Nhiệm vụ của các trạm vũ trụ quân sự Almaz thông thường là thực hiện các hoạt động do thám, và trong khoảng thời gian 1973 đến 1976, Liên Xô đã phóng 3 trạm Almaz lên vũ trụ. Tuy nhiên, Salyut-3/Almaz 2 không chỉ là một trạm vũ trụ đơn thuần, mà nó là một cơ sở được trang bị vũ khí. Nó được lắp đặt một khẩu pháo nhỏ để kiểm tra khả năng tự vệ trước các loại vũ khí của Mỹ.
|
Một phần của trạm vũ trụ do Liên Xô chế tạo. |
Theo thời gian, một số thông tin đã được tiết lộ. “Theo những báo cáo được công bố và được xác nhận bởi người đứng đầu dự án khi đó là ông Pavel Popovich, Almaz 2 được lắp đặt một loại pháo đánh chặn đặc biệt do Liên Xô sản xuất. Nó là một phiên bản của pháo Nudelma-Rikhter, loại được lắp đặt trên các máy bay tiêm kích MiG-19, MiG-21 và Sukhoi-7”, ông James Oberg, một chuyên gia phương Tây về chương trình không gian của Liên Xô cho biết.
Một số nguồn tin nói rằng cỡ nòng của pháo là 23 ly, số khác cho rằng con số này là 30 ly. “Khi ngắm bắn, toàn bộ trạm phải xoay về hướng của mục tiêu và khai hỏa từ phòng điều khiển”, ông Oberg viết.
Pháo này đã được bắn thử nghiệm khi trạm đang ở dưới mặt đất. “Việc thử nghiệm pháo của Salyut-3 đã diễn ra và đã thu được những kết quả khả quan trong tầm bắn từ 500 đến 3000m”, một bài viết trên trang Encyclopedia Astronautica cho biết. “Các phi hành gia cho biết một vệ tinh đã bị tiêu diệt trong cuộc thử nghiệm này”.
Cho đến nay, tính hiệu quả của loại pháo này vẫn là đề tài gây tranh cãi của các chuyên gia. Ông Tony Williams, một nhà phân tích về các loại pháo và súng máy nói rằng: “Độ rung lắc của pháo là một vấn đề được phát hiện khi pháo được thử nghiệm dưới mặt đất và chỉ khai hỏa vài lần khi không có người trên trạm vũ trụ”.
Chuyên gia chiến tranh không gian Paul Szymanski tin rằng loại pháo này có thể hoạt động trong không gian, nhưng rất có thể sẽ có những vấn đề trong việc ngắm bắn. “Đường bay bay của các viên đạn bắn đi sẽ có hình cong do ảnh hưởng của trọng lực Trái Đất, do đó hệ thống ngắm phải xem xét yếu tố này cùng với tốc độ của trạm vũ trụ và mục tiêu”, ông nói. Thêm vào đó, việc tiêu diệt một loại vũ khí tốc độ cao ở tầm ngắn có thể sẽ khiến trạm Almaz bị các mảnh vỡ bay nhanh đập vào.
Bên cạnh đó, tính thiết thực của trạm Almaz 2 cũng là một dấu hỏi lớn. Mặc dù các loại vũ khí chống vệ tinh do thám có tồn tại (Trung Quốc đang phát triển loại khí tài này, và Mỹ đã cho phá hủy một trong những vệ tinh bị hỏng của mình bằng tên lửa vào năm 2006), nhưng công nghệ này vẫn chưa phát huy hiệu quả của mình. Thêm vào đó, rất khó để một phi hành gia trên trạm vũ trụ có thể phá hủy một quả tên lửa đang hướng về phía trạm bằng loại pháo mà họ đang có.
Mời quý độc giả xem video: