Với việc đưa vào sử dụng thế hệ xe tăng tiếp theo của mình vào năm 2015 - siêu tăng Armata, Quân đội Nga sẽ mở ra một kỷ nguyên mới của lực lượng tăng - thiết giáp của nước này trong tương lai. Đặc biệt thế hệ tiếp theo của các loại xe thiết giáp, pháo tự hành mới được chế tạo dựa trên nền tảng Armata.
Quân đội Nga đang trải qua quá trình hiện đại hóa sâu rộng trong những năm gần đây, các binh chủng cũng như các lực lượng vũ trang của Nga hiện nay đã được chuẩn hóa theo hướng hiện đại hóa với nhiều hình thức khác nhau. Nhưng quá trình trên vẫn diễn ra ở tốc độ chậm và vẫn chưa hoàn toàn đồng bộ trong toàn bộ Quân đội Nga.
Trong đó có lực lượng bộ binh mặt đất, binh chủng chủ lực của Nga từ trước đến nay. Sức mạnh của lực lượng này là nằm ở đội hình tăng - thiết giáp đông đảo của Nga hiện tại. Hiểu rõ được điều này, Bộ quốc phòng Nga đã đầu tư khá nhiều cho các chương trình phát triển thế hệ xe tăng chiến đấu chủ lực cũng như các mẫu xe chiến đấu bộ binh mới.
|
Quân đội đặt nhiều hy vọng và các dự án chế tạo các mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép mới.
|
Victor Murakhovsky – chuyên gia quân sự người Nga phân tích cho rằng: “Việc tiêu chuẩn hóa lực lượng tăng thiết giáp trên cùng một nền tảng phát triển chung sẽ giúp đơn giản hóa quá trình phát triển và công nghệ. Nó gần giống như đồ chơi xếp hình LEGO bạn có thể dễ dàng thay đổi các module chính cũng như thay đổi các trang thiết bị dựa trên một nền tảng chung mà vẫn không làm thay đổi bất kì thiết kế nền tảng cơ bản của chúng”.
Cũng theo nhận định trên, thì các dự án phát triển lực lượng tăng thiết giáp thế hệ mới của Nga được chia làm 3 phần. Trọng tâm phát triển vẫn là lực lượng xe tăng chiến đấu chủ lực với siêu tăng Armata có trọng lượng trên 60 tấn và sẽ làm nắm đấm chủ lực của lực lượng bộ binh Nga. Armata còn được biết tới với dự án xe tăng chiến đấu thế hệ thứ 5 T-50 trong những năm về trước.
|
Siêu tăng Armata sẽ là nấm đấm chủ lực trên chiến trường trong tương lai của Quân đội Nga.
|
Siêu tăng Armata
Hiện nay dù đã gần tới thời điểm đưa siêu tăng Armata vào trang bị Quân đội Nga trong giai đoạn 2015-2020, nhưng thông tin cũng như thiết kế rõ ràng của mẫu tăng này vẫn chưa được thiết lộ.
Điều duy nhất được biết về Armata là nó được trang bị một tháp pháp tự động và kíp lái sẽ điều khiển tháp pháo chính từ bên trong thân xe. Với thiết kế này, kíp chiến đấu sẽ được bảo vệ hoàn toàn từ các nguy cơ tấn công từ bên ngoài.
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Rogozin cho biết, mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực Armata sẽ được giới thiệu trong diễu binh kỷ niệm Ngày Chiến Thắng vào năm 2015 trên quảng trường Đỏ ở Moscow. Và ước tính Quân đội Nga sẽ trang bị ít nhất là 2.300 chiếc Armata trong biên chế của mình.
Xe chiến đấu bộ binh thế hệ mới
Tiếp theo các dự án phát triển xe tăng chiến đấu chủ lực, Nga cũng đẩy mạnh các dự án chế tạo xe bọc thép chiến đấu bộ mới có trọng lượng lên đến 25 tấn như: Boomerang và Kurganets.
