Quân chủng Lục quân Mỹ được thành lập ngày 14/6/1775 trên cơ sở quy định của hiến pháp và là nhánh lớn nhất trong các lực lượng vũ trang của Mỹ có nhiệm vụ thực hiện các hoạt động quân sự trên bộ. Trải qua 240 năm xây dựng và phát triển, Lục quân Mỹ đã trở thành lực lượng cốt yếu trong các chiến dịch quân sự trên toàn cầu.
Theo quy định tại Mục 3062, Điều 10 Bộ luật Mỹ, Lục quân phục vụ với vai trò là binh chủng trên bộ của Quân đội Mỹ với 4 mục tiêu và sứ mệnh gồm: Duy trì hòa bình và an ninh; cung ứng lực lượng bảo vệ Mỹ và các thịnh vượng chung, thuộc địa, cũng như bất cứ vùng đất nào mà Mỹ chiếm giữ; Hỗ trợ các chính sách của quốc gia; Thực thi các mục tiêu của quốc gia; Vượt lên và chiến thắng bất cứ quốc gia nào có những hành động gây hấn mà đe dọa hòa bình, an ninh quốc gia Mỹ.
|
Logo biểu tượng trên quân kỳ của Lục quân Mỹ.
|
Lục quân Mỹ được biết đến là quân chủng có lịch sử lâu đời nhất cũng như lớn nhất về quân sự của Mỹ và là một trong 7 lực lượng mang đồng phục của Mỹ. Nhiệm vụ chính của Lục quân Mỹ là cung ứng các lực lượng và khả năng cần thiết để hỗ trợ chiến lược phòng vệ và an ninh quốc gia.
Lục quân Mỹ được điều hành và quản lý bởi Bộ Lục quân Mỹ, đây là một trong ba bộ quân sự trực thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ. Người lãnh đạo dân sự là Bộ trưởng Lục quân Mỹ. Sĩ quan quân sự cao cấp nhất trong bộ là Tham mưu trưởng Lục quân Mỹ.
Hiện nay, Lục quân Mỹ có khoảng 1.047.293 quân, trong đó có 490.047 binh sĩ đang phục vụ, 557.246 quân dự bị và nhân viên của lực lượng Vệ binh Quốc gia.
Các bộ tư lệnh lục quân gồm có: Bộ tư lệnh các lực lượng Lục quân Mỹ (USAFC); Bộ tư lệnh Học thuyết và Đào tạo Lục quân Mỹ (USATDC); Bộ tư lệnh Quân trang Lục quân Mỹ (USAMC). Ngoài ra, các bộ tư lệnh thành phần của lục quân bao gồm: Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường châu Phi (USAA); Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường miền Trung (USAC); Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường phương Bắc (USAN); Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường phương Nam (USAS); Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường châu Âu (USAE); Lục quân Mỹ đặc trách chiến trường Thái Bình Dương (USAP); Lục quân 8 Mỹ (EUSA); Bộ tư lệnh các chiến dịch đặc biệt (USASOC); Bộ tư lệnh Phối hợp và Triển khai Vận tải (SDDC); Bộ tư lệnh Phòng không chống tên lửa và Không gian Lục quân Mỹ (USASMDC).
|
Năm 2015 kỷ niệm 240 năm xây dựng và phát triển của Lục quân Mỹ.
|
Theo cơ cấu, Lục quân Mỹ gồm có ba thành phần: một thành phần chính quy; hai thành phần dự bị là Lục quân Vệ binh Quốc gia và Lục quân dự bị. Lục quân dự bị gồm có các binh sĩ bán thời gian, tham dự huấn luyện chỉ một lần trong tháng và tham dự một khóa huấn luyện thường niên dài từ hai đến ba tuần mỗi năm.
Trong khi Lục quân Vệ binh Quốc gia được tổ chức, huấn luyện và trang bị như một thành phần của Lục quân Mỹ, khi nó không phục vụ cho liên bang thì mỗi đơn vị riêng của nó nằm dưới quyền của các thống đốc lãnh thổ và tiểu bang riêng biệt hay thị trưởng Đặc khu Columbia. Tuy nhiên Vệ binh Quốc gia Mỹ có thể bị liên bang hóa bằng sắc lệnh của Tổng thống Mỹ cho dù thống đốc tiểu bang có đồng ý hay không.
