Lính Nga tương lai sẽ không thể bắn nhầm quân mình

Google News

(Kiến Thức) - Việc được trang bị cảm biến phân biệt “ta – địch” sẽ giúp lính Nga trong tương lai không bao giờ bắn nhầm quân mình trong chiến đấu.

Đến năm 2017 các quân nhân Nga sẽ nhận được các cảm biến cá nhân phân biệt “ta-địch”. Việc trao đổi tín hiệu đặc biệt sẽ cho phép phân biệt đại diện bên ta trên chiến trường mà không phụ thuộc vào quân trang, phương tiện ngụy trang… Các chuyên gia nhận định, rằng việc ứng dụng các hệ thống như vậy ở cấp chiến thuật sẽ giảm thiểu thương vong.
Theo tờ Izvestia, dự án thành lập khu vực sản xuất ở Kazan dưới sự bảo trợ của tập đoàn “Các công nghệ điện tử vô tuyến” KRET (công ty con của tập đoàn nhà nước Rostekh) có bao gồm khu vực sản xuất các hệ thống nhận biết quốc gia cho đội ngũ quân nhân. Dự án đã được phó thủ tướng Dmitry Rogozin và Bộ trưởng công thương Denis Manturov phê duyệt, dự kiến sự hợp tác của 6 xí nghiệp mà hai trong số đó ở Kazan - thủ đô cộng hòa Tatarstan.
Linh Nga tuong lai se khong the ban nham quan minh
 Cảm biến đặc biệt sẽ giúp lính Nga nhận ra đâu là quân mình, đâu là quân địch.
Chính tại đây sẽ sản xuất thiết bị, còn ở những thành phố khác người ta sẽ chịu trách nhiệm thiết kế. Tập đoàn chi 10,6 tỷ Rub để hợp tác 6 xí nghiệp của mình và trang bị lại chúng trước năm 2017. Ngoài các cảm biến cho bộ binh và thế hệ mới của các hệ thống “ta - địch” cho Không quân và Hải quân, khu vực này cũng sẽ sản xuất các tổ hợp tác chiến điện tử và hệ thống dẫn đường gần cho máy bay và trực thăng.
Phó Tổng Giám đốc KRET chuyên trách lập kế hoạch chiến lược và thực hiện đặt hàng quốc phòng nhà nước Andrei Tyulin cho biết về kế hoạch làm chủ việc sản xuất các hệ thống mới cho quân đội Nga. Theo ông Tyulin, hệ thống “ta - địch” cho người lính sẽ được thực hiện dưới dạng được gọi là cảm biến ghép gắn trên trang phục chiến sĩ. Cảm biến này được lập trình tùy thuộc vào nhiệm vụ của người lính.
Theo nguồn tin khác ở KRET, Bộ Quốc phòng Nga đã quan tâm đến sản phẩm triển vọng này. Do dự án được tiến hành theo thỏa thuận với Bộ Quốc phòng, ông này đã từ chối cho biết thêm chi tiết công nghệ.
“Hệ thống “ta - địch” trước đây đã được chế tạo cho các nước XHCN Đông Âu. Đó là nói về việc nhận biết xe tăng, máy bay, tàu chiến nhưng không phải là con người. Đến nay các cuộc xung đột nhiều khi mang tính cục bộ, mà vũ khí do các bên sử dụng nhiều khi lại do cùng một nước sản xuất. Các hệ thống nhận biết quốc gia trong bối cảnh đó sẽ không còn tác dụng. Giới quân nhân đi đến kết luận, là phải bổ sung cho hệ thống nhận biết các mảnh ghép thay đổi được. Chúng ta chuyển từ bảo vệ vật thể, công trình sang bảo vệ cá thể. Cái chủ yếu trong chiến tranh hiện đại là con người, và phải nhận biết được, đó là ta hay địch trong tất cả các giai đoạn của cuộc xung đột”, Andrei Tyulin nói.
Linh Nga tuong lai se khong the ban nham quan minh-Hinh-2
 Cảm biến này có lẽ sẽ gắn trên trang phục binh sĩ cùng màn hình hiển thị.
Nguồn tin gần gũi với Bộ Tổng tham mưu giải thích, thiết bị nhận biết quốc gia có thể là thành phần của bộ trang phục Ratnik (chiến binh) hoặc Barmitsa (Lưới sắt gắn trên mũ giáp bảo vệ gáy chiến binh thời trung cổ).
“Một hệ thống như vậy sẽ có trong một trong hai loại trang phục trên, có lẽ là trong bộ Barmisa. Trang phục sẽ có cả bộ phận dẫn đường, cả thông tin liên lạc - tất cả là thiết bị điện tử”, ông này cho biết thêm.
Chiến sĩ được trang bị bộ trang phục như vậy có thể phân biệt “ta - địch” khi nhìn lên màn hình thiết bị chuyên dùng bên ngoài giống như điện thoại di động. Màn hình của thiết bị hiển thị nơi chiến sĩ có mặt trên bản đồ điện tử và vị trí của các lực lượng bên ta.
Các chuyên gia Nga không có tin tức về loại thiết bị như vậy trong quân đội các nước NATO. Chuyên gia quân sự Vyacheslav Tseluiko cho rằng, số các vụ “bắn nhầm vào quân mình” trong các chiến dịch gìn giữ hòa bình cho phép nói là không có thiết bị này.
Chuyên gia này nhận định: “Tính đến những vụ friendly fire (bắn vào quân mình), tôi nghi ngờ là họ có loại thiết bị này, vấn đề còn lâu mới có giải pháp. Một số mô hình thử nghiệm có thể đã được tạo ra trong khuôn khổ nghiên cứu “người lính của tương lai”. Nhưng tạm thời các cơ quan chỉ huy khi nhận được tọa độ của các phân đội vẫn thông báo về vị trí của các phân đội này theo các kênh thông tin liên lạc thông thường”.
Tseluiko cũng nhấn mạnh, hiệu quả của nhận biết quốc gia cho chiến sĩ sẽ phụ thuộc vào mức độ kiểm soát cảm biến và người mang cảm biến đó. Thiết bị có thể rơi vào tay đối phương.
Cựu binh của đội đặc nhiệm Vympel Anatoliy Ermolin kể: “Chúng ta không công bố, đã có bao nhiêu lần ở Afganistan, Chechniya hay khi xảy ra tác chiến ở Gruzia quân ta đã bắn vào quân mình, nhưng những vụ đó nhiều hơn là chúng ta kỳ vọng. Vì vậy ý định tạo ra hệ thống “ta - địch” ở cấp chiến thuật là hết sức cần thiết”.
Ở khu vực sản xuất dự định hợp nhất các xí nghiệp ở Kazan: Liên hiệp khoa học - sản xuất Radioelektronika (Điện tử vô tuyến) mang tên V. I. Shimko và nhà máy Radiopribor (Đồng hồ đo vô tuyến). Ngoài ra, sẽ có bốn xí nghiệp của KRET sẽ tham gia hợp tác gồm: viện nghiên cứu khoa học kỹ thuật vô tuyến điện Kaluga; nhà máy Ekran ở Samara; nhà máy radio Zhigulevskiy và liên hiệp sản xuất chế tạo dụng cụ đo Ufa. Khu vực sản xuất được xây dựng như cơ sở “sản xuất lưỡng dụng”.
Nguyễn Vũ

Bình luận(2)

Minh Hiền

Thanh Hoa

Cứ tưởng 2 nước đứng 2 bên ranh giới chứ nhỉ? sao lại vẫn bắn vào quân mình ?

Minh Hiền

Nga luôn xứng đáng là nước đầu đàn về vũ khí chiến đấu.