Theo đó thiết kế của những mẫu xe bọc thép mới này sẽ khác hoàn toàn so với những mẫu xe bọc thép truyền thống của Nga trước đây, với các động cơ được đặt ở phía trước xe thay vì ở sau như các dòng xe thiết giáp nổi tiếng BTR-80.
|
Mô hình mẫu xe bọc thép chiến đấu bộ binh Boomerang đang trong giai đoạn phát triển của Nga.
|
Bên cạnh đó, hai mẫu xe bọc thép mới của Nga được thiết kế với các cánh cửa ra vào chính được ở phía sau xe, giúp bảo vệ binh lính cũng như kíp lái tốt hơn trong quá trình tác chiến đổ bộ hay chuyển quân.
Xe bọc thép chống mìn Typhoon
Với điều kiện tác chiến trong chiến tranh hiện đại ngày nay, việc sở hữu một mẫu xe bọc thép có thể chống được các loại mìn bộ binh hay thiết bị nổ tự tạo luôn là mối quan tâm của bất kỳ quốc gia nào, trong đó có Nga.
Chính vì vậy mà Nga đã sở hữu cho mình mẫu xe bọc thép hạng nhẹ chống mìn Typhoon, nó được thiết kế dự trên nền tảng các dòng xe quân sự đa năng của Nga.
Typhoon có nhiệm vụ chính là vận chuyển binh lính cũng như trang thiết bị ra chiến trường, với khả năng vượt địa hình vượt trội. Nó có thể vượt qua vũng nước sâu hơn 2m và chướng ngại vật với tốc độ di chuyển tối đa 100km/h trên địa hình bình thường.
|
Typhoon là mẫu xe bọc thép chống mìn mạnh nhất của Quân đội Nga hiện nay.
|
Bên trong xe cũng được trang bị các tấm giáp chống mìn, Typhoon được thiết kế với 2 hàng ghế hai bên và các hàng ghế cũng có khả năng chống mảnh sát thương từ một vụ tấn công bằng mìn bộ binh. Điểm đặc biệt là hai hàng ghế trên được thiết kế để có thể bảo vệ an toàn cho binh lính bên trong ngay cả trong trường hợp xe bị lật nhào.
Mẫu xe chống mìn bộ binh này còn được trang bị hệ thống điều khiển và màn hình quan sát hiển thị rõ tình trạng bên ngoài lẫn tình trạng kỹ thuật bên trong xe thông qua các thiết bị thu hình ảnh được bố trí khắp thân xe. Ngay cả khi hệ thống điều khiển trên xe bị vô hiệu hóa thì nó vẫn có thể tiếp tục vận hành.
Thách thức mọi tiêu chuẩn kỹ thuật
Một trong những yêu cầu hàng đầu khi Quân đội Nga triển khai dự án phát triển nền tảng mới cho lực lượng tăng thiết giáp của nước này đó là các thiết kế phải theo dạng module. Để đáp ứng được yêu cầu này, các công ty quốc phòng Nga đã phát triển hàng chục xe bọc thép mới với những tên tuổi hàng đầu như KAMAZ và GAZ cũng như nhiều công ty khác.
|
Ngoài các doanh nghiệp trong nước, Nga còn hợp tác với các quốc gia khác trong các dự án chế tạo các mẫu xe chiến đấu bộ binh. Trong ảnh là mẫu xe chiến đấu bộ binh ATOM - sản phẩm hợp tác giữa Nga và Pháp.
|
Mỗi phiên bản xe bọc thép mới đều có tính năng ưu việt và hệ thống linh kiện thay thế trong quá trình hư hỏng do sử dụng hay chiến đầu đều được đồng bộ hóa, có thể sử dụng chung cho nhau.
Bộ Quốc phòng Nga hy vọng rằng, với sự tham gia của các công ty quốc phòng của nước này trong một dự án phát triển chung sẽ mang lại bước tiến mới cho ngành công nghiệp quốc phòng của Nga cũng như tiêu chuẩn hóa hệ thống khí tài quân sự của nước này, giúp làm giảm chi phí vận hành trong toàn bộ hệ thống.
Ngoài ra, việc phát triển các dòng xe tăng chiến đấu chủ lực và xe bọc thép chiến đấu bộ binh mới còn hướng đến các hợp đồng xuất khẩu vũ khí của Nga. Khi mà các mẫu xe quân sự của Nga đang mất dần chỗ đứng trên thị trường, do đã lạc hậu và không còn phù hợp trong điều kiện tác chiến mới.