đội Nhật Bản có khả năng cải tiến thành tàu sân bay thực thụ.

Trên cơ sở tàu chở trực thăng Hyuga, lực lượng Phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF) đã chính thức khởi động chế tạo tàu chở trực thăng với lượng giãn nước 19.500 tấn (tiêu chuẩn) và 27.000 tấn (toàn tải) vào tháng 1/2012. 

Tương đồng với tàu sân bay Cavour (Italia)

Theo tạp chí Khán Hòa, tuy 22DDH chỉ được xếp vào tàu chở trực thăng nhưng xét thông số kỹ thuật, con tàu hoàn toàn có thể liệt vào cùng đẳng cấp với tàu sân bay hạng nhẹ lớp Cavour của Italy.

Lượng giãn nước toàn tải của Cavour 27.100 tấn, chiều dài tổng thể 244m, rộng 39m, độ mớn nước 8,7m. Còn 22DDH dài 248m, rộng 38m, độ mớn nước 7,5m. Có thể thấy, 22DDH và Cavour có kích thước gần như nhau. 

Về chiều dài, cả 22DDH và Cavour đều gần đạt đến chiều dài 253m của tàu đổ bộ tấn công lớp Wasp của Hải quân Mỹ (lớp Wasp có thể mang theo 20 chiếc tiêm kích F-35B).

Hệ thống động lực của 22DDH và Cavour hoàn toàn giống nhau, đều sử dụng 4 động cơ tuốc bin khí LM2500.
Tàu chở trực thăng 22DDH có kích thước tương tự tàu sân bay hạng nhẹ Cavour (góc ảnh phải) của Hải quân Italy.


Kho máy bay của Cavour dự tính có thể chứa được 12 chiếc F-35B, 8 chiếc trực thăng các loại, 451 thủy thủ và 203 thành viên phi hành đoàn. Điểm khác biệt với 22DDH là Cavour trang bị boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu (sky-jump).

Thực tế, thiết kế ban đầu của 22DDH cũng đã có ý tưởng thiết kế boong phóng máy bay kiểu nhảy cầu (sky-jump). Điều này chứng tỏ Bộ quốc phòng Nhật Bản đã cân nhắc khả năng cải tiến 22DDH thành tàu sân bay hạng nhẹ. 

Tạp chí Khán Hòa nhận định, việc biến 22DDH thành tàu sân bay về mặt kỹ thuật là hoàn toàn có thể, vấn đề chỉ còn là “cái gật đầu” từ chính quyền Nhật Bản. 

Một vấn đề nữa, liệu 22DDH có khả năng chở và đáp ứng yêu cầu cất hạ cánh của tiêm kích tàng hình F-35B. 

22DDH có khả năng mang được F-35B?

Theo Khán Hòa, 22DDH muốn mang được tiêm kích F-35B cần đảm bảo một số yếu tố nhất định, như khả năng chịu nhiệt của boong tàu. 

Vì khi F-35B hạ cánh thẳng đứng thì ống xả động cơ quay xuống dưới, hướng dòng khí phản lực nòng hàng nghìn độ lên mặt boong tàu, nó sẽ làm tan chảy hoặc đốt thủng bề mặt boong tàu. 

Đây là vấn đề mà bản thân “nhà sáng chế F-35B” – người Mỹ phải mất vài năm mới tìm ra phương án khắc phục. Gần đây, tới lượt nước Anh gặp phải vấn đề tương tự với boong phóng tàu sân bay Queen Elizabeth. 

Tuy nhiên, với nền công nghiệp đóng tàu tiên tiến người Nhật hoàn toàn có khả năng khắc phục được điều này. Hoặc nếu người Mỹ chịu giúp sức, chuyển giao công nghệ chế tạo mặt boong thì 22DDH hoàn toàn có thể tiếp nhận F-35B.
Tiêm kích F-35B hạ cánh thẳng đứng trên boong tàu đổ bộ lớp Wasp của Mỹ.


Ngoài vấn đề mặt boong, tải trọng của 22DDH liệu có thể chở được bao nhiêu chiếc F-35B. Khán Hòa nhận định, với những nét tương đồng với tàu Cavour của Italy, 22DDH cũng sẽ có khả năng chở cùng lúc 12 tiêm kích tàng hình F-35B. Như vậy, với 2 chiếc 22DDH đóng cho lực lượng phòng vệ mặt biển Nhật Bản (JMSDF) đảm bảo sử dụng 24 tiêm kích F-35B.

Cũng theo Khán Hòa, sau khi hoàn thành 2 chiếc 22DDH đầu tiên, Nhật Bản có thể mở rộng quy mô sản xuất biến thể cải tiến của 22DDH có lượng giãn nước tiêu chuẩn lên đến 29.000-39.000 tấn và lượng giãn nước toàn tải tăng lên 37.000-47.000 tấn. 

Theo đó, 22DDH sẽ trở thành tàu sân bay cỡ trung có khả năng mang theo khoảng 24 tiêm kích F-35B. Con số này ngang ngửa số lượng tiêm kích hạm tàu sân bay Liêu Ninh (CV-16) của Hải quân Trung Quốc. 

Không những thế, 22DDH cải tiến tương lai không chỉ mang được thêm tiêm kích phản lực mà còn mang được thêm máy bay cảnh báo sớm E-2. Như vậy, 22DDH lột bỏ “mác” tàu chở trực thăng trở thành tàu sân bay thực thụ với sức tấn công không thua kém tàu Liêu Ninh.

Tất nhiên, mọi thứ còn tùy thuộc vào quyết định của chính quyền Nhật Bản. Trước mắt, bộ quốc phòng nước này chỉ tuyên bố sơ lược về một vài tính năng của 22DDH, như có thể cùng lúc cất cánh 5 chiếc trực thăng và mang theo 14 chiếc trực thăng. 

Dù vậy, trong bối cảnh căng thẳng leo thang trong tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư với Trung Quốc, nhiều khả năng Nhật Bản cũng phải tính đến khả năng cải tiến 22DDH thành tàu sân bay để có sức tấn công mạnh mẽ hơn trên biển. 

ĐANG ĐỌC NHIỀU:
TIN LIÊN QUAN:
Lý Hoa

Bình luận(0)