Khám phá “cái nôi” đào tạo thủy thủ tàu ngầm Việt Nam

Google News

(Kiến Thức) - Ấn Độ đã bắt đầu chương trình đào tạo hơn 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam tại trường đào tạo tàu ngầm hàng đầu của Hải quân Ấn Độ.

Theo thỏa thuận hợp tác quốc phòng Việt Nam - Ấn Độ ký kết, mới đây, Ấn Độ đã khởi động chương trình đào tạo hơn 500 thủy thủ tàu ngầm Việt Nam. Chương trình đào tạo được tiến hành tại Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana ở Visakhapatnam - nơi được trang bị hệ thống đào tạo tiên tiến gồm cả các hệ thống mô phỏng. Đoàn thủy thủ tàu ngầm của Việt Nam sẽ được huấn luyện hoạt động tàu ngầm và chiến tranh dưới nước để có thể vận hành tốt 6 tàu ngầm Project 636 Varshavyanka (NATO định danh là Kilo) mà Việt Nam đặt hàng từ Nga.
 Thủy thủ tàu ngầm Kilo HQ-182 Hà Nội tại Nga.
Phía Ấn Độ khẳng định, Ấn Độ sẽ nỗ lực huấn luyện để tăng cường sức mạnh cho Hải quân Nhân dân Việt Nam. Riêng về lĩnh vực đào tạo thủy thủ tàu ngầm, Hải quân Ấn Độ đã có nhiều kinh nghiệm khai thác tàu ngầm Kilo (biến thể của Ấn Độ là Project 877EKM) từ giữa những năm 1980, do đó có thể giúp đỡ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana ở Visakhapatnam của Hải quân Ấn Độ cũng là một trong những cái nôi đào tạo thủy thủy tàu ngầm trong và ngoài nước uy tín trên thế giới hiện nay.
Nhìn lại lịch sử của Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana: Việc mua lại tàu chiến mặt nước và tàu ngầm của Liên Xô vào cuối năm 1960 đòi hỏi một cơ sở đào tạo mới, do đó ý tưởng thành lập một cơ sở đào tạo chuyên trách hải quân bắt đầu được xét đến. Ngày 11/3/1974, cơ sở đào tạo tích hợp hải quân mang tên Circar II được thành lập với mục đích đào tạo cán bộ, thủy thủ cho cả tàu chiến mặt nước và tàu ngầm mua của Liên Xô. Đến ngày 21/12/1974, cơ sở này được đổi tên thành Trường đào tạo hải quân INS Satavahana thuộc Hải quân Ấn Độ.
 Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana là một trong những cái nôi đào tạo thủy thủy tàu ngầm trong và ngoài nước uy tín của Ấn Độ.
Năm 1986, INS Satavahana nhận được quyết định giải thể đơn vị đào tạo tàu chiến mặt nước và chỉ đào tạo chuyên trách tàu ngầm cho hải quân. Kể từ đó, INS Satavahana được biết đến với tên gọi là Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana và trở thành đơn vị đào tạo tàu ngầm hàng đầu của Hải quân Ấn Độ hiện nay.
Về mặt cơ cấu tổ chức, INS Satavahana chịu sự chỉ huy trực tiếp của Bộ tư lệnh Hải quân phía Đông (FOC-in-C East). Tuy nhiên, kiểm soát về mặt hành chính cũng như chức năng đào tạo lại thuộc quyền của Bộ tư lệnh Hải quân phía Nam (FOC-in-C South). Chức năng chính của cơ sở đào tạo này là huấn luyện, đào tạo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm huấn luyện hoạt động các loại tàu ngầm trên thế giới, trong đó tập trung vào các kỹ năng tác chiến dưới nước và thoát hiểm...nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn như: hiệu suất, yêu cầu nghiêm ngặt và mức độ chính xác trong quá trình vận hành, duy trì sự sống sót của tàu và thủy thủ đoàn.
 Trường INS Satavahana có hệ thống mô phỏng hiện đại đảm bảo huấn luyện thủy thủ tàu ngầm Kilo.
Hiện nay, trong cơ cấu tổ chức của Trường đào tạo tàu ngầm INS Satavahana có 3 cơ sở đào tạo trực thuộc gồm: Đào tạo kỹ thuật tàu ngầm (SMS); Đào tạo thoát hiểm tàu ngầm (ETS) và Huấn luyện tác chiến tàu ngầm (SAUW). Trong đó, SAUW được thành lập sau cùng vào tháng 12/2006, khi đó đơn vị này chỉ đào tạo thủy thủ đoàn cho tàu ngầm hạt nhân. Tuy nhiên, đến ngày nay, SAUW đã phát triển thành đơn vị đào tạo tác chiến mô phỏng với cơ sở hạ tầng và trang thiết bị huấn luyện hiện đại dành cho đào tạo cán bộ, thủy thủ tàu ngầm của hải quân các nước.
Các mô hình huấn luyện và tổ hợp mô phỏng tại INS Satavahana đã đươc nâng cấp toàn diện, nhằm đáp ứng yêu cầu cao nhất về hiệu suất cũng như sự thay đổi về mặt kỹ, chiến thuật tác chiến có sử dụng tàu ngầm trong chiến tranh hiện đại ngày nay.
 Phó đô đốc Bimal Verma, Tư lệnh Bộ tư lệnh Hải quân phía Đông Ấn Độ kiểm tra một số tổ hợp huấn luyện tại INS Satavahana.
Việc đào tạo thủy thủ tàu ngầm cho nước ngoài tại INS Satavahana được bắt đầu vào tháng 1/2005. 20 thủy thủ của Hải quân Cộng hòa Nam phi là những học viên nước ngoài đầu tiên được đào tạo tại INS Satavahana. Kể từ năm 2006, có thêm thủy thủ tàu ngầm của 6 quốc gia khác được gửi đến đạo tạo tại đây. Và mới đây, Việt Nam và Ấn Độ đã ký kết hiệp định hợp tác, trong đó có tăng cường quan hệ quốc phòng, an ninh song phương, mở rộng hợp tác về công nghiệp quốc phòng, chuyển giao công nghệ và sản xuất phục vụ nhiệm vụ quốc phòng. Tăng cường hợp tác về huấn luyện, đào tạo lực lượng, đặc biệt là đào tạo thủy thủ tàu ngầm.
Hiện tàu ngầm mang tên Hà Nội của Hải quân Việt Nam đang trong quá trình di chuyển về cảng Cam Ranh. Dự kiến vào giữa tháng 12 tàu sẽ về đến Việt Nam. Trong khi đó, tàu ngầm Hồ Chí Minh vừa tham gia cuộc thử nghiệm đối kháng trên vùng biển Baltic với tàu ngầm của Hải quân Nga.
Su Nhi

Bình luận(0)