Trong một cuộc tập trận được Quân đội Nga tổ chức vào tháng trước, phòng thiết kế NPO Mashinostroyenia (Tổng công ty tên lửa chiến thuật Nga) đã thực hiện các đợt phóng thử nghiệm cuối cùng của một mẫu tên lửa hành trình thế hệ mới đang được phát triển. Theo Alexander Leonov – lãnh đạo NPO Mashinostroyenia, mẫu tên lửa hành trình trên được phát triển dành cho Hải quân Nga và quá trình thử nghiệm được diễn ra cả trên đất liền lẫn trên biển.
Các biến thể của mẫu tên lửa hành trình trên đều vượt qua các bài kiểm tra cấp nhà nước của Nga, tuy nhiên NPO Mashinostroyenia vẫn chưa công bố tên chính thức của loại tên lửa này cùng bất kỳ đặc điểm kỹ chiến thuật nào.
|
Mọi tên lửa hành trình thế hệ mới của Nga hiện nay đều dựa trên nền tảng tên lửa hành trình chống hạm siêu âm P-800 Onyx.
|
Theo Dmitry Kornev - Trưởng ban biên tập của MilitaryRussia thì, các thông tin về mẫu tên lửa hành trình mới đều được Bộ quốc phòng Nga giữ kín. Hiện tại mới chỉ có một số giả thuyết ban đầu về mẫu tên lửa này và khả năng đây là một mẫu tên lửa hành trình siêu âm là rất lớn. Bên cạnh đó, NPO Mashinostroyenia cũng đang hợp tác tích cực với cơ quan nghiên cứu phát triển
quốc phòng của Ấn Độ (DRDO) trong việc phát triển biến thể tiếp theo tên lửa hành trình siêu âm BrahMos-2.
Ngoài ra, theo dự đoán của Kornev, rất có thể Hải quân Nga đang muốn hiện đại hóa lực lượng chiến thuật đã lỗi thời của mình, với việc nâng cấp toàn bộ hệ thống dẫn đường cũng như trang bị thêm các tính năng mới trong quá trình tác chiến. Điều này sẽ giúp nâng cao khả năng tác chiến của Hải quân Nga trong tương lai.
Các chuyên gia quân sự phán đoán rằng, rất có thể mẫu tên lửa hành trình mới là biến thể nâng cấp của tên lửa hành trình chống hạm P-800 Onyx, còn được biết tới với các tên khác là Yakhont - dành cho thị trường xuất khẩu. Đây là mẫu tên lửa hành trình siêu âm nổi tiếng nhất của NPO trên thị trường
vũ khí thế giới, nó còn là nền tảng phát triển BrahMos và tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion.
|
Tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion trang bị đạn tên lửa Onyx/Yakhont.
|
Theo đó, Quân đội Nga đang mở rộng khả năng tác chiến của các tên lửa chiến thuật của mình nhất là đối với lực lượng hải quân, phạm vi tác chiến của Hải quân Nga không chỉ bó hẹp ở trên biển hay trên không như trước đây mà được mở rộng ra cả trên đất liền. Các lực lượng tên lửa mặt đất và hệ thống tên lửa trên hạm đều đóng một vai trò quan trọng đối với Hải quân Nga trong quá khứ lẫn trong tương lai, và việc sở hữu một mẫu tên lửa đa năng có thể tác chiến ở mọi chiến trường với mọi mục tiêu là thứ mà Nga đang cần đến.
Việc đưa vào trang bị mẫu tên lửa hành trình siêu âm đa năng mới không chỉ tăng cường đáng kể sức mạnh của Hải quân Nga nói chung, mà còn mở ra cơ hội cho thị trường xuất khẩu vũ khí nói riêng.
|
Tuy Nga sở hữu nhiều mẫu tên lửa chống hạm khác nhau nhưng đa số đều đa khá lạc hậu và không còn phù hợp với nhu cầu tác chiến hiện đại.
|
Một số quốc gia trên thế giới, đặc biệt là Việt Nam và Indonesia rất ưa thích sử dụng các mẫu tên lửa do Nga sản xuất với các biến thể khác nhau. Trong đó Việt Nam đang sở hữu tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển Bastion, với khả năng tiêu diệt cả các mục tiêu trên biển lẫn trên đất liền.
Ngoài các tổ hợp tên lửa phòng thủ bờ biển thế hệ mới, các tổ hợp tên lửa bảo vệ bờ biển thế hệ cũ như Sopka và Rubezh do
Liên Xô phát triển trước đây vẫn được nhiều quốc gia trên thế giới sử dụng, nhất là trong các cuộc xung đột gần đây ở Trung Đông.
Một diễn biến có liên quan khác, Phó đô đốc Hải quân Mỹ Michael Connor trong một cuộc phỏng vấn với tờ
The Inquisitr, đã bày tỏ lo ngại về chương trình phát triển lực lượng
tàu ngầm chiến lược của Hải quân Nga. Nhất là các chương trình có liên quan tới việc phát triển tên lửa đạn đạo liên lục địa Bulava được phóng đi từ các tàu ngầm nguyên tử.