Nga nói gì về cuộc đấu MiG-21 và F-4 ở Việt Nam(1)

Google News

(Kiến Thức) - Thua F-4 ở radar, vũ khí nhưng MiG-21 lại có tính năng bay ngang ngửa, điều đó góp phần giúp phi công Việt Nam giành thắng lợi trên bầu trời.

Nhà nghiên cứu lịch sử chiến tranh Vladimir Ilyin đã có bài viết tổng kết về cuộc đối đầu giữa tiêm kích MiG-21 của Không quân Nhân dân Việt Nam và “con ma” F-4 của Không quân Mỹ trên bầu trời miền Bắc Việt Nam.
Với tư liệu khá phong phú từ nhiều phía, tác giả phân tích kết quả không chiến giữa nhiều biến thể MiG-21 và F-4 trong chiến tranh Việt Nam và kết luận về tính ưu việt của MiG-21 cũng như chiến thắng của Không quân Nhân dân Việt Nam đối với Mỹ.
 Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, do chỉ tập trung phân tích không chiến (hầu như không đề cập đến pháo và tên lửa phòng không), lại chủ yếu xem xét đối đầu của MiG-21 với F-4 nên bài phân tích không tránh khỏi thiếu toàn diện, khách quan trong một vài vấn đề. Dẫu vậy, với đối thủ là F-4 - máy bay tiêm kích đa năng tốt hơn cả của Mỹ ở thời gian này, bài viết cho thấy sự sáng tạo của không quân ta trong không chiến đã phát huy thế mạnh của vũ khí để thắng địch trong so sánh lực lưọng không có lợi cho ta về số lượng máy bay tham chiến.
Dưới đây là nội dung bài viết:
Cuộc chiến tranh trên bầu trời miền Bắc Việt Nam là cuộc xung đột trên không lớn và bi đát nhất sau năm 1945. Cả 2 phía đã có hàng chục loại máy bay tham chiến. Tuy nhiên, cũng như trong chiến tranh Triều Tiên 1951-1953, trọng trách chủ yếu của cuộc đối đầu trên không đã “nằm trên cánh” hai loại máy bay chiến đấu chủ yếu mà kết cục của các cuộc chiến đấu giữa chúng cơ bản quyết định diễn biến của cuộc chiến.
Hai đối thủ mạnh cỡ nào?
Về phía Mỹ, máy bay cơ bản là tiêm kích phản lực siêu thanh F-4 Phantom II. Chiếc máy bay hạng nặng 2 chỗ ngồi (khối lượng cất cánh tiêu chuẩn hơn 20 tấn) được thiết kế chế tạo thành công năm 1958 đầu tiên được dùng để đảm bảo phòng không cho các nhóm tàu sân bay Hải quân Mỹ.
Đến đầu những năm 1960, F-4 sau khi giành nhiều kỷ lục về tốc độ, có lẽ đã là máy bay chiến đấu Mỹ nổi tiếng nhất. Ưu thế đương nhiên của F-4 là tính năng bay tuyệt vời cho thời điểm đó (tốc độ cao nhất 2.260km/h, trần bay thực tế 16.600-17.900m, bán kính bay thực không có thùng dầu phụ 2.380km), đài radar quan sát ngắm bắn RLS trên máy bay mạnh, cũng như bộ vũ khí hiếm có gồm: tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 Sidewinder (cơ số chuẩn 4 quả) và tên lửa đối không tầm trung dẫn đường bằng radar AIM-7 Sparrow (4 quả tên lửa treo trên giá dấu một phần trong thân máy bay).
 So với MiG-21, F-4 có tốc độ, tầm bay, có radar tầm xa, mang nhiều vũ khí mạnh mẽ.
Không quân hải quân Mỹ tham gia chiến tranh với máy bay tiêm kích hạm F-4B, về sau tham chiến có cả F-4J đã được nâng cấp. Không quân Mỹ bước vào chiến tranh có tiêm kích F-4C. Trong thời gian chiến tranh Việt Nam có bổ sung thêm F-4D cải tiến, còn vào giai đoạn kết thúc các trận đánh, Không quân Mỹ đã nhận được biến thể cải tiến nhiều hơn cả, F-4E.
Đối thủ chính của F-4 là máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-21 cũng được nghiên cứu chế tạo thành công năm 1958. Khác với máy bay Mỹ, máy bay Liên Xô dùng cho tác chiến trên chiến tuyến không xa sân bay căn cứ thuộc “hạng cân nặng” khác (khối lượng cất cánh tiêu chuẩn của các biến thể đã được sử dụng ở Việt Nam, dưới 8 tấn) và có tầm bay nhỏ hơn, gần 1.500km.
Tuy nhiên, về các tính năng bay còn lại (tốc độ cao nhất 2.175-2.300 Km/h, trần bay thực tế 18.000-19.000m) MiG không thua kém đối thủ Mỹ của mình. Bộ vũ khí của MiG-21 cũng yếu hơn nhiều so với máy bay Mỹ, gồm 2 (về sau tăng lên 4) tên lửa không đối không tầm trung R-3S tự dẫn hồng ngoại và pháo 23-30mm (hoặc không có).
Tính năng bay của MiG-21 ngang ngửa F-4, nhưng radar và vũ khí đều thua kém.
Tên lửa R-3S được cho là bản sao chép mẫu AIM-9 của Liên Xô. Đầu năm 1958 Liên Xô đã được Trung Quốc chuyển cho tên lửa của Mỹ do phi công Đài Loan bắn vào máy bay Trung Quốc nhưng không nổ, bị rơi xuống ruống lúa khi có đụng độ ở eo biển Đài Loan.
Qua đó, có thể thấy, MiG-21 và F-4 là những máy bay rất khác nhau, được chế tạo để làm những nhiệm vụ khác nhau.
Cuộc đọ sức giữa MiG-21 và F-4 ở Việt Nam
Trong giai đoạn đầu năm 1965, đối thủ chủ yếu của F-4 là tiêm kích đánh chặn cận âm MiG-17 của Không quân Nhân dân Việt Nam. Tuy kém hơn về mọi mặt, nhưng phi công Việt Nam đã dùng MiG-17 rất thành công, bắn hạ không ít F-4. Phải tới cuối 1965, đầu 1966, Không quân Nhân dân Việt Nam mới bắt đầu nhận được những biến thể MiG-21F-13, MiG-21PF.
Từ tháng 2/1966, tiêm kích đánh chặn siêu âm MiG-21F-13 (một số trong đó do Tiệp Khắc sản xuất) và MiG-21PFV (biến thể máy bay MiG-21PF bay mọi thời tiết, có trang bị máy ngắm bằng radar chế tạo cho “vùng khí hậu nhiệt đới” – phù hợp với Việt Nam) trở thành đối thủ chủ yếu của F-4.
Cũng như máy bay Mỹ, MiG-21 được trang bị vũ khí - tên lửa có điều khiển R-3S có đầu tự dẫn tìm nhiệt TGS hoặc thùng phóng chứa rocket không điều khiển NAR cỡ 55 mm S-5. Bộ chỉ huy Không quân và Hải quân Mỹ tiếp tục kỳ vọng lớn vào F-4, cho rằng với vũ khí mạnh hơn, radar trên máy bay hiện đại, tính năng tốc độ và tăng tốc cao cùng với những biện pháp chiến thuật mới sẽ đảm bảo cho F-4 Phantom ưu thế đối với máy bay đối phương. Nhưng khi đối đầu với MiG-21 gọn nhẹ hơn, F-4 bắt đầu chịu thất bại liên tiếp.
Thời kỳ đầu đụng độ, MiG-21 Việt Nam liên tiếp lập chiến công bắn hạ nhiều F-4.
Từ tháng 5-12/1966, trong các trận không chiến, Mỹ đã mất 47 máy bay mà chỉ hạ được 12 chiếc của đối phương (Việt Nam). Đã thấy rõ là tải lên cánh cao và tốc độ góc khi bay vòng ít hơn một chút (đặc biệt ở tốc độ trung bình) (về sau người Mỹ đã thừa nhận, là về tổng thể F-4 Phantom kém MiG trong quần đảo), hạn chế quá tải khi khai thác (chỉ có 6,0 so với của MiG-21PF là 8,0) và góc tấn công cho phép, cũng như tính điều khiển kém hơn của máy bay Mỹ đã có tác động hạn chế. F-4 cũng không có ưu thế về hiệu suất nâng (tỷ lệ sức đẩy của động cơ với trọng lượng máy bay) với khối lượng cất cánh tiêu chuẩn F-4B có chỉ tỉêu này là 0,74, còn MiG-21PF là 0,79.
