Tờ Defense-Update cho hay, công ty quốc phòng AirTronic USA của Mỹ sẽ chính đưa vào sản xuất mẫu súng phóng lựu chống tăng đa năng mới PSRL, được thiết kế đơn giản, hiệu quả và phù hợp tác chiến phi đối xứng trong địa hình phức tạp.
Được biết, PSRL được AirTronic USA phát triển dựa trên súng chống tăng RPG-7 do Liên Xô chế tạo từ lâu. Với ưu điểm chi phí sản xuất thấp, có thể tái sử dụng nhiều lần, độ an toàn và tin cậy cao đã giúp RPG-7 trở thành món vũ khí không thể thiếu ở bất kỳ cuộc chiến nào. Có khoảng hơn 9 triệu đơn vị súng chống tăng kiểu này đã và đang được sử dụng trong tại quân đội và các lực lượng bán vũ trang trên toàn thế giới.
|
Biến thể súng phóng lựu chống tăng đa năng GS-777 do Mỹ sản xuất và RPG-7 bản tiêu chuẩn của Nga.
|
Theo AirTronic USA, biến thể nâng cấp PSRL-1 có tầm bắn hiệu quả lên đến 800m với trọng lượng tối đa chỉ 6.35kg nhẹ hơn RPG-7V2, tuy nhiên một biến thể khác GS-777 chỉ nặng khoảng 3,5kg - nhẹ chỉ bằng một nữa so với bản gốc.
Dự kiến, súng phóng lựu chống tăng đa năng PSRL-1 sẽ chính thức được đưa vào sản xuất trong quý II 2016 với thiết kế khá giống so với RPG-7. Nó sẽ được trang bị hệ thống kính ngắm quang học mới có khả năng hoạt động trong cả điều kiện thiếu sáng. Trong khi đó một biến thể khác là PSRL-2 sẽ có thiết kế hoàn toàn mới cải thiện đáng kể độ bền và kéo dài vòng đời sử dụng có thể bắn tới hơn 1.000 quả đạn chống tăng.
Cả hai biến thể nâng cấp của RPG-7 do AirTronic USA phát triển đều sẽ được trang bị kính ngắm quang học Eotech cũng như tích hợp thêm thước ngắm quang học dành cho các mục tiêu tầm xa. Thiết kế này giúp PSRL trở nên quen thuộc hơn với binh sĩ Mỹ khi nó sử dụng các loại kính ngắm quang học tương tự như trên súng trường tấn công M16 hay M4. Riêng PSRL-1 có thiết kế đường rail tương tự như trên M16 và M4 giúp chúng có thể sử dụng chung thiết bị ngắm hay thiết bị hổ trợ.
|
Các biến thể súng phóng lựu chống tăng GS-777 và PSRL do AirTronic USA chế tạo.
|
Không giống như các phiên bản RPG-7 trước đó, PSRL được chế tạo bằng hợp kim thép không rỉ giúp nó có tuổi thọ và độ bền cao hơn. Cộng thêm các loại kính ngắm quang học tùy chỉnh PSRL cho phép người sử dụng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách lên tới 800m với tỉ lệ bắn trúng mục tiêu từ lần bắn đầu tiên là 90%. Bên cạnh đó, AirTronic USA cũng đang phát triển các loại đạn chống tăng có dẫn đường dành cho PSRL giúp loại vũ khí nó thể tấn công mục tiêu từ khoảng cách 2km.
Khả năng của PSRL nằm ở việc nó cải tiến một số hạn chế từ RPG-7 về chất lượng của súng, đạn rocket và thiết bị ngắm quang học. Ngoài ra trong tương lai PSRL còn sẽ được AirTronic USA trang bị thêm các loại đạn chống tăng HEAT và đạn nhiệt áp thế hệ mới. Các loại đạn này đều sẽ được sản xuất tại Mỹ và do công ty quốc phòng Chemring Ordnance sản xuất, điều này sẽ cho phép Cơ quan hợp tác an ninh quốc phòng Mỹ có thể thực hiện các chương trình hợp tác kỹ thuật quân sự với một số quốc gia khác. Hiện tại Chemring cũng là công ty chuyên cung cấp các loại đạn rocket và đạn phóng lựu cỡ nòng 40mm cho Quân đội Mỹ.
Súng phóng lựu chống tăng RPG-7 vốn là dòng vũ khí nằm trong danh mục các loại vũ khí đang được một số đơn vị bộ binh và đơn vị tác chiến đặc biệt thuộc Quân đội Mỹ sử dụng. Bên cạnh đó là quân đội của một số quốc gia nằm trong chương trình viện trợ quân sự của chính phủ Mỹ như Afghanistan và Iraq thậm chí là các nhóm phiến quân nổi dậy ở Syria.
|
Một binh sĩ Mỹ đang hướng dẫn một binh sĩ khác thuộc Quân đội Quốc gia Afghanistan sử dụng RPG-7.
|
Cho đến nay, Lầu Năm Góc chỉ có thể mua sắm các loại vũ khí như RPG-7 thông qua một số nước Đông Âu chủ yếu là Ba Lan và Bulgaria, còn đạn dược là thông qua các nguồn cung khác trên toàn thế giới. Hạn chế này xuất phát từ khi các công ty quốc phòng Mỹ không còn sản xuất đạn dược cho vũ khí của Nga.
Được phát triển bởi nhà máy chế tạo vũ khí Bazalt có từ thời Liên Xô, RPG-7 là loại vũ khí chống tăng phổ biến nhất trên thế giới. Có hơn 11 nhà sản xuất vũ khí trên toàn thế giới đang sản xuất RPG-7 theo giấy phép của Nga tuy nhiên vẫn có nhiều quốc gia khác vẫn đang sao chép trái phép loại vũ khí này.