* Bài viết có sử dụng tư liệu từ cuốn Lịch sử Không quân Nhân dân Việt nam và Lịch sử dẫn đường Không quân.
Sau ngày thống nhất đất nước, Quân chủng Phòng không - Không quân nhanh chóng thu hồi chiến lợi phẩm để bảo vệ Tổ quốc. Tính đến cuối tháng 5/1975, bộ đội ta đã thu hồi được 877 máy bay các loại (bao gồm nhiều chiếc chiến đấu cơ F-5E và A-37) từ không quân quân đội Sài Gòn. Với số máy bay thu được, Bộ Quốc phòng quyết định thành lập một loạt trung đoàn không quân mới.
Ngày 30/5/1975, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Trung đoàn Tiêm kích 935 sử dụng máy bay F-5A/E và Trung đoàn Cường kích 937 dùng A-37. Hai trung đoàn có nhiệm vụ tác chiến phòng không, tiến công đường không, giành và giữ quyền làm chủ bầu trời, chi viện bảo vệ lực lượng binh chủng hợp thành.
|
Tiêm kích F-5 do hãng Northrop (Mỹ) sản xuất, được quân ta thu giữ sau 1975 và sử dụng rộng rãi trong cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam 1979.
|
Tiếp đó, ngày 5/7/1975, Trung đoàn Vận tải 918 được thành lập với trang bị máy bay C-130, C-47 và C-119. Đơn vị làm nhiệm vụ vận tải và có thể tham gia tiến công đường không khi cần.
Ngày 20/7/1975, Trung đoàn trinh sát - vận tải 917 trang bị trực thăng UH-1, CH-47 và máy bay trinh sát L-19, U-17 ra đời. Đoàn 917 có nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực, trinh sát đường không, chỉ thị mục tiêu, đổ bộ vận chuyển/vận tải đường không, cấp cứu.
Trên cơ sở các trung đoàn mới, ngày 15/9/1972, Sư đoàn Không quân 372 được thành lập với biên chế 4 đơn vị trên. Và chính những đơn vị này trong chiến bảo vệ biên giới Tây Nam 1979 trước quân xâm lược Khơ Me đỏ và giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng sau này, các đơn vị trang bị “toàn vũ khí Made in USA” trở thành cánh tay đắc lực yểm trợ tốt nhất, hiệu quả nhất cho đơn vị mặt đất.
Lực lượng chi viện đắc lực
Bước vào chiến dịch phản công biên giới Tây Nam 1979, Bộ Quốc phòng quyết định sử dụng một bộ phận lực lượng không quân tham chiến phối hợp với bộ binh để nhanh chóng tiêu diệt địch làm chủ chiến trường.
|
Máy bay cường kích A-37 (hãng Cessna Mỹ sản xuất) đã nhiều lần dội bom, bắn rocket tiêu diệt mục tiêu quân Khơ Me đỏ.
|
Sư đoàn Không quân 372 được Quân chủng Không quân chọn làm nòng cốt trong chiến dịch này. Để giúp sư 372 hoàn thành tốt nhiệm vụ, Quân chủng có điều thêm một số lực lượng từ các đơn vị bạn đến phối thuộc. Ngày 18/12/1978, một phi đội tiêm kích MiG-21 có đủ trình độ đánh địch cả ngày lẫn đêm của Trung đoàn 921 Anh hùng đã từ Nội Bài vào Biên Hòa và trực chiến từ ngày 25/12. Ngoài ra còn có 4 trực thăng vận tải hạng nặng Mi-6 của Trung đoàn 916 và một số máy bay vận tải C-130, C-119 và EC-47 của Trung đoàn 918 cũng được tăng cường cho Sư đoàn 372.
Căn cứ vào ý định của Quân chủng, Sư đoàn 372 thành lập 2 sở chỉ huy phía trước là F-1 đặt tại Bến Cầu Tây Ninh và F-2 đặt tại Châu đốc An Giang cùng 5 tổ tham mưu chiến dịch (tham mưu không quân) theo các hướng tác chiến của các quân khu, quân đoàn và quân chủng Hải quân.
Về hệ thống sân bay: Biên Hòa được chọn làm căn cứ trung tâm, 2 sân bay trọng điểm là Cần Thơ và Tân Sơn Nhất, các sân bay phía trước là Dương Minh Châu, Trảng Lớn, Thất Sơn, Phú Quốc, Plei-Ku… Tất cả đều được củng cố nhằm bảo đảm cho tất cả các loại máy bay và trực thăng hoạt động thật hiệu quả đáp ứng mọi yêu cầu nhiệm vụ trong chiến dịch.
Ngày 22/12/1978, trên toàn tuyến biên giới, quân ta bắt đầu phản công đánh vào các đơn vị địch, không quân cũng bước vào cuộc chiến đấu hiệp đồng với bộ binh. 15h15 phút ngày 23/12, 9 chiếc tiêm kích F-5 mang bom của Trung đoàn 935 chia làm 3 tốp bay lên hướng tây-tây bắc Tây Ninh chi viện cho Quân đoàn 4 đang bao vây chia cắt 3 sư đoàn địch tại rừng Hòa Hội. Các tốp F-5 đã đánh bom trúng sở chỉ huy sư đoàn 703 và trận địa pháo của quân Pol Pot tại khu vực Hòa Thanh (nam Hòa Hội 7 km).
|
Phi đội tiêm kích F-5 Không quân Nhân dân Việt Nam xuất kích.
|
Ở hướng Quân khu 5, Quân đoàn 2 và hướng Hải quân cũng nhận được sự chi viện đắc lực của Không quân từ ngày mở màn đến lúc kết thúc chiến dịch. Tính từ 22/12/1978 đến ngày 17/1/1979 là ngày quân ta và lực lượng cách mạng Campuchia giành toàn thắng trên tất cả các hướng, không quân đã hoạt động 54 đợt, đánh 99 trận với 627 lần chiếc. Trong đó có 352 lần trực tiếp đánh, 147 lần chiếc MiG-17, MiG-19, MiG-21 và F-5 làm nhiệm vụ tiêm kích phòng không, 67 lần chiếc trinh sát, chỉ thị mục tiêu; 4 lần chiếc C-130 chụp ảnh và 57 lần chiếc trực thăng bay sẵn sàng cấp cứu.
Biến vận tải cơ Mỹ thành oanh tạc cơ
Trong kháng chiến chống Mỹ, không quân ta chỉ có máy bay tiêm kích hạng nhẹ làm nhiệm vụ phòng không. Sau năm 1975, trong những máy bay chiến lợi phẩm thu được của quân đội Sài Gòn cũng chỉ có một số máy bay ném bom hạng nhẹ A-37. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ yểm trợ hỏa lực trong khả năng hạn chế, không quân ta đã sáng tạo cải tiến các loại máy bay C-130, C-119K để mang bom, đạn cối để tấn công mặt đất chi viện hỏa lực cho bộ binh. Trong chiến tranh biên giới Tây Nam, các loại máy bay này đã có những đóng góp rất tích cực.
Ngày 28/12/1978, để chi viện hỏa lực cho lực lượng Quân khu 5, Sư đoàn 372 đã cho sử dụng các máy bay C-130 và C-119K tập kích vào hậu phương của các sư đoàn quân Pol Pot ở đông bắc Campuchia.
|
Các cán bộ kỹ thuật Không quân Nhân dân Việt Nam thậm chí còn biến máy bay vận tải C-130 thành máy bay ném bom.
|
Sáng 28/12/1978, lực lượng kỹ thuật của Trung đoàn 918 tập trung lắp bom MK-81 lên C-130 và lắp đạn cối lên C-119K. Trong khi đó, đội ngũ dẫn đường trên không của các tổ bay tiến hành rà soát lại số liệu đường bay và kiểm tra các thiết bị. Mọi công tác bảo đảm đều hoàn thành đúng thời gian quy định, chỉ chờ lệnh là xuất kích đánh địch.
Lúc 11h20, sau khi 2 máy bay U-17 bay lên trinh sát khu vực phía tây đường 19 và đường 94 có kết quả, Sở chỉ huy sư đoàn 372 ra lệnh công kích. Hai chiếc C-130 do Tiêu Khánh nha và Phan Hữu Hùng làm lái chính cất cánh từ Biên Hòa bay lên hướng Plei-Ku. Sau đó nửa giờ, biên đội tiêm kích F-5 cũng cất cánh lúc 11h49 để yểm hộ cho C-130.
Cũng lúc này, tại Phù Cát, 4 MiG-19 cất cánh và được dẫn vào khu vực cách Plei-Ku 40 km về phía tây bắc yểm hộ cho C-130. Ở tại sân bay Plei-Ku, Trung đoàn 917 cũng cho 2 trực thăng UH-1 bay theo hướng tây vào khu vực cấp cứu sẵn sàng ứng cứu phi công nếu máy bay bị hỏa lực phòng không đối phương bắn.
Hai chiếc C-130 từ Biên Hòa bay lên Plei-Ku thì vòng trái rồi bay qua ngã ba sông ở khu vực Kampadou cách 65km về phía tây-tây nam Plei-ku. Một chiếc vào đánh mục tiêu K4 (Vi ra chây) một chiếc đánh K3 (Bung lung). Phát hiện mục tiêu, mỗi tổ bay ném hai loạt, mỗi loạt ném một nửa số bom mang theo.
Loạt bom đầu tiên của tổ bay thứ nhất rơi vào mép bên trái khu A của mục tiêu còn loạt sau rơi trúng khu B của K4. Tổ bay thứ 2 ném loạt đầu bị lệch trái 500m so với mục tiêu loạt phải lệch phải 300m. Cả hai tổ bay thoát ly mục tiêu bay về hạ cánh an toàn tại sân bay Biên Hòa.
Sau C-130, C-119K được lệnh vào công kích nhưng do sự cố kỹ thuật, chỉ có 1 chiếc cất cánh được. C-119K được 2 chiếc MiG-19 cất cánh từ sân bay Biên Hòa lúc 12h40 yểm hộ và sau đó khoảng 1h lại có F-5 bay lên yểm hộ trên đường rút.
|
Máy bay vận tải C-119K cũng được cải tiến mang đạn cối 82mm "thả lửa" lên đầu quân xâm lược.
|
C-119K nhận lệnh đánh vào mục tiêu K2 (Ba Kev) do lái chính Trần Văn Tuyên điều khiển. Đến khu vực quy định, nhận rõ mục tiêu, dẫn đường trên không Nguyễn Khắc Thọ lấy phần tử ngắm chuẩn bị thả đạn cối. Loạt thứ nhất, 60 quả đạn cối 82mm rơi đúng vào sở chỉ huy của sư đoàn 801 Pol Pot. Máy bay tiếp tục vòng lại ném loạt thứ hai. Lần này cả 72 quả đạn cối đều rơi vào khu vực K2.
Đúng lúc này lái chính cảm thấy trạng thái máy bay có biểu hiện bất thường. Tuy vậy anh vẫn bình tĩnh giữ chắc tay lái và điều khiển được máy bay về Plei ku hạ cánh an toàn. Các thợ máy kiểm tra phát hiện ra cánh thăng bằng ngang của máy bay bị biến dạng do thùng chứa các quả đạn va phải khi rời khỏi máy bay.
Sang ngày 29/12 hai chiếc C-130 lại tiếp tục đánh mục tiêu K3 lần thứ hai đồng thời 3 UH-1 vào đánh K2. Trong ngày 29, bộ đội Quân khu 5 đã làm chủ chiến trường, diệt và làm tan rã hai sư đoàn địch. Trong chiến công này có đóng góp quan trọng của lực lượng không quân.