Các đơn vị chiến đấu chính quy của Lục quân Mỹ gồm có: Sư đoàn thiết giáp 1, Sư đoàn Kỵ binh 1, Sư đoàn Bộ binh 1, Sư đoàn Bộ binh 2, Sư đoàn Bộ binh 3, Sư đoàn Bộ binh 4, Sư đoàn sơn cước 10, Sư đoàn Bộ binh 25, Sư đoàn Dù 82, Sư đoàn Dù 101, Lữ đoàn Dù 173, Trung đoàn Kỵ binh Stryker 2, Trung đoàn Kỵ binh Stryker 3 và Trung đoàn Kỵ binh 11. Ngoài ra, các lực lượng hành quân đặc biệt gồm có: Lực lượng Đặc biệt (mũ nồi xanh), Trung đoàn Biệt động số 75, Trung đoàn không vận các chiến dịch Đặc biệt 160, Liên đoàn Chiến tranh Tâm lý 4, Lữ đoàn Công chính 95, Lữ đoàn Hậu cần 528 và Lực lượng Delta. Các lực lượng chịu sự chỉ huy trực tiếp từ Bộ tư lệnh Chiến dịch Đặc biệt Lục quân Mỹ.
|
(Ảnh minh họa).
|
Đươc biết, Lục quân Mỹ có khoảng 11 sư đoàn, mỗi sư đoàn có bốn lữ đoàn tác chiến bộ binh. Trong Lục quân Vệ binh Quốc gia và Lục quân dự bị có các sư đoàn với lữ đoàn hỗn hợp, gồm các lữ đoàn hỗ trợ chiến đấu và hỗ trợ phục vụ chiến đấu, và các lữ đoàn kị binh, bộ binh, pháo binh, hàng không, công binh, hỗ trợ độc lập.
Từ giữa năm 2013, lục quân quyết định cắt giảm quân số xuống 32 lữ đoàn chiến đấu và mới đây (ngày 7/7/2015) Bộ Quốc phòng Mỹ ra thông báo sẽ cắt giảm 40.000 binh sĩ trong vòng hai năm tới ở cả trong và ngoài nước. Ngoài ra, Quân đội Mỹ cũng có kế hoạch cho nghỉ việc khoảng 17.000 nhân viên dân sự đang làm việc cho quân đội. Kế hoạch cắt giảm này sẽ khiến Quân đội Mỹ có quy mô nhỏ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai. Với kế hoạch này, Lầu Năm Góc dự kiến sẽ tiết kiệm được 1 nghìn tỷ USD cho kế hoạch chi tiêu quốc phòng trong 10 năm tới.
Quân chủng Lục quân Mỹ khai triển nhiều loại vũ khí cá nhân khác nhau cho mục đích tạo hỏa lực nhẹ ở tầm ngắn. Vũ khí phổ biến nhất mà Lục quân Mỹ sử dụng là súng M16 và M4 carbine.
Loại súng M4 đang từ từ thay thế loại súng M16 trong một số đơn vị, chủ yếu là bộ binh, biệt kích, và lực lượng đặc biệt. Ngoài ra, loại vũ khí đeo bên mình và phổ biến nhất trong Lục quân Mỹ là súng lục M9 được cấp cho đa số các đơn vị tác chiến và hỗ trợ, còn biệt kích Mỹ được trang bị súng trường SCAR-H.
Và còn nhiều loại vũ khí đặc biệt khác nhau được cung cấp gồm có súng máy nhẹ M249, súng Benelli M4 Super 90 hay Mossberg 590, súng trường M14 và M107, M24, M110. Lựu đạn M67 và M18.
Bên cạnh đó, Lục quân Mỹ cũng triển khai nhiều loại vũ khí tập thể để tăng cường hỏa lực ở ngoài tầm vũ khí cá nhân như: Súng máy M249 là loại súng máy chuẩn hạng nhẹ của Lục quân. Súng máy M240 là loại chuẩn tầm trung của Lục quân; Súng máy hạng nặng M2 chống phá vật cản và là vũ khí chính trên các loại xe tác chiến bộ binh Stryker và tăng M1 Abrams; Súng máy phóng lựu MK 19 được sử dụng chính yếu trong các đơn vị cơ giới.
Ngoài ra, Lục quân Mỹ sử dụng ba loại súng cối để hỗ trợ hỏa lực pháo binh như: cối M224, cối M252 và loại cối lớn nhất là M120, M121 120 mm. Các loại pháo kéo theo xe được sử dụng để yểm trợ hỏa lực cho các đơn vị bộ binh nhẹ gồm pháo M119A1 105 mm và M777 155 mm.
|
(Ảnh minh họa).
|
Bên cạnh các loại vũ trên, Lục quân Mỹ còn sử dụng một phần đáng kể ngân sách quân sự của mình để duy trì một số lượng xe chiến đấu và phi cơ đủ các chủng loại. Loại xe phổ biến nhất là Humvee, có khả năng phục vụ với các vai trò như chở binh sĩ, tiếp liệu và là nơi đặt vũ khí, tải thương. Mặc dù lục quân sử dụng nhiều loại xe hỗ trợ tác chiến khác nhau nhưng loại phổ biến nhất là nhóm xe chiến thuật cơ động hạng nặng HEMTT.
Về xe tăng, M1A2 Abrams là loại tăng xe tác chiến chính của lục quân, trong khi đó M2A3 Bradley là xe chiến đấu bộ binh chuẩn của lục quân. Các loại xe quân sự khác gồm có xe tác chiến kỵ binh M3A3 và thiết vận xa bộ binh M113 và nhiều loại xe bộ binh bọc thép có thể chống được mìn bẫy.
Mặc dù Lục quân Mỹ sử dụng một số ít phi cơ có cánh cố định nhưng lại sử dụng nhiều loại phi cơ lên thẳng. Điển hình là trực thăng tấn công AH-64 Apache, trực thăng tấn công hạng nhẹ/trinh sát vũ trang OH-58 Kiowa, trực thăng vận tải tiện ích chiến thuật UH-60 Black Hawk và trực thăng vận tải hạng nặng CH-47 Chinook. Đến thời điểm hiện nay Lục quân Mỹ được biên chế khoảng 4.948 máy bay.
|
(Ảnh minh họa).
|
Thế kỷ 21 được đánh giá là thế kỷ của sự cạnh tranh lợi ích địa chính trị-quân sự giữa các cường quốc, thế kỷ của xung đột, khủng bố và chủ nghĩa cực đoan, thế kỷ của chạy đua vũ trang và ngoại giao pháo hạm.
Và mới đây (ngày 1/7/2015), Lầu Năm Góc đã công bố Chiến lược quân sự quốc gia năm 2015, trong đó nêu lên những thách thức và nguy cơ đe dọa mới, đồng thời định hướng các biện pháp và cách thức quân đội nước này sẽ áp dụng để bảo vệ và thúc đẩy các lợi ích quốc gia và an ninh của Mỹ.
Chiến lược quân sự quốc gia 2015 của Mỹ được xây dựng nhằm mục đích bảo đảm duy trì một nền quốc phòng có “lực lượng quân đội được lãnh đạo, huấn luyện và trang bị tốt nhất thế giới”. Và vai trò cũng như sức mạnh của Quân đội Mỹ vẫn ưu tiên hàng đầu. Do vậy, Quân chủng Lục quân Mỹ cũng sẽ là một trong số các lực lượng được Quân đội Mỹ coi trọng.
Với 240 năm xây dựng và phát triển, Lục quân Mỹ hiện nay đã trở thành lực lượng nòng cốt trong các hoạt động cũng như các chiến dịch quân sự của Quân đội Mỹ trên khắp các chiến trường toàn cầu.