Tờ RIR dẫn lời Phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban công nghiệp của Duma Quốc gia Nga Vladimir Gutenev trong một cuộc phỏng vấn gần đây cho biết, bất chấp mọi rào cản, cho đến thời điểm hiện tại Nga đã có hàng trăm công ty liên doanh và hàng chục dự án chuyển giao công nghệ quốc phòng trên khắp thế giới.
Gutenev tiết lộ với RIR, Nga đang muốn sử dụng tất cả mọi cơ hội có thể để thành lập các liên doanh đa quốc gia mới kể cả với các quốc gia đối tác thứ 3 hay thứ 4. Và một trong những những lĩnh vực đầy hứa hẹn với các công ty liên doanh của Nga là việc thành lập các liên doanh sản xuất linh kiện thiết bị điện tử đặc biệt là phục vụ cho ngành công nghiệp hàng không vũ trụ. Hiện tại Nga đã và đang mở rộng hợp tác trong lĩnh vực này với các quốc gia như Trung Quốc, Malaysia và Singapore.
|
Ngành công nghiệp quốc phòng Nga đang phải thay đổi do chịu tác động không nhỏ từ các lệnh trừng phạt của Phương Tây.
|
Ưu tiên dành cho BRICS, SCO và EEU
Các quốc gia Venezuela, Nam Phi, Ấn Độ và Trung Quốc là những đối tác chiến lược triển vọng nhất của Nga trong việc thành lập một liên doanh công nghiệp quốc phòng mới trong tương lai gần.
Điều này có thể dễ dàng nhận thấy thông qua các dự án quốc phòng chung đang được thực hiện giữa Nga và Nam Phi, điển hình nhất là kế hoạch thành lập một liên doanh sản xuất đạn dược với quy mô lớn giữa hai nước. Trong khi đó Ấn Độ cũng đang hợp tác với Nga trong việc phát triển mẫu máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ 5 dành cho Không quân Ấn Độ, dựa trên nền tảng Su T-50 PAK FA.
Một đối tác quan trọng khác của Nga ở châu Á là Trung Quốc cũng đang hợp tác với các công ty quốc phòng của Nga để phát triển một mẫu trực thăng vận tải hạng nặng thế hệ mới dựa trên kinh nghiệm của Nga trong ngành công nghiệp hàng không.
Có một điểm quan trọng là các đối tác tiềm năng để thành lập liên doanh quốc phòng với Nga trong tương lai gần đều sẽ trở thành các nhà thầu chính cung cấp các sản phẩm quốc phòng dành cho thị trường nội địa của Nga, thay thế cho các nhà thầu trước đây đến từ Ukraine hay Phương Tây. Các quốc gia thành viên của các tổ chức quốc tế mà Nga là thành viên chủ chốt như BRICS, SCO và EEU gồm Belarus, Kazakhstan, Malaysia, Singapore, Brazil, Ấn Độ và Trung Quốc đều sẽ sớm trở thành các đối tác chiến lược của ngành công nghiệp quốc phòng Nga.
|
Việc thành lập các liên doanh quốc phòng được xem sẽ mang lại lợi ích cho cả Nga lẫn các quốc gia đối tác.
|
Cũng theo Gutenev, Moscow dành sự quan tâm đến tất cả các quốc gia mối quan hệ hợp tác quốc phòng với Nga, đặc biệt là các đối tác đáng tin cậy có chính sách độc lập và có thị trường phát triển tiềm năng. Theo đó chính sách của các công ty quốc phòng Nga hiện tại là phát triển mối quan hệ chiến lược dài hạn và trên sự phát triển của một cơ sở sản xuất chung, nhằm đảm bảo sự ổn định của nguồn cung trong tương lai dựa trên tính bền vững của mối quan hệ hợp tác giữa Nga và các quốc gia khác.
Các thiết kế sư của Nga tin rằng, các công nghệ quốc phòng mang tính đột phá trong tương lai có thể sẽ được dựa trên các dự án hợp tác quốc tế chung. Khi mà với nhu cầu phát triển của ngành công nghiệp quốc phòng thế giới hiện tại là rất lớn, và một dự án phát triển vũ khí mới bởi một công ty của một quốc gia duy nhất hiện nay là rất ít.
Sergey Goreslavsky - Phó Tổng giám đốc của Tập đoàn xuất nhập khẩu vũ khí nhà nước Rosoboronexport của Nga cho biết, các dự án chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực quân sự trên thế giới hiện nay đều đang dần được toàn cầu hóa. Trong thực tế Nga cũng như nhiều quốc gia khác đều đang trải qua sự thay đổi mối quan hệ hợp tác kỹ thuật-quân sự truyền thống sang các hình thức liên doanh phát triển chuyển giao công nghệ hay cùng nhau phát triển các sản phẩm quốc phòng mới.
|
Đa dạng hóa nguồn cung sẽ giúp ngành công nghiệp quốc phòng Nga thoát khỏi sự lệ thuộc vào các thị trường nhập khẩu truyền thống như Ukraine hay một số quốc gia Phương Tây.
|
Công ty quốc phòng tư nhân Nga bắt đầu bước ra thế giới
Các công ty quốc phòng tư nhân của Nga cũng không muốn đứng ngoài cuộc chơi khi cũng bắt đầu khởi động các dự án hợp tác quốc phòng với các công ty nước ngoài. Trong năm 2012, Hiệp hội hàng không vũ trụ Việt Nam (VASA) đã ký một thỏa thuận hợp tác phát triển máy bay không người lái với công ty Irkut Engineering của Nga, phục vụ cho mục đích dân sự cũng như quân sự trong tương lai.
Tại triển lãm quốc phòng RAE-2015 do Nga tổ chức, công ty quốc phòng tư nhân Moscow Research and Production Enterprise Taiber LLC của Nga cũng đã cho ra mắt một hệ thống điều khiển mới có tên SAU-9.1 dành riêng cho các phương tiện bay không người lái (UAV). Hệ thống này sẽ cho phép những chiếc UAV của Nga có thể cất và hạ cánh hoàn toàn tự động và Quân đội Nga hy vọng trong tương lai công nghệ này sẽ giúp ích cho các nhiệm vụ hỗ trợ chiến trường từ trên không của nước này.
Theo Sergey Tytsyk – Giám đốc bộ phận kỹ thuật của Moscow Research and Production Enterprise Taiber LLC cho biết, hiện tại công ty này cũng đang đàm phán hợp tác với một số đối tác ở Ấn Độ, Saudi Arabia và các quốc gia có sự quan tâm đến hệ thống điều khiển tự động hóa dành cho các phương tiện bay không người lái do họ phát triển.