Đầu tháng 11/2013, đại diện Nga và Việt Nam đã ký kết văn bản về việc chuyển giao trung tâm đào tạo thủy thủ tàu ngầm tại Cam Ranh cho Hải quân Việt Nam tại Moscow.
Lễ bàn giao trọng thể sẽ được tổ chức vào tháng 1/2014, cùng thời điểm chiếc tàu ngầm Kilo đầu tiên của Việt Nam mang tên HQ-182 Hà Nội về tới quân cảng Cam Rang.
Theo tờ Tin tức Quân sự Nga, phía Nga đang tham gia giúp đỡ Việt Nam xây dựng một trung tâm huấn luyện tàu ngầm. Dự án do Công ty Cổ phần Hiệp hội Khoa học và Sản xuất Avrora JSC thực hiện.
"Dự án được phát triển bởi Trung tâm đào tạo của Công ty Cổ phần Hiệp hội Khoa học và sản xuất Avrora JSC. Công ty này của Nga cùng tham gia chế tạo và cung cấp các thiết bị kỹ thuật huấn luyện và tài liệu cần thiết cho việc tổ chức và thực hiện quá trình đào tạo tàu ngầm cho các thủy thủ Việt Nam", nguồn tin công nghiệp quốc phòng Nga cho hay.
|
Thủy thủ tàu ngầm Kilo tại Nga.
|
Theo nguồn tin này, hiện nay nhà thầu đã hoàn thành công việc xây dựng 2 tòa nhà chính, và đang lắp đặt lớp lưới lót cũng như bắt đầu tu bổ và lắp ráp các thiết bị cần thiết. Trong đó, một trong hai tòa nhà sẽ được lắp đặt kết cấu kim loại và các thiết bị cần thiết để phục vụ quá trình giám sát và cứu hộ tàu ngầm trong quá trình huấn luyện lặn.
Các thiết bị khác sẽ được liên kết với hệ thống mô phỏng tích hợp, trong đó có một số thành phần lần đầu tiên được Nga cung cấp.
Cũng theo nguồn tin này, khi nào các thiết bị và hệ thống mô phỏng tích hợp được hoàn thành, các chuyên gia Nga sẽ trở lại Việt Nam để giảng dạy cho các chuyên gia trong nước về việc khai thác trung tâm huấn luyện tàu ngầm này. Sau đó, cùng với các chuyên gia Nga, các chuyên gia Việt Nam sẽ tham gia trực tiếp vào việc vận hành các thiết bị và phần cứng mô phỏng tích hợp.
“Trung tâm huấn luyện giống như một chiếc tàu ngầm không có phần khung cứng được lắp ráp trên bờ biển”, đại diện Hiệp hội Khoa học - Sản xuất Avrora Vladimir Khoroshev cho biết.
Chuyên viên Vladimir Khoroshev cho biết: “Ruột” của con tàu này do Avrora chế tạo trong sự phối hợp chặt chẽ với gần 100 công ty Nga chuyên cung cấp thiết bị cho tàu ngầm thực sự. Trên con tàu mô phỏng lắp đặt khoảng 30 thiết bị đào tạo - tập luyện, nối kết trong một hệ thống duy nhất. Trên những thiết bị này có thể nghiên cứu vận hành tàu ngầm trong điều kiện hoạt động thông thường cũng như huấn luyện cách xử sự của thủy thủ đoàn trong những tình huống bất thường khẩn cấp, cho đến mức báo động cao nhất. Hiệp hội Avrora cùng với các trung tâm đào tạo của Liên bang Nga đã hoạch định cả các phương pháp huấn luyện, tiếp thu những kinh nghiệm phong phú và hữu ích của giới khoa học chuyên môn, các công trình sư và thủy thủ tàu ngầm của Nga từ trước tới nay”.
|
Hệ thống huấn luyện tàu chiến mặt nước của Việt Nam.
|
Trong thành phần của trung tâm đào tạo có sàn chao đảo chuyển động trên ba mặt phẳng và cho phép tái hiện tình hình thực tế trên biển khi gặp cơn bão, tàu rung lắc, nghiêng mạn lúc lặn sâu và nổi lên mặt nước. Nếu thủy thủ thực hiện một động tác sai, ngay lập tức sẽ có cảm nhận thể chất – sàn sẽ nghiêng lệch hay nhô vọt lên trên, mô phỏng chính xác tình hình của một con tàu thật. Trong đó, mọi chuyển động đều sát với hiện thực đến mức tối đa.
