Tính kỷ luật kém
|
Tuân thủ kỷ luật yếu đang trở thành vấn đề nhức nhối đối với quân đội Nga. Ảnh: Telegraph |
Theo Daily Mail, trong tháng 5, Tổng thống Nga Vladimir Putin ký sắc lệnh chấn chỉnh quân đội nhằm khôi phục vị thế siêu cường của Moscow trong thời đại mới. Quyết định được đưa ra trong bối cảnh tình trạng tuân thủ kỷ luật của quân đội đang ở mức rất thấp.
Hàng năm, rất nhiều binh sĩ thiệt mạng trong các cuộc tập trận, phần lớn nguyên nhân là lạm dụng rượu và không tuân thủ quy trình an toàn. Trong một tài liệu mật được công bố năm 2001, khoảng 500 binh sĩ Nga thiệt mạng do thao tác sai của chính họ hay đồng đội.
Trước đó, quân đội Nga đã ban hành lệnh ngưng phân phối thuốc lá miễn phí cho binh lính, nhưng các sĩ quan tham mưu cảnh báo, điều này có thể dẫn đến cuộc bạo loạn. Sự yếu kém về kỷ luật có thể ảnh hưởng rất tiêu cực đến khả năng sẵn sàng chiến đấu cũng như hiệu quả tác chiến của quân đội.
Ngân sách eo hẹp
|
Nga không đủ tiền để mua sắm nhiều vũ khí hiện đại. Ảnh: Russian Army |
Nga là quốc gia có ngân sách quốc phòng đứng thứ 3 thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, khoảng 80-90 tỷ USD. Con số này vẫn kém xa so với 500 tỷ USD của Mỹ. Trong một thời gian dài, quân đội Nga thiếu tiền để mua sắm trang bị vũ khí mới.
Từ khi Tổng thống Putin nắm quyền điều hành đất nước, ông đã tiến hành quá trình tái vũ trang quy mô lớn, nhưng tỷ trọng vũ khí hiện đại vẫn còn khá thấp. Phần lớn khí tài trong quân đội đều là sản phẩm để lại từ thời Xô Viết.
Tiêm kích tàng hình PAK FA T-50, một trong những chương trình phát triển vũ khí lớn nhất thời hậu Xô Viết vẫn trong giai đoạn phát triển. Trong khi đó, Mỹ đã vận hành phi đội tiêm kích thế hệ 5 F-22 Raptor từ năm 2005.
|
Tiêm kích bom Su-34, một trong những chiến đấu cơ hiện đại nhất của Không quân Nga lật khi hạ cánh. Ảnh: ForcesTV |
Trong hai năm gần đây, quân đội Nga gia tăng đột biến các hoạt động tuần tra, trinh sát dọc biên giới với các nước phương Tây. Tuy nhiên, việc tăng tần suất bay đã phơi bày điểm yếu của Không quân Nga trong hoạt động bảo trì, bảo dưỡng máy bay.
Trong tháng 7, Không quân Nga tổn thất một cường kích Su-24 và máy bay ném bom chiến lược Tu-95. Trước đó trong tháng 6, 2 tiêm kích MiG-29 và một chiến đấu cơ Su-34 gặp nạn. Daily Mail cho rằng, nguyên nhân chính là bảo dưỡng kém. Bên cạnh đó, quá trình đào tạo phi công có thể không đúng cách.
Chiến đấu cơ chủ lực của Nga là MiG-29 và Su-27, nhưng phần lớn máy bay không được hiện đại hóa liên tục như F-16 hay F-15 của Mỹ. Quy trình bảo dưỡng yếu có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động chiến đấu của không quân trong một cuộc xung đột nếu có.
Hàng không mẫu hạm lạc hậu
|
Hàng không mẫu hạm duy nhất của Nga thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật. Ảnh: Strangemilitary |
Hải quân Mỹ hiện có 11 tàu sân bay và 9 tàu đổ bộ tấn công. Trong khi đó, Hải quân Nga chỉ có một tàu sân bay nhưng không ở trong tình trạng tốt nhất. Hàng không mẫu hạm Đô đốc Kuznetsov thường xuyên gặp trục trặc kỹ thuật, đặc biệt vấn đề động cơ.
Tàu sân bay này được thiết kế đường băng theo kiểu nhảy cầu nên không thể triển khai hoạt động của các máy bay cánh cố định tải trọng lớn. Các tiêm kích trên hạm chỉ có thể cất cánh với tải trọng vũ khí tối thiểu, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động tác chiến trên không. Tổng thống Putin đã lên kế hoạch đóng mới siêu tàu sân bay năng lượng hạt nhân cùng hàng chục tàu chiến, tàu ngầm khác.
Tuy nhiên, sự mất giá của đồng ruble trong bối cảnh phương Tây gia tăng trừng phạt kinh tế chống Moscow có thể gây ảnh hưởng đến chương trình. Mục tiêu hoàn thành quá trình tái trang bị quân đội đến năm 2020 của Moscow có thể không đạt được.
Lực lượng xe tăng già nua
|
T-72 vẫn là trụ cột của lực lượng tăng thiết giáp Nga. Ảnh: Russia-insider |
Tăng thiết giáp hùng hậu là một trong những “át chủ bài” của quân đội Nga. Moscow sở hữu khoảng 10.000 xe tăng, nhưng một nghiên cứu gần đây của tình báo phương Tây cho thấy, chỉ khoảng 3.000 xe tăng đang hoạt động. Một nửa trong số này là xe tăng chiến đấu chủ lực T-72 đã lỗi thời và không đáp ứng các tiêu chuẩn phương Tây.
Xe tăng hiện đại nhất của Nga là T-90, nhưng con số hoạt động thực tế khoảng 300 chiếc. Trong khi đó, quân đội Mỹ có khoảng 5.000 xe tăng đang hoạt động, bao gồm các phiên bản của M1 Abrams. Trong chiến dịch Tự do Iraq năm 2003, xe tăng M1 Abrams đã chứng tỏ sự vượt trội so với T-72 mà Nga bán cho Iraq.
Gần đây, trong cuộc diễu binh kỷ niệm 70 năm chiến thắng Phát xít, Nga đã trình làng mẫu xe tăng chiến đấu chủ lực thế hệ mới T-14 Armata. Theo giới thiệu từ phía nhà sản xuất, T-14 vượt trội so với các loại xe tăng tốt nhất của phương Tây. Tuy nhiên, mẫu xe tăng này vẫn trong giai đoạn phát triển. Nhà sản xuất còn khá nhiều việc phải làm để vượt qua đợt kiểm tra cấp nhà nước.