Trước hết, phải kể đến hạn chế của F-4 Phantom về tính năng chống rơi xoắn không đạt yêu cầu. Tồn tại khả năng rơi vào xoắn phẳng mà phi công hạng trung thực tế không thoát ra được. Đã có tin là chỉ đến năm 1971, Mỹ đã mất 79 F-4 Phantom do rơi vào xoắn. Radar trên máy bay tiêm kích Mỹ dù có cự ly phát hiện và bao quát lớn, nhưng chống nhiễu tương đối kém. Buồng lái của phi công và hoa tiêu quá nhiều đồng hồ đo và núm chuyển mạch.
Trong khi đó, phải thừa nhận các ưu thế của F-4 Phantom đã được thể hiện ở Việt Nam là tính năng tăng tốc tốt hơn một chút (F-4B tăng tốc từ 600 đến 1.100 Km/h trong 20 giây, còn MiG-21PF mất 27 giây), lấy độ cao nhanh hơn, quan sát từ buồng lái (cabin) tốt hơn và có người thứ hai trong kíp lái, người này quan sát tình hình trên không và kịp thời thông báo cho chỉ huy về nguy cơ từ bán cầu phía sau.
Đối với MiG-21, phải đánh giá nhược điểm là cự ly ngắm bắn bằng radar nhỏ (không quá 10-12km đối với mục tiêu là tiêm kích), toàn bộ chu trình quan sát của radar trên máy bay mất nhiều thời gian, dấu hiệu mục tiêu trên màn hình trong buồng lái khó nhìn, tầm quan sát từ buồng lái không đủ. Để chuyển phương án dùng vũ khí, phi công phải bỏ một tay khỏi cần lái máy bay. Động cơ của máy bay tiêm kích trong một số chế độ công tác phun khói mạnh, làm lộ máy bay (khi thời tiết trong sáng có thể phát hiện MiG-21 bằng mắt thường ở cự ly 30km).
MiG-21 Việt Nam tham chiến trận đầu ngày 23/4/1966 và kết thúc không có kết quả (dù vậy, theo tài liệu Việt Nam thì ngày 4/3/1966, tiêm kích MiG-21F13 do phi công Nguyễn Hồng Nhị điều khiển đã bắn hạ một UAV Ryan Firebee. Đây là chiến công đầu tiên của MiG-21 ở Việt Nam). Đến ngày 26/4, F-4 Phantom đã hạ được MiG-21 đầu tiên, mở “tỷ số” cho các trận huyết chiến của các máy bay tiêm kích này, cuộc đấu đã tiếp diễn trong nhiều cuộc chiến tranh cục bộ trong hơn 20 năm.
 F-4 mang 4 tên lửa không đối không tầm ngắn AIM-9 và 4 tên lửa đối không tầm trung AIM-7.
Sự xuất hiện của các máy bay MiG mới đã buộc bộ chỉ huy Mỹ sử dụng F-4 Phantom nhiều hơn làm nhiệm vụ yểm trợ các máy bay cường kích, cuối cùng từ bỏ việc lắp bom cho các F-4 hộ tống.
MiG-21 Việt Nam thường tấn công đối phương với tốc độ vượt âm, phóng tên lửa từ phía sau mục tiêu và nhanh chóng thoát khỏi sự truy đuổi. Người Mỹ đã khó đưa ra gì đó chống lại chiến thuật này, một chiến thuật đòi hỏi sự chuẩn bị tốt cho phi công và sĩ quan dẫn đường trên mặt đất ở sở chỉ huy. Cũng đã bắt đầu sự hoạt động đồng thời của MiG-21 với MiG-17, những chiếc tiêm kích này đẩy đối phương từ độ cao thấp lên độ cao trung bình, nơi chúng bị MiG-21 tấn công.
Năm 1967, người Mỹ đã nâng được trình độ lái và chiến thuật cho phi công lái tiêm kích của mình lên một chút. Các biên đội chiến đấu của Không quân nhận được F-4D đã cải tiến tính đến kinh nghiệm chiến đấu. Ngày 5/6, tiêm kích F-4D mở đầu “tỷ số” chiến đấu của biến thể này bằng việc hạ MiG-17 trên bầu trời Hà Nội. Việc tăng cường chất lượng của không quân tiêm kích Mỹ đã dẫn đến việc nửa đầu năm 1967 trong các trận không chiến không quân của miền bắc Việt Nam chỉ bắn rơi được có 15 máy bay Mỹ.
Tuy nhiên, về sau các máy bay tiêm kích Việt Nam lại tăng hiệu quả của mình lên (kinh nghiệm chiến đấu có được, cũng như việc chuyển sang các loại máy bay mới được cải tiến MiG-21PF và MiG-17F trang bị tên lửa có điều khiển R-3s đã phát huy tác dụng). Nửa đầu năm 1968, trong 40 trận không chiến các phi công Việt Nam đã tiêu diệt 25 máy bay của đối phương.
 Chiếc MiG-21 số hiệu 4324 (do nhiều phi công lái) bắn hạ tổng cộng 14 máy bay Mỹ.
Tổng cộng trong giai đoạn một của cuộc chiến tranh trên không, từ tháng 4/1965 đến tháng 11/1968, trên bầu trời Việt Nam đã diễn ra 268 trận không chiến, trong các trận đó đã có 244 máy bay Mỹ và 85 máy bay Việt Nam bị bắn rơi. Trong số đó, 46-48 trận đánh thiệt hại là 27 F-4 và 20 MiG-21 (đây có thể là số trận không chiến có MiG-21 và F-4 tham gia).
Tháng 5/1968, bắt đầu các cuộc đàm phán Việt - Mỹ ở Paris với kết quả là ngừng ném bom miền Bắc Việt Nam từ 1/11/1968. Bầu trời Việt Nam trở nên tương đối yên tĩnh, các hoạt động chiến đấu chuyển sang rừng rậm nhiệt đới miền Nam. Từ tháng 12/1968 đến tháng 4/1972 chỉ xảy ra có 5 trận không chiến trên bầu trời các khu vực vĩ tuyến 17 giữa 2 miền, trong đó có 4 trận năm 1971 (phía Mỹ mất một F-4, một OV-10A còn Việt Nam là một MiG-17).
Giai đoạn ngừng bắn này đã được cả hai phía sử dụng để tăng chất lượng của các nhóm tiêm kích. Từ năm 1968, Không quân Mỹ ở Việt Nam bắt đầu nhận được máy bay tiêm kích F-4E có tính năng cơ động tốt hơn, lắp thêm pháo và radar trên máy bay mới. Năm 1970, đơn vị З66 và 588 của Không quân Mỹ đóng ở căn cứ Đà Nẵng thực tế đã được trang bị toàn máy bay mới. Các tàu sân bay của Hải quân Mỹ tham gia vào các hoạt động tác chiến đã nhận được các máy bay tiêm kích hạm được nâng cấp F-4J.
Còn phía Liên Xô đã chuyển cho Không quân Việt Nam máy bay tiêm kích MiG-21PFM với thùng pháo treo GP-9, và sau đó ít lâu máy bay MiG-21MFL có pháo GSh-23 lắp trong thân máy bay. Ngoài ra, Trung Quốc trong hai năm 1968-1969 đã chuyển cho Việt Nam 44 máy bay tiêm kích J-6 (phương án cấp giấy phép sản xuất của MiG-19).
Thấy rõ không thể trong thời gian ngắn giành lấy ưu thế đối với tiêm kích của đối phương, người Mỹ tập trung những nỗ lực chính vào hoàn thiện trình độ tác chiến của các phi công của họ.
Không quân Mỹ tổ chức các khoá huấn luyện đặc biệt đào tạo lại theo chương trình Red flag, trong đó đã luyện tập các trận không chiến với các phi đội “đối phương” được trang bị máy bay tiêm kích F-5 mô phỏng MiG-21. Đối với phi công của Không quân Hải quân theo sáng kiến của Đại uý Frank Oult năm 1969 cũng đã tổ chức “Trường vũ khí tiêm kích Hải quân”, được biết đến như trường Top Gun, ở đó trong 5 tuần lễ tiến hành huấn luyện cường độ cao các phi công trong những điều kiện gần giống nhất với chiến đấu.
Nguyễn Vũ

Bình luận(0)