Cũng như với tàu ngầm thực sự, khi cấu tạo trung tâm tập luyện này, nhiều chú ý to lớn được dành cho cuộc đấu tranh vì sự sống còn của tàu ngầm. Tại trung tâm có bể bơi đặc biệt, nơi thủy thủ tàu lặn sẽ học cách hành động trong môi trường giả định có khói ngạt, cần dập lửa bằng những phương tiện khác nhau, thực hiện công tác sửa chữa, và nhanh chóng rời khỏi tàu qua đường ống phóng ngư lôi.
Trung tâm đào tạo không thể thiếu giảng viên. Trong vòng 2 năm, khi tiến hành lắp đặt hoàn chỉnh mọi chi tiết thành tố của trung tâm, nhóm huấn luyện viên tương lai của trung tâm này cũng trải qua khóa đào tạo đặc biệt tại Saint-Peterburg. Nhóm gồm 50 sĩ quan hải quân và giảng viên đại học Việt Nam. Có cả các chuyên viên quản lý hệ thống, những người đã được dạy làm thế nào để thiết lập chương trình từng phần của trung tâm tập luyện.
|
Các học viên hải quân học tập trên hệ thống mô phỏng.
|
Cũng theo ông Vladimir Khoroshev, toàn bộ tài liệu hướng dẫn trên Kilo 636 và tương ứng là trong các khoang của tổ hợp tập luyện đều viết bằng tiếng Nga.
“Nhóm huấn luyện viên tương lai đã qua khóa học tiếng Nga trong suốt một năm rưỡi, sau đó làm quen cụ thể với tất cả các chi tiết của hệ thống trong trung tâm đào tạo và trải qua đượt thực tế tàu biển trên tàu thật ngoài khơi. Sau đó, họ đã trả thi và đạt kết quả loại khá và giỏi với điểm số trung bình là 4,4. Đây là những bạn trẻ rất tuyệt và tôi tin chắc rằng họ sẽ vững vàng huấn luyện được những thủy thủ tàu ngầm chuyên nghiệp”, ông này cho biết thêm.
Các giảng viên Việt Nam đã về nước. Đến tháng 11, khi trung tâm đào tạo được lắp ráp hoàn chỉnh, họ bắt đầu đào tạo lớp thủy thủ tàu ngầm tương lai của Việt Nam. Đến với tàu ngầm Kilo sẽ là tập thể thủy thủ đoàn thành thạo sẵn sàng đương đầu với bất kỳ thử thách nào để hoàn thành nhiệm vụ mà đất nước và quân đội giao phó.
Bên cạnh việc đào tạo thủy thủ tàu ngầm trong nước, Ấn Độ cũng sẽ giúp Việt Nam huấn luyện thủy thủ tàu ngầm theo thỏa thuận đã đạt được trước đó.
Ngoài việc xây dựng nơi huấn luyện đào tạo thủy thủ tàu ngầm, Quân chủng Hải quân Việt Nam cũng đầu tư xây dựng khu vực đảm bảo sức khỏe cho cán bộ thủy thủ tàu ngầm. Theo báo Quân đội Nhân dân, ngày 28/2, tại thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên, Quân chủng Hải quân đã long trọng tổ chức lễ khởi công Trung tâm an điều dưỡng Hải quân, giai đoạn 1.
Trước đó, ngày 10/8/2012, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng đã ký quyết định số 2865/QĐ-BQP về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng Trung tâm an điều dưỡng Hải quân. Giai đoạn 1 là 210 tỉ đồng, với diện tích 12,8 héc-ta và giao cho Bộ tư lệnh Hải quân làm chủ đầu tư.
Khi Trung tâm an điều dưỡng Hải quân hoàn thành và đi vào hoạt động sẽ thực hiện nhiệm vụ chủ yếu là tiếp nhận và điều dưỡng sức khỏe cho lực lượng tàu ngầm hải quân và một số lực lượng khác thuộc Hải quân nhân dân Việt